THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:42

Trách nhiệm của tất cả mọi người

Bài 5: nguy cơ mất an toàn vẫn đang rình rập Người lao động

70% nguyên nhân TNLĐ do người sử dụng lao động

* Vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn, cháy nổ, mất ATVSLĐ, ông đánh giá như thế nào về tình hình mất ATVSLĐ hiện nay?

- Trong những năm qua, công tác ATVSLĐ đã được các ngành, các cấp, người sử dụng lao động quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện lao động, đổi mới thiết bị, công nghệ. Tuy nhiên, điều kiện lao động ở nhiều cơ sở vẫn còn tình trạng xấu, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, các làng nghề. Phổ biến là tình trạng nhà xưởng chật hẹp, máy thiết bị công nghệ lạc hậu, nồng độ bụi, hơi khí độc ở nhiều cơ sở vượt quá tiêu chuẩn vệ sinh cho phép gây ảnh hưởng tới sức khỏe và bệnh nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ). Tình hình TNLĐ có xu hướng gia tăng cả về số vụ, số người cũng như mức độ nghiêm trọng, năm 2015 cả nước đã xảy ra 7.620 vụ (tăng 13,6% so với năm 2014) làm 7.785 người bị nạn (tăng 12,2% so với năm 2014). Số người bị mắc bệnh nghề nghiệp tích lũy đến nay có trên 28.000 trường hợp. Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng cao cả về số vụ và mức độ nguy hiểm, năm 2015 cả nước đã xảy ra trên 2.800 vụ cháy, nổ làm chết trên 100 người, bị thương hơn 200 người, thiệt hại về tài sản ước tính gần 1.500 tỷ đồng.

Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 đã xảy ra nhiều vụ TNLĐ, cháy nổ làm chết và bị thương nhiều người, cho thấy tình trạng mất ATVSLĐ vi phạm các quy định về ATVSLĐ - PCCN đang ở mức báo động.

* Ông đánh giá như thế nào về ý thức chấp hành qui định về ATVSLĐ của chủ doanh nghiệp cũng như của NLĐ?

- Doanh nghiệp và NLĐ vừa là đối tượng vừa là chủ thể thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm ATVSLĐ và điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ; NLĐ có nghĩa vụ chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động do chạy theo lợi nhuận, tiến độ, thiếu ý thức và coi thường tính mạng, sức khỏe NLĐ và nhận thức về công tác ATVSLĐ chưa đầy đủ, nên thực hiện công tác ATVSLĐ mang tính đối phó; còn nhiều NLĐ do đời sống nên chấp nhận trong điều kiện không đảm bảo an toàn và sức khỏe.

Ông Đặng Văn Khánh (đứng giữa, hàng đầu) kiểm tra điều kiện làm việc của công nhân.

Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn chết người trong những năm gần đây cho thấy: 70% nguyên nhân do người sử dụng lao động gây ra (không huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; đưa các máy, thiết bị không đảm bảo an toàn vào làm việc, tổ chức lao động không tốt); 15% nguyên nhân từ phía NLĐ (vi phạm quy trình, quy phạm an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân) 15% là các nguyên nhân khác.

Xử phạt thấp hơn kinh phí tổ chức huấn luyện

* Theo ông chế tài xử lý doanh nghiệp để xảy ra mất ATVSLĐ đã đủ mạnh để răn đe?

- Theo quy định về ATVSLĐ thì tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 88/2015/NĐ-CP và Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, hoặc xử lý hình sự theo Điều 227 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vi phạm các quy định về ATVSLĐ gây hậu quả nghiêm trọng không được xử lý nghiêm minh, kịp thời, mức xử phạt hành chính thấp so với kinh phí bỏ ra để tổ chức huấn luyện, thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, nên những doanh nghiệp thiếu ý thức tuân thủ pháp luật ATVSLĐ sẵn sàng chấp nhận nộp phạt. Hơn nữa rất ít những vi phạm về ATVSLĐ gây hậu quả nghiêm trọng được đưa ra xử lý hình sự, làm cho tính răn đe không cao, ít hiệu quả, hiệu lực.

* Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có những giải pháp gì để NLĐ được làm việc trong điều kiện an toàn?

- Thực hiện vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động, giải pháp để góp phần bảo đảm ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN và cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.Chủ động tham gia có hiệu quả với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến ATVSLĐ như Hiến pháp 2013, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn năm 2012, Luật ATVSLĐ năm 2015, các nghị định và thông tư hướng dẫn, các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ. Công đoàn cơ sở thay mặt tập thể NLĐ thương lượng, ký kết với người sử dụng lao động thỏa ước lao động tập thể trong đó có các điều khoản về điều kiện làm việc, ATVSLĐ; tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động về những vấn đề gây mất ATVSLĐ và chế độ chính sách về bảo hộ lao động; phối hợp với người sử dụng lao động thành lập và hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các tổ sản xuất; tham gia với người sử dụng lao động xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc ATVSLĐ và tổ chức giám sát việc thực hiện.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và vận động, hướng dẫn NLĐ chấp hành nội quy, quy trình, biện pháp làm việc ATVSLĐ với nhiều hình thức phong phú đa dạng. Phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp, người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho NLĐ, an toàn vệ sinh viên.

Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn tham gia Hội đồng bảo hộ lao động quốc gia, Hội đồng bảo hộ lao động hoặc Ban chỉ đạo công tác ATVSLĐ tỉnh, thành phố, bộ, ngành, Hội đồng bảo hộ lao động cơ sở tư vấn, phối hợp các hoạt động trong công tác ATVSLĐ ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, ngành, cấp huyện và ở cơ sở. Các cấp công đoàn phối hợp và tham gia các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện các vi phạm, tồn tại, thiếu sót trong việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ, qua đó nâng cao nhận thức và ý thức, nhắc nhở, yêu cầu, hướng dẫn cho người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn và sức khỏe, phòng ngừa TNLĐ, BNN, cải thiện điều kiện làm việc và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách; xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm nghiêm trọng pháp luật ATVSLĐ để răn đe, phòng ngừa các vi phạm tái diễn.

Công đoàn tham gia điều tra nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đề xuất hình thức xử lý những người có lỗi để xảy ra vụ TNLĐ, đề ra các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động tương tự tái diễn. Tổ chức giám sát, đôn đốc người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, giám định suy giảm khả năng lao động cho NLĐ bị thương, thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp TNLĐ cho NLĐ, bố trí sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe cho NLĐ bị thương trở lại làm việc.

Trong thời gian tới khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực từ 1/7/2016, tổ chức công đoàn sẽ tiến hành khởi kiện các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về ATVSLĐ theo quy định của Luật.

Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ và đề tài về ATVSLĐ. Tổ chức phát động phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ, thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

 * Đối với những ngành nguy cơ cao xảy ra mất ATVSLĐ, đặc biệt là ngành xây dựng, khai thác hầm mỏ,... Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có những đề xuất gì để các doanh nghiệp tích cực, chủ động phòng, chống mất ATVSLĐ.

- Đối với những ngành có nguy cơ cao xảy ra mất ATVSLĐ để phòng ngừa, bảo vệ NLĐ cần thực hiện một số giải pháp sau: 

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, huấn luyện công tác ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, NLĐ để nâng cao nhận thức, ý thức và các biện pháp làm việc đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc. Phát động phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng; khen thưởng, động viên các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.

Đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động: Tổ chức huấn luyện; xây dựng đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm ATVSLĐ và hướng dẫn NLĐ thực hiện. Xây dựng và tổ chức diễn tập kế hoạch, phương án xử lý sự cố, ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Thành lập bộ phận, hoặc cử cán bộ chuyên trách làm công tác ATVSLĐ; giao trách nhiệm cụ thể cho từng người có trách nhiệm; cử người kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc. Phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở thành lập và hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại cơ sở để đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại tổ sản xuất. Đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại, đo kiểm tra môi trường lao động theo định kỳ để đề ra các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ. Các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm tra định kỳ trong quá trình sử dụng. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện BNN cho NLĐ để bố trí công việc phù hợp với sức khỏe NLĐ.

NLĐ phải chấp hành quy định, nội quy, quy trình về ATVSLĐ. Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị ATVSLĐ tại nơi làm việc. Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, TNLĐ hoặc BNN.

* Xin cảm ơn ông!

Nhóm PV ATLĐ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh