Trăn trở “món nợ” của ngành
- Người có công
- 03:02 - 27/04/2017
Năm “tổng lực” giải quyết chính sách cho người có công
Ngay từ khi vừa về Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã xác định, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần được ưu tiên thực hiện. Hiện nay, toàn quốc có khoảng 9 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cho thấy, trong số hơn 2 triệu đối tượng được rà soát thì số đã hưởng đầy đủ chế độ chiếm 95,75%; số kê khai hưởng chưa đầy đủ chiếm 4,16% và số phát hiện hưởng sai chính sách gần 1.900 trường hợp (chiếm 0,09%). Kết quả tổng rà soát cũng cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách…
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong giải quyết tồn đọng là đối tượng lập hồ sơ kê khai là người có công nhưng không có giấy tờ, căn cứ chứng minh, đặc biệt là hồ sơ liệt sĩ, thương binh, người bị địch bắt tù, đày. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra với ngành LĐ-TB&XH là ưu tiên giải quyết tồn đọng thật khẩn trương nhưng phải đảm bảo chặt chẽ ở mức độ nhất định, cơ chế phải mở, phải thông thoáng. Tuy nhiên, xác định mở đến mức nào, thông thoáng đến mức nào để đảm bảo xác nhận đúng đối tượng, hạn chế được hồ sơ giả là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ân cần thăm hỏi mẹ VNAH Đào Thị Mùi (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Ảnh: Mạnh Dũng
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn khoảng hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác chưa được quy tập và trên 300.000 hài cốt đã quy tập nhưng chưa rõ danh tính. Với vị tổng tư lệnh ngành, đây chính là điều day dứt, đau lòng nhất bởi chiến tranh đã qua lâu, nếu làm không nhanh chúng ta sẽ không còn cơ hội tìm thấy hài cốt những liệt sĩ đó nữa. “Chúng tôi coi đây là việc đặc biệt quan tâm, hứa với Quốc hội cố gắng phấn đấu càng nhanh càng tốt”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã hứa trước diễn đàn Quốc hội
Năm 2017, cả nước Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Ban Bí thư đã quyết định tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đang được các bộ, ngành và địa phương gấp rút thực hiện. Riêng với ngành LĐ -TB&XH, đây sẽ là năm tổng lực cho công tác Đền ơn đáp nghĩa. Với mục tiêu hết năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo số liệu hồ sơ người có công còn tồn đọng. Kết quả theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì cả nước có trên 5.900 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng. “Trước mắt, trong năm 2017, Bộ sẽ tập trung giải quyết dứt điểm số hồ sơ tồn đọng này, đồng thời tiếp tục triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở, phấn đấu đến hết năm 2018 giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ nhà ở theo kết quả rà soát” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Đột phá về đào tạo nghề, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm
Cùng với công tác đền ơn đáp nghĩa, năm 2017 cũng là năm đầu tiên Bộ LĐ-TB&XH nhận nhiệm vụ chính phủ giao thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tất cả 234 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp đang trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý...
Ngay sau khi nhận chuyển giao từ Bộ GD&ĐT, từ tháng 1/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung vào việc tập trung sửa đổi thể chế, ban hành 37 văn bản khác nhau về giáo dục nghề nghiệp... Để thực hiện mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ cũng đã đề ra 10 nhóm giải pháp cơ bản trong đó tập trung vào 3 giải pháp đột phá gồm: Thứ nhất là xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Thứ hai là tăng cường tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Thứ ba là tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Bộ trưởng gặp gỡ, động viên sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất - Ảnh: Mạnh Dũng
“Bước đầu 3 trường đã thí điểm giao tự chủ, 5 trường liên kết doanh nghiệp với cam kết nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hiện nay cũng đã có 6 trường cam kết sinh viên ra trường nếu không có việc làm thì trường sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo cho các em. Với những giải pháp như vậy, hy vọng sẽ tạo ra chuyển động mới trong giáo dục nghê nghiệp”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Về quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bên cạnh những việc đã làm được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, vẫn còn tình trạng xây dựng cơ sở đào tạo không gắn với thị trường dẫn tới cơ sở đào tạo "đắp chiếu", lãng phí; thiết bị mua nhưng không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp; nhiều nghề được đầu tư không tuyển sinh được... Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ đang triển khai rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới đào tạo nghề; không lập mới các cơ sở công lập không cam kết tự chủ (trừ những nơi trọng điểm); khuyến khích các cơ sở đào tạo tư thục; sắp xếp lại các trung tâm ở cấp huyện (dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp tổng hợp) để tận dụng tối đa công suất phù hợp với địa phương; xử lý các cơ sở đào tạo yếu kém; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn phù hợp với thực tế địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời khắc phục các hạn chế, sai phạm; phát huy vài trò chủ động của các cơ quan chủ quản...
Làm sao để sinh viên ra trường tìm được việc làm luôn là vấn đề khiến vị tổng tư lệnh ngành LĐ-TB&XH trăn trở- Ảnh: Mạnh Dũng
Ngoài vấn đề đào tạo nghề, một vấn đề nữa cũng khiến vị tổng tư lệnh ngành phải “đau đầu” là tình trạng học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm, trong đó sinh viên có trình độ đại học chiếm tỷ lệ cao…Ngay trên diễn đàn Quốc hội, khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, việc tuyển sinh đào tạo nghề hiện rất khó khăn. Khoảng 60% số trường nghề hàng năm chỉ tuyển được 50- 60% chỉ tiêu. Thời gian tới, việc thu hút học sinh học nghề sẽ ngày càng khó khăn hơn. Mặc dù việc thất nghiệp và làm việc không đúng với ngành học là tình trạng chung trên thế giới, nước nào cũng có, kể cả nước tiên tiến, đào tạo nghề tốt như Đức thất nghiệp còn rất cao. Tuy nhiên, giảm càng nhiều tỷ lệ thanh niên thấp nghiệp càng tốt là nhiệm vụ mà ngành LĐ-TB&XH đặt ra và sẽ thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất, cách làm quyết liệt nhất như lời hứa của Bộ trưởng trước diễn đàn Quốc hội. “Chúng tôi xác định phải nâng cao chất lượng học nghề để hút thanh niên vào học đông hơn, đảm bảo học nghề ra có việc, người có đủ điều kiện thì được học liên thông. Tôi mong nhân dân ủng hộ, động viên con em học nghề, tìm việc bằng con đường chính đáng vì đại học không phải là con đường duy nhất"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tha thiết kêu gọi.
Lãnh đạo một ngành với rất nhiều những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh nhưng đối với những phóng viên chuyên theo dõi Quốc hội, vị tổng tư lệnh ngành LĐ-TB&XH vẫn luôn là người thân thiện, dễ gần và chưa bao giờ từ chối trả lời phỏng vấn mỗi khi có những “điểm nóng”. Thẳng thắn, cầu thị và không né tránh trách nhiệm, phần trả lời chất vấn mới đây của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã được cử tri cả nước và Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng “phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã cho thấy, thời gian qua chúng ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thực thi chính sách ưu đãi đối với người có công, đặc biệt là việc giải quyết các vấn đề tồn đọng trong thực thi chính sách. Đây là những điều cử tri mong mỏi nhiều năm đã được giải quyết trong nhiệm kỳ này…”. Những lời nhận xét đó chính là sự ghi nhận, là niềm tin, sự khích lệ, động viên lớn của Quốc hội và nhân dân đối với những đóng góp của Ngành LĐ-TB&XH nói chung và với cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói riêng trong hành trình xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân… |