CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

Giáo sư Hoàng Tụy: Giáo dục phải sáng tạo và khác biệt

 

Giáo sư Hoàng Tụy

Hướng đi đúng đắn

 Kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, tôi đã gửi thư chúc mừng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có những thành công bước đầu. Thời gian qua, dư luận xã hội bức xúc bởi các tình huống nảy sinh gây khó khăn, chật vật cho cả thí sinh, phụ huynh. Trước tình hình đó, có ý kiến cho rằng nên quay lại cách thi cũ, chớ có cải cách thêm. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai, thiếu tinh thần xây dựng trong khi hướng đổi mới toàn diện nền giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đúng đắn, phù hợp.

Đành rằng khâu tuyển sinh còn thiếu sót, bất cập khiến thí sinh gặp nhiều rủi ro nhưng không nên lấy làm lý do quay lại cách thi cũ. Còn yếu, thiếu thì rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần nhưng một khi chần chừ, do dự thì sẽ không bao giờ hiện đại hóa giáo dục thành công. Thay đổi quan niệm, tư duy của một nền giáo dục không thể làm trong chốc lát nên dư luận phải đủ “kiên nhẫn”. Có thể nói, ai ở cương vị lãnh đạo giáo dục trong điều kiện hiện nay không phải là điều dễ dàng.

Vừa qua, việc thí sinh nộp hồ sơ cứng, phải đến tận trường để nộp hoặc rút hồ sơ gây áp lực, lo lắng thậm chí là hỗn loạn. Để khắc phục vấn đề này, cần phải tăng cường nền tảng công nghệ thông tin, tiến tới tuyển sinh qua mạng Internet. Theo đó, thí sinh sẽ đăng ký và nhận kết quả qua mạng. Đồng thời, Bộ Giáo dục va Đào tạo cần có một bộ phận chuyên trách đảm nhiệm khâu này.

Thay đổi cách thi sẽ khuyến kích đổi mới phương pháp học, chống lối học tủ, học dồn đến mụ mị mà thi xong học sinh quên hết. Ở các nước phát triển, học sinh học tới đâu kiểm tra đến đấy không để đến cuối kỳ, cuối cấp mới thi. Khi đủ các yêu cầu học phần học sinh được cấp bằng tốt nghiệp mà không phải thi. Giống như dây chuyền sản xuất của một nhà máy, mỗi sản phẩm gồm nhiều chi tiết được làm ở các bộ phận khác nhau và phải kiểm tra chất lượng ngay ở bộ phận đó. Khi tập hợp để lắp ráp sản phẩm hoàn thiện không kiểm tra lại từng chi tiết và trường học cũng vậy. Nền giáo dục nước ta đang tiến tới điều này.

Đào tạo theo sở trường

  Điểm chính của đề án đổi mới giáo dục là tư duy, quan điểm lại cấu trúc, chức năng của trường THCS và THPT. Trước đây, ở cấp THCS học sinh được học các kiến thức chung, chưa có sự hướng nghiệp. Trong thời gian tới, các em sẽ được học kiến thức phổ thông cần thiết tối thiểu cho một công dân và phát triển theo sở thích, năng lực cá nhân.

 Trung học chuyên nghiệp là trường đào tạo nghề cho học sinh sau chương trình THCS. Sau khi ra trường học sinh chắc tay nghề và có thể xin được việc làm. Trên thực tế, không ít người tốt nghiệp THPT, không có khả năng học lên phải mưu sinh bằng những nghề tạm bợ. Như vậy, ta đang lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức học sinh, của cả một guồng máy trong 3 năm mà không thu được gì đáng kể.

 Quá trình CNH – HĐH đất nước cần có những người vững nghề. Vì vậy, cần phải thu hút đại bộ phận học sinh theo học trung học chuyên nghiệp. Bên cạnh chú trọng đào tạo nghề, học sinh vẫn tiếp tục học một phần kiến thức văn hóa. Ngoài ra, nếu có nhu cầu học sinh có thể học liên thông cao đẳng, đại học.

 Chỉ nên có khoảng 1/4, 1/3 học sinh THCS tiếp tục học THPT. Những học sinh này sẽ được đào tạo theo ngưỡng chuẩn bị cho cao đẳng, đại học. Trong 3 năm học THPT, ngoài kiến thức phổ thông, học sinh phải chuẩn bị kiến thức về chuyên ngành mình sẽ theo học ở cao đẳng, đại học.

  Học sinh THPT dứt khoát là lực lượng chuẩn bị vào cao đẳng, đại học. Phải hướng vào chuyên ngành, sở thích cá nhân mà chọn trường và chuẩn bị kiến thức. Số lượng học sinh có thể ít nhưng phải đảm bảo chất lượng. Đất nước muốn phát triển cần có những con người thực tài.  

 Trung thực và sáng tạo

 Sách giáo khoa là yếu tố quan trọng nói lên tinh thần nền giáo dục, triết lý giáo dục. Trước đây, do nhiều ràng buộc liên quan đến ý thức hệ nên học sinh phải học quá nhiều vấn đề không hữu ích trong đời sống. Một nền giáo dục tạo ra những con người làm theo, bắt chước mà không có tư duy độc lập, tinh thần phản biện, tính sáng tạo.

 Tuy nhiên, Bộ Giáo dụcvà Đào tạo không nên độc quyền biên soạn sách giáo khoa mà phải huy động cả xã hội tham gia. Khi một cơ quan độc quyền biên soạn sẽ không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, một số nhóm tư nhân đã biên soạn sách giáo khoa trong đó tôi đánh giá cao chất lượng nhóm Cánh Buồm.

 Tuy nhiên, trong buổi ra mắt sách của nhóm Cánh Buồm, một học sinh phát biểu rằng nền giáo dục Việt Nam “thối nát”. Nhiều ý kiến hoan nghênh nhưng cá nhân tôi thì không. Nên khuyến khích tinh thần phản biện của học sinh nhưng không vì thế ủng hộ điều này. Tôi nghi ngờ đây không phải ý kiến của em mà là sự bắt chước máy móc từ một ai đó. Cá nhân tôi từng phê phán nặng nền giáo dục nước nhà nhưng cần dựa trên lý lẽ và tinh thần xây dựng.

 Trong thời đại hiện nay, đất nước muốn vươn xa cần xây dựng những con người phát triển toàn diện. Có hai đức tính mà người Việt Nam yếu hơn so với các nước khác là trung thực và sáng tạo.

 Nếu duy trì phương pháp thầy nói trò nghe, đọc trò chép thì nền giáo dục sẽ dậm chân tại chỗ. Phải dạy học sinh luôn đặt ra câu hỏi vì sao, làm như thế nào để tốt chứ không rập khuôn máy móc. Giáo dục không biến con người thành công cụ, phương tiện để thực hiện lý tưởng mà tạo nên những công dân có trách nhiệm, hướng theo giá trị phổ quát của nhân loại để hội nhập, cạnh tranh phát triển với quốc tế.

 Một lần bất tín vạn lần bất tin, mọi mối quan hệ bắt đầu từ giả dối sẽ đổ vỡ. Sự trung thực quyết định tính bền vững của mối quan hệ. Không đơn thuần ở mối quan hệ bạn bè mà còn là hợp tác quốc gia, quốc tế.

 

Bệnh thành tích trong giáo dục thực chất là giả dối, không trung thực. Thẳng thắn nhìn vào thực tế để biết mình, hiểu mình từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục dần. Xưa nay ta vẫn nghe “tốt khoe, xấu che” nhưng trong xã hội hiện đại điều này phải trả giá.

Muốn khẳng định mình trên đấu trường quốc tế ta phải sáng tạo và khác biệt. Đành rằng là nước đi sau nhưng không vì thế mà rập khuôn. Học tập kinh nghiệm quốc tế nhưng phải sáng tạo để phù hợp với tình hình đất nước. Để có thể sáng tạo ta phải tưởng tượng. Einstein từng nói “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức”. Việc nắm bắt kiến thức của người khác mà không tạo ra cái mới thì chưa gọi là sáng tạo. Bởi thế, một nền giáo dục tạo nên những học sinh ngoan, gọi dạ bảo vâng, được bao cấp cả về tư duy và hành động là thất bại. 

Phan Huyền (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh