THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:48

“Nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”

* Sống trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, việc nhanh nhạy nắm bắt thông tin- những sự kiện mới, nóng… luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành công của mỗi cơ quan báo chí. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua quyết liệt ấy, không ít nhà báo, cơ quan báo chí vì muốn "giành giật" thông tin, đã phớt lờ những quy định về đạo đức của người làm báo, từ đó đánh mất tính nhân văn và làm suy giảm niềm tin yêu của bạn đọc dành cho báo chí. Quan điểm của ông về vấn đề này?

-  Đúng là trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, cuộc chạy đua tốc độ để trở thành người đầu tiên công bố một tin nóng, tin mới thực sự là một nhu cầu có thật. Chạy đua tìm kiếm, công bố thông tin là sứ mệnh của bất kỳ người làm báo nào, cơ quan báo chí nào. Chính vì cuộc đua này mà trong làng báo xuất hiện những hãng tin, tờ báo, kênh truyền hình, phát thanh có uy tín, trở thành nguồn thông tin tin cậy, luôn được tìm đọc, đón xem, đón nghe.

Công nghệ thông tin hiện đại, số hóa giúp thúc đẩy cuộc đua tranh này, làm cho cuộc đua ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt. Nếu đó là cuộc cạnh tranh lành mạnh vì mục đích thông tin tới công chúng về những gì đang diễn ra, lý giải sự vận động của cuộc sống, thì đó là tốt, và người thắng cuộc sẽ là công chúng độc giả. Công chúng sẽ được tiếp cận thông tin nhanh, phong phú, đa chiều, và có thể dựa trên đó để đưa ra những quyết sách đúng đắn.  Nếu thông tin đó chuẩn xác, đáp ứng nhu cầu của họ. Những thông tin đó phải là những thông tin chính xác, không phải dựa trên tin đồn, dựa trên sự suy đoán chủ quan của bản thân nhà báo. Nhà báo phải là “người chép sử” trung thành như lâu nay dân gian vẫn nói.

Nhà báo phải có nguồn tin chuẩn xác. Lâu nay mạng internet trở thành nguồn thông tin vô tận cho nhiều người, biến cuộc đua trở nên không lành mạnh. Người ta đua nhau sao chép, sử dụng tư liệu của người khác trên mạng mà không cần xin phép, không trích dẫn nguồn tin. Người ta lấy tin của người khác rồi gia công chế biến thành sản phẩm của mình. Đó là “đạo tin”, là sự vi phạm đạo đức của người làm báo.

Sự xuất hiện của mạng internet với những công cụ tra cứu hữu hiệu đã và đang giúp chúng ta dễ dàng tìm kiếm kiến thức, làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta. Đồng thời điều này cũng gây ra hiệu ứng tiêu cực, làm cho người ta trở nên lười suy nghĩ, lười lao động, dựa hẳn vào “tổng kho internet”. Một bộ phận nhà báo chúng ta đã và đang hành động như thế. Những nhà báo văn phòng, chuyên ngồi trong phòng điều hòa, khai thác mạng, cũng có những tin nóng, bài viết “mùi mẫm”, tường thuật như thật một vụ việc không có thật, cứ như mình là người chứng kiến vụ việc. Rồi sau đó các nhà báo lại bình luận tít mù. Thí dụ về tình trạng này không ít, chẳng hạn như tin “bố chồng dính chặt nàng dâu”- chỉ vì nghe hơi câu chuyện phiếm của một bác sĩ, mà thành chuyện. Câu chuyện phiếm khác về bức thư cô con gái nhỏ được cho là viết gửi bố lính ở Trường Sa, vụ một cảnh sát người Nhật gốc Việt tốt bụng trọng vụ sóng thần ở Nhật Bản năm nào v.v. là những thí dụ khác về việc các nhà báo chúng ta khai thác thông tin trôi nổi trên mạng xã hội, không suy xét kỹ lưỡng, kiểm chứng nguồn tin, để xảy ra những sai phạm đáng tiếc. Đây cũng là sự vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Những người làm báo chân chính không được phép tác nghiệp vô trách nhiệm như thế. Chúng ta không sớm khắc phục và ngăn chặn được những sai phạm kiểu như đã nói ở trên thì niềm tin vào báo chí sẽ giảm. 

* Trước những vi phạm pháp luật của một số nhà báo gần đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã có những hành động gì để chỉ đạo các cấp Hội khắc phục?

- Trong mọi trường hợp, Hội Nhà báo Việt Nam luôn phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí không chỉ nhằm xử lý mà còn để ngăn chặn tình trạng vi phạm phạm luật của phóng viên, nhà báo. Là một tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện chức năng tập hợp, đoàn kết, động viên các nhà báo phát huy khả năng sáng tạo, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên- người làm báo trong toàn quốc.

Thời gian qua, Hội Nhà báo quan tâm tới việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp, mở các lớp học, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về xử lý nghiệp vụ. Hai năm gần đây, mỗi năm Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội tổ chức được trên 70 lớp với sự tham dự của hàng ngàn hội viên. Các Hội Nhà báo ở các tỉnh, thành phố, các Liên chi hội, chi hội ở Trung ương cũng có nhiều hình thức giáo dục hội viên, tổ chức rút kinh nghiệm nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Trước tình trạng báo chí, nhà báo vẫn mắc sai phạm trong tác nghiệp, hai năm gần đây Hội Nhà báo lấy chủ đề “Tiếp tục nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” làm nội dung trọng tâm trong hoạt động của mình. Tôi tin tưởng rằng các biện pháp, những nỗ lực của Hội Nhà báo đã và đang mang lại hiệu ứng tích cực.

          * Có ý kiến cho rằng các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, trong đó có  Hội Nhà báo Việt Nam có phần chậm chạp trong việc phát hiện, xử lý các sai phạm của báo chí, của các cá nhân nhà báo?

          Ý kiến này cũng không sai lắm đâu. Gần đây vẫn còn tình trạng cá nhân nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm lỗi này, lỗi kia, bị Bộ Thông tin và Truyền thông, xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi Thẻ Nhà báo v.v. Tôi cũng xin thành thật chia sẻ thế này. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng phóng viên, nhà báo mắc sai phạm. Một là, nhà báo đó kém về chuyên môn nghiệp vụ, không có đủ kiến thức về nghề báo, không biết mình phải lấy tin, đưa tin như thế nào, vớ được tin gì là đưa ngay lên mặt báo. Làm tin, nhưng không kiểm chứng thông tin. Hai là, sự yếu kém về đạo đức, vì những động cơ cá nhân, vụ lợi, sa đà vào cái gọi là lợi ích nhóm, dẫn đến việc thông tin sai lệch, đánh đấm lung tung. Đây là ảnh hưởng, tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường, nhà báo vì động cơ kinh tế mà quên đi vấn đề đạo đức.

          Kể ra như vậy, tôi muốn khẳng định một điều là chính các nhà báo, các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí phải tự quan tâm, tăng cường quản lý cán bộ, phóng viên, “gác gôn” chặt hơn nữa để tránh sai phạm, vi phạm pháp luật. Xử lý là biện pháp cuối cùng, vạn cùng bất đắc dĩ. Rất mong các nhà báo, các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí tiếp tục tuân thủ đầy đủ Luật báo chí, Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Ai sai phạm, vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. 

          * Hội Nhà báo, cá nhân ông có hay nhận được các đơn từ khiếu nại, điện thoại phản ánh hoạt động của các cơ quan báo chí, cá nhân nhà báo có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề không, thưa ông?

          - Có chứ. Cơ quan Trung ương Hội là đầu mối nhận, xử lý các đơn từ khiếu nại, tố cáo của công dân về hoạt động của báo chí. Chủ tịch Hội, Phó Chủ tịch thường trực, Ban Kiểm tra… vẫn nhận được những đơn từ, qua đường dây nóng, trong đó công dân, tổ chức phản ánh về việc bài báo này, trang mạng nọ thông tin sai, yêu cầu cải chính, khắc phục hậu quả, tố cáo nhà báo này, nhà báo nọ có những hành vi sai trái… Hội đôi lúc cũng nhận được đơn thư của phóng viên báo cáo, đề nghị Hội can thiệp về những vụ phóng viên bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp. Ý kiến có đúng, có sai. Ban Kiểm tra Hội Nhà báo được giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý, gửi yêu cầu tới các cơ quan báo chí bị đơn để xác minh, để xử lý vi phạm. Đồng thời, Hội có công văn gửi các cấp chính quyền nơi xảy ra vụ việc để thẩm định, xử lý, giải quyết theo thẩm quyền. Trong quá trình xử lý, các cơ quan báo chí thường nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Hội, nhưng các cơ quan công quyền ít khi trả lời công văn của Hội. Chúng tôi không có cơ chế nào để bắt buộc, “xử lý” họ cả. Đó cũng là một khó khăn, bất cập.    

Trân trọng cảm ơn ông! 

Nguyễn Síu (Thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh