THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:45

Nhà báo lướt Facebook bói tin, đạo đức ở đâu?

Đặt vấn đề này lên bàn “đối thoại” với Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhân kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), ông nhìn nhận vai trò tác động của mạng xã hội đối báo chí truyền thống.

Khi áp lực thông tin càng lớn, Thứ trưởng càng đánh giá vai trò quan trọng, đạo đức, cái tầm, trình độ nghiệp vụ của những người làm báo.

Càng áp lực, càng phải đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên hết

Sự thách thức của mạng xã hội đối với báo chí truyền thống trong quan sát của Thứ trưởng như thế nào? Ông nhận thấy sự thể hiện của báo chí ra sao trong cuộc đua áp lực như vậy? Có hạn chế nào trong cạnh tranh của báo chí truyền thống với mạng xã hội mà ông thấy phải nghiêm túc xem xét?

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Đó là câu hỏi rất khó với không chỉ với các cơ quan báo chí mà cả với những người quản lý. Trước đây, một tờ báo in có thể để tin hàng tuần vẫn không lạc hậu, nhưng giờ đây, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như vũ bão, chỉ sau 1 phút, thậm chí vài giây thì thông tin đã cũ rồi.

Mạng xã hội có rất nhiều thông tin đa dạng, buộc các cơ quan báo chí truyền thống phải bắt kịp xu thế thời đại để không bị lạc hậu về mặt thông tin.

Nhưng cập nhật thông tin kịp thời vẫn phải song hành với việc kiểm chứng, xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo rằng thông tin đăng tải là hoàn toàn chính xác.

Khi tiếp nhận thông tin, phóng viên chính là khâu đầu tiên phải kiểm chứng thông tin đó. Tòa soạn cũng phải kiểm chứng lại một lần nữa trước khi đăng tải.

Có một thực tế là hiện nay, không ít cơ quan báo chí, đặc biệt là báo chí điện tử và mạng xã hội khi đưa tin không chỉ không chính xác mà còn xâm phạm đời tư, xâm phạm lợi ích cá nhân.

Ví dụ như vừa rồi, nhiều báo mạng và mạng xã hội đăng thông tin một cháu bé lớp 7 có thai, sau đó, cháu bé đã bỏ học, thậm chí tự tử, phải đưa đi cấp cứu. Những việc như vậy đặt ra vấn đề đạo đức của báo chí trong thời đại kỹ thuật số phải như thế nào.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong thời đại bùng nổ thông tin, thông tin số hiện nay, người làm báo cần phải đặt vấn đề đạo đức lên trên hết.

Tâm - tầm - tài

Các nhà báo phải làm gì, cần có những phẩm chất gì để đủ sức đương đầu với mọi áp lực từ cạnh tranh thông tin, từ mạng xã hội, từ dư luận hiện nay, thưa Thứ trưởng?

Với tôi, câu nói của nhà báo lão thành Hữu Thọ đến giờ vẫn còn vẹn nguyên giá trị: "Người làm báo phải có tâm, có tầm và có tài".

Trước hết phải đặt cái tâm của mình lên trên, đưa thông tin nhằm mục đích gì, nội dung đó có lợi hay không có lợi, có xâm hại đến cá nhân hay không, tác hại của nó thế nào.

Còn cái tầm của người làm báo là phải bao quát toàn bộ quá khứ, hiện tại, tương lai khi bài báo được đăng có tác động ảnh hưởng thế nào. Sau nữa mới đề cập đến cái tài - cách đưa tin thế nào là phù hợp.

Sự nhanh nhạy của nhà báo là rất cần thiết, nhưng bản thân họ cũng phải trực tiếp trải nghiệm một vấn đề khi đưa tin.

Hiện nay, có tình trạng rất nhiều nhà báo làm việc trong phòng kín, lướt web, lên facebook lấy thông tin xào xáo lại, rồi đăng thông tin cho nhanh. Họ thậm chí không ngần ngại xâm phạm quyền tác giả, lấy cả ảnh của đồng nghiệp.

Tránh làm báo kiểu “thầy bói xem voi”

Ngoài cạnh tranh với facebook, mạng xã hội, một vấn đề đang "nóng" hiện nay là những thách thức, rủi ro của nhà báo, chẳng hạn như tình trạng bị né tránh cung cấp thông tin, thậm chí bị đe dọa, hành hung. Với tư cách người quản lý báo chí, Thứ trưởng nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Thủ tướng đã có quy định rất rõ về quy chế phát ngôn,  theo đó, tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị đều phải có người phát ngôn đại diện cho mình.

Các địa phương, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các cơ quan báo chí đối với những nội dung không phải là thông tin mật.

Nếu các cơ quan, đơn vị địa phương cung cấp thông tin không kịp thời, nội dung không chính xác, dẫn đến thông tin sai lệch thì trách nhiệm trước hết thuộc về địa phương, cơ quan, tổ chức đó.

Tuy nhiên, người làm báo cũng cần rút kinh nghiệm về việc kiểm chứng thông tin để tránh sai sót. Cần thông tin nhiều chiều, đánh giá toàn diện vấn đề, tránh làm báo kiểu "thầy bói xem voi".

Một số tờ báo vừa qua đưa tin nhưng lại biến mình thành người trong cuộc, khiến cho thông tin trở nên thiếu khách quan vì dễ bị cảm xúc làm cho lệch lạc.

Một vấn đề khác cần quan tâm hiện nay là xuất hiện hiện tượng hành hung nhà báo như vụ việc của 2 phóng viên báo Giao thông mới đây.

Rồi ngay trong đội ngũ báo chí cũng có người sử dụng giới xã hội đen để hành hung đồng nghiệp. Đây là hành động rất đáng lên án.

Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật phải vào cuộc, bảo vệ những nhà báo chân chính để tác nghiệp an toàn nhất. Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản sẽ lên tiếng về vấn đề này.

“Không rõ thông tin xóa các tờ báo từ đâu”

Diện mạo, bức tranh chung của báo chí sẽ có thay đổi thế nào sau khi Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025 được phê duyệt? Mục tiêu lớn nhất của Quy hoạch là gì, thưa Thứ trưởng?

Hiện tại, Quy hoạch báo chí đang chờ để phê duyệt. Trước đó, Trung ương đã thảo luận và Bộ Chính trị đã cho ý kiến chỉ đạo về quan điểm. Có thể nói, Quy hoạch là bước tiến mới nhằm mục tiêu để báo chí phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn, bắt kịp xu thế chung của thời đại.

Thứ hai, Quy hoạch báo chí là để tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí tài nguyên, nguồn lực mà chúng ta cần phải tiết kiệm để chi cho các nhiệm vụ khác. Mặt khác, nhiều tờ báo đang hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích của mình.

Để lành mạnh hóa hoạt động báo chí, làm cho báo chí phát triển đúng xu thế thì cần có quy hoạch chỉn chu hơn. Tôi nghĩ rằng, nếu thực hiện như thế thì sau khi quy hoạch báo chí, diện mạo báo chí đất nước sẽ tốt hơn, hiện đại hơn, không còn cảnh chồng chéo, lãng phí nữa.

Có thông tin cho rằng một số tờ báo lớn sau Quy hoạch sẽ không tồn tại nữa. Thực hư vấn đề này như thế nào?

Tôi không rõ những thông tin này từ đâu mà có. Định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị khẳng định Quy hoạch là một vấn đề hệ trọng, chính vì vậy, bước đi, cách làm phải hết sức cẩn thận.

Cái gì dễ làm trước, cái gì khó làm sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tránh để ảnh hưởng tới đội ngũ người làm báo và các cơ quan báo chí và phải đảm bảo tạo sự ổn định tốt nhất.

Thứ hai, Bộ Chính trị cũng khẳng định có tính đến sự đặc thù của các cơ quan báo chí. Đặc thù ở đây không phải là báo chí lớn về bình diện cơ quan chủ quản lớn hay nhỏ, mà tùy thuộc vào tờ báo có phạm vi ảnh hưởng lớn tới độc giả, tới xã hội.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi người có thể cầm trên tay một chiếc điện thoại để đọc báo, thì báo giấy sẽ có xu hướng chững lại, và báo điện tử sẽ tiếp tục phát triển.

Trong quy hoạch, chúng tôi rất quan tâm đến sự phát triển của báo điện tử. Tuy vậy, báo điện tử muốn phát triển đòi hỏi phải vươn lên về kỹ thuật lẫn nội dung. Hiện nay có nhiều báo điện tử, nhưng không phải tờ báo nào cũng giữ được uy tín.

Nhân ngày 21/6, tôi mong mỏi báo chí tiếp tục phát huy truyền thống, học tập cha anh đi trước, phải biết học hỏi, lắng nghe và thấu hiểu để có những tác phẩm báo chí tốt hơn, có ích hơn cho đời và cho xã hội.

Theo Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh