CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:06

Trầm trồ trước mô hình trường học mới ở Lào Cai

Ngày 24/9 vừa qua, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng với các trưởng phòng giáo dục tiểu học cả nước đồng loạt có mặt ở Lào Cai để đi thực tế mô hình trường học mới. Tham gia chuyến thực tế còn có một số giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Toàn bộ các thành viên được chia thành 3 đoàn “đột nhập” vào 6 trường tiểu học của Lào Cai để học hỏi cũng như kiểm chứng sự chân thực về mức độ tiết học ghi hình mẫu của mô hình trường học mới được Bộ GD&ĐT gửi về cho các địa phương trước đó.

Ấn tượng mạnh với các trường tiểu học vùng khó

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, sau 4 năm thực hiện mô hình trường tiểu học mới (VNEN) đã tạo được những đổi mới rõ rệt trong lĩnh vực Giáo dục tiểu học. Các trường tham gia thực hiện VNEN tạo được những chuyển biến rõ rệt, quang cảnh khang trang, lớp học trang trí theo mô hình trường tiểu học mới sinh động hơn, đẹp hơn. Đặc biệt là các góc học tập, thư viện lớp học được thể hiện theo chủ đề, chủ điểm giúp học sinh thuận tiện trong việc tra cứu thông tin, nghiên cứu trải nghiệm, học sinh được thể hiện chính bản thân mình trong các hoạt động tìm tòi, khám phá chủ động lĩnh hội kiến thức trong nội dung bài học.

Thầy cô giáo không giảng bài truyền thụ tri thức cho học sinh, mà hướng dẫn học sinh làm việc với bản Hướng dẫn học tập, cá nhân học sinh tự nghiên cứu, cùng nhau thảo luận nhóm kết hợp vận dụng các đồ dùng học tập liên quan để tự mình lĩnh hội kiến thức.

Bên cạnh đó, mỗi trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Lào Cai mạnh dạn xây dựng một mô hình giáo dục gắn với địa phương. Mỗi mô hình có một ý tưởng riêng, sáng tạo, độc đáo phát huy hết thế mạnh từng lớp, từng trường, từng địa phương. Chú trọng phát huy vai trò, đề cao tư tưởng, ý tưởng của học sinh, của cộng đồng cùng tham gia xây dựng kế hoạch, hợp tác để cùng thực hiện.

Nhiều đại biểu ấn tượng với một tiết học của trường tiểu học Lùng Vai (huyện Mường Khương, Lào Cai).

Ghé thăm Trường tiểu học Lùng Vai (huyện Mường Khương), ngôi trường thực hiện mô hình Trường học Sinh Thái, rất nhiều Sở GD&ĐT đã phải “trầm trồ” với không gian xanh, sạch, đẹp ở đây. Không chỉ hướng dẫn cho học sinh của mình trong việc chăm sóc cây xanh, xử lý rác thải,… khu sinh thái còn là “công cụ” để giúp nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục. Các thành viên càng thán phục hơn khi biết Mường Khương là một huyện còn nhiều khó khăn, phần lớn các xã đều nằm giáp biên, tỷ lệ người dân tộc cao và đời sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp

Hiệu trưởng Trường tiểu học Lùng Vai cho biết: Việc xây dựng mô hình Trường học Sinh Thái không chỉ giúp cho các em biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà còn giúp bố mẹ trong việc chăm sóc cây cối… Bên cạnh đó, khi học về tả cảnh thì học sinh nhà trường không ngồi trong lớp học mà ra ngoài để quan sát rồi mới viết; học một tiết về mỹ thuật thì các em có thể lấy các vật mẫu xung quanh để vẽ..

Một tiết học ngoài trời của học sinh Trường tiểu học Lùng Vai.

Ấn tượng không kém là Trường tiểu học Tả Phìn, huyện Sa Pa - vốn nằm trên một địa danh du lịch nổi tiếng. Nhà trường xác định phải giúp các em hiểu về cội nguồn văn hóa của chính mình ngay từ nhỏ để sau này mỗi em đều có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Vì thế hàng tháng, trường đều mời các nghệ nhân đến trình diễn cách làm các sản phẩm văn hóa như: dệt vải, múa khèn, nấu nước tắm bằng lá của người Dao đỏ,… Các giáo viên của trường cũng tìm tòi, đi thực tế xuống từng thôn bản để viết tài liệu giảng dạy giáo dục văn hóa di sản bản địa cho học sinh.

TS Nguyễn Thu Hương – giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ: Tôi thật sự ấn tượng với học sinh ở Tả Phìn, các em rất tự tin và mạnh dạn trong cả học tập lẫn giao tiếp. Ngay cả giáo viên cũng chủ động, tìm tòi để viết tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy. Qua đây cho thấy các trường vùng khó đã thực sự chủ động đổi mới giáo dục theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29.

Niềm tin để thực hiện đổi mới thành công

Tại Hội nghị “Giáo dục tiểu học năm 2015” diễn ra ngày 25/9 tại TP Lào Cai, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Trong những năm qua, Lào Cai là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đổi mới giáo dục, có nhiều đoàn của nhiều tỉnh lên thăm và học hỏi. Lần này cả nước lên thăm Lào Cai và rất vui khi ai về cũng có niềm tin trong sự đổi mới, đây là một động lực rất quan trọng. Nếu chúng ta thay đổi nhận thức và có niềm tin thì chắc chắn sẽ thực hiện được”

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Theo Thứ trưởng Hiển, việc Lào Cai có sự chuyển mình mạnh mẽ như vậy cũng là điều dễ hiểu khi mà địa phương chủ động trong việc quản lý “mở”. Nhà trường rất “mở” với xã hội. Phụ huynh học sinh, lãnh đạo địa phương hiểu nhà trường như giáo viên, thậm chí còn hơn cả giáo viên cho nên đã tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới. Vì Lào Cai “mở” như vậy nên các tổ chức quốc tế khi vào Việt Nam đều muốn lên đây để triển khai, chính vì thế Lào Cai học được rất nhiều thứ của thế giới và thực hiện thành công.

Từ sự thành công của Lào Cai, Thứ trưởng Hiển phân tích: Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, giáo viên cần đổi mới tư duy, nhận thức và phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận mới. Mục đích là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của từng cá nhân học sinh.

Điều này cần được thực hiện trong từng tiết học và từng hoạt động giáo dục. Đáng mừng là mô hình trường học mới đã và đang đi theo hướng này. Đó chính là cơ sở thực tiễn để giáo viên đổi mới phương pháp sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Sắp tới sẽ có một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Song dù sách giáo khoa nào thì vẫn phải đảm bảo về phương pháp dạy học phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện phương pháp học của học sinh; kiểm tra, đánh giá phải phản ánh được phẩm chất và năng lực học sinh so với mục tiêu giáo dục.

Sự thành công của Lào Cai sẽ là động lực để các địa phương học tập và thực hiện đổi mới giáo dục.

“Nếu chúng ta muốn đóng một cái bàn hoặc cái ghế thì phải có kỹ thuật, cụ thể là: đục, gọt, bào…, ghép các kỹ thuật đó vào với nhau; tất cả thứ tự kỹ thuật phải theo quy trình nhất định để tạo ra sản phẩm là cái ghế hoặc cái bàn. Như vậy, toàn bộ quy trình kỹ thuật và lắp ghép các kỹ thuật với nhau là phương pháp. Và việc chúng ta tổ chức học nhóm, đặt câu hỏi… là kỹ thuật; quy trình của từng kỹ thuật và lắp ghép các kỹ thuật đó chính là phương pháp. Vì vậy người giáo viên giỏi là người biết sử dụng và lắp ghép các kỹ thuật đúng nơi, đúng chỗ, đúng thứ tự và liều lượng hợp lý. Cái giỏi của từng giáo viên là kỹ thuật tinh xảo, phối hợp liều lượng một cách hợp lý” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.

Thứ trưởng Hiển bộc bạch thêm: Giáo viên chúng ta đã có phương pháp, đã có kỹ thuật, vấn đề là kỹ thuật đã tinh xảo chưa? Được vận dụng thành từng yếu tố trong quy trình đã hợp lý chưa? Đối với mô hình dạy học trong trường học mới thì cần phải đặc biệt chú ý đến kỹ thuật tổ chức học nhóm. Việc tổ chức học nhóm phải phát huy được vai trò của từng cá nhân một cách tối đa và giữa các thành viên trong nhóm phải có sự cộng tác, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động. Thực tế, vấn đề này vẫn còn hạn chế ở một số nơi và cần sớm được khắc phục.

“Vừa rồi một số nơi người ta không đồng tình tiếp tục triển khai mô hình trường học mới là do giáo viên không biết phát huy năng lực riêng của các em trong một nhóm, không biết phát huy sự cộng tác trong một nhóm…” – Thứ trưởng Hiển nêu bất cập dẫn đến câu chuyện một số phụ huynh ở tỉnh Đăk Lăk không muốn cho con tiếp tục theo học mô hình trường học mới ở bậc THCS.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh