Trách nhiệm của tất cả mọi người
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 19:25 - 05/04/2016
Bài 4: Các biện pháp, nhiệm vụ cần triển khai và thực hiện đồng bộ
* Xin ông cho biết hiệu quả của việc tổ chức Tuần lễ ATVSLĐ có tác động như thế nào đến công tác ATVSLĐ - PCCN?
- Từ năm 1999 đến nay đã 18 lần chúng ta tổ chức Tuần lễ ATVSLĐ -PCCN. Qua đó đã thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng rất tích cực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động trong cả nước. Tại nhiều địa phương Tuần lễ đã đi vào chiều sâu của công công tác ATVSLĐ - PCCN và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đến cả các cấp quận, huyện, xã, phường. Trước, trong và sau Tuần lễ nhiều phong trào, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động đã được phát động và chia sẻ, nhân rộng trong các doanh nghiệp, cơ sở như phong trào “Ngày, tuần không tai nạn lao động”; “Tháng An toàn lao động”; “Năm an toàn công nghiệp”; các phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”; các cuộc thi vẽ tranh cổ động về ATVSLĐ - PCCN trong các ngành than, điện, xây dựng...; các doanh nghiệp đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động như tư vấn, huấn luyện, khám sức khỏe và đo kiểm môi trường lao động; tổ chức các cuộc thi, tọa đàm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về ATVSLĐ; in, phát miễn phí hàng nghìn ấn phẩm, tài liệu, đĩa CD tuyên truyền về ATVSLĐ; tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các chợ, cửa hàng xăng dầu tới các doanh nghiệp, phân xưởng sản xuất, trụ sở nhiều bộ, ngành đã treo, dán hàng chục nghìn các hướng dẫn, pano, khẩu hiệu, áp phích để cổ động tuyên truyền, vận động mọi người làm tốt công tác ATVSLĐ - PCCN cùng với các hoạt động của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ đã và đang góp phần kiềm chế tai nạn, bệnh nghề nghiệp, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ - PCCN. Mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng trong công ATVSLĐ - PCCN, nhưng tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ vẫn diễn biến rất nghiêm trọng, số vụ tai nạn lao động, số người chết do TNLĐ và số vụ cháy đều tăng.
Sự thiệt hại do TNLĐ và cháy nổ là rất lớn, tác động trực tiếp và gián tiếp tới kinh tế - xã hội của quốc gia, doanh nghiệp và gia đình. Đặc biệt là gây thương tật, bệnh tật, thậm chí cướp đi tính mạng con người, đó là mất mát to lớn không thể bù đắp nổi. Người lao động bị TNLĐ sẽ bị suy giảm về sức khỏe, mất đi khả năng lao động, thậm chí mất đi cuộc sống, kéo theo đó là những hệ lụy mà những người thân, gia đình và xã hội phải gánh chịu. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khi có TNLĐ hoặc sự cố cháy nổ nghiêm trọng xảy ra, dây chuyền sản xuất sẽ bị đình trệ. Không những thế, uy tín của cơ sở, doanh nghiệp cũng bị tổn hại.Quan điểm chung là lấy phòng ngừa để giảm tai nạn, sự cố và thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, các chủ đề của Tuần lễ, nội dung chính của Luật ATVSLĐ là hướng đến việc các DN, NLĐ xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc và chủ động các giải pháp phòng ngừa. Luật ATVSLĐ sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016. Để Luật đi vào cuộc sống, quan trọng và sát sườn nhất phải xuất phát từ DN và NLĐ - chủ thể của quá trình sản xuất, kinh doanh diễn ra hàng ngày. Luật quy định rất nhiều quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của NLĐ, người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan. Ví dụ, quyền được bảo đảm nơi làm việc an toàn của người lao động, quyền được thông tin, hướng dẫn về ATVSLĐ, cả quyền được từ chối khi phát hiện thấy môi trường làm việc nguy hiểm; nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải huấn luyện, thông tin và đảm bảo đầy đủ về điều kiện lao động. Bên cạnh quyền là trách nhiệm đi kèm. DN phải có trách nhiệm tổ chức thông tin, huấn luyện cho NLĐ các quy tắc về an toàn, trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo vệ NLĐ trong quá trình làm việc; máy móc thiết bị phải được kiểm định để đảm bảo an toàn...
Ông Nguyễn Anh Thơ
* Nhiều ý kiến cho rằng, rất khó quản lý và đảm bảo ATVSLĐ ở nhóm lao động tự do, điển hình là những người làm công việc thu gom phế liệu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tuy chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đối với nhóm lao động tự do còn phải có lộ trình thực hiện, nhưng Luật ATVSLĐ cũng đã quy định một số chính sách nhằm bảo vệ an toàn, sức khỏe, đó là: Quyền và nghĩa vụ của người không có hợp đồng lao động (không có quan hệ lao động), dựa trên nguyên tắc bảo vệ NLĐ; các yêu cầu khi sử dụng, bảo quản, vận hành, sửa chữa máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; trách nhiệm tham dự huấn luyện ATVSLĐ; quyền được biết thông tin về ATVSLĐ; trách nhiệm cung cấp thông tin về các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ kèm theo sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng trong quá trình lao động, sản xuất.
Đối với các nhóm lao động tự do hiện nay, việc quản lý và kiểm soát việc đảm bảo ATVSLĐ cho họ đang là một thách thức rất lớn cho công tác quản lý và tổ chức triển khai những quy định pháp luật về ATVSLĐ, sự linh hoạt trong chính sách sử dụng lao động ở các công trình xây dựng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm cho chính người sử dụng lao động cũng khó triển khai tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện và trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân thường xuyên và liên tục. Đồng thời, nhiều đối tượng tự tạo việc làm như những người thu gom, tái chế phế liệu thường không phải là người dân gốc nơi cư trú, dẫn đến chính quyền sở tại cũng không thể kiểm soát hết. Do đó, cần thiết phải triển khai những biện pháp đồng bộ, từ tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho từng công việc, đến việc kiên quyết thực hiện đúng các quy định về quy hoạch, cấp phép, giám sát, kiểm tra những nơi làm việc, công việc có nguy cơ gây tai nạn, sự cố. Trong đó, đặc biệt phải vận động và có hỗ trợ để mọi NLĐ đều được tham gia các khóa huấn luyện an toàn chung và những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ để họ có nhận thức, kiến thức để tự phòng tránh.
* Trong các vụ tai nạn lao động, ý thức tuân thủ của người sử dụng lao động và người lao động ra sao, thưa ông?
- Theo chúng tôi, các nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn lao động, cháy, nổ trong thời gian qua chủ yếu như sau:
Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm hơn 53%, cụ thể: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện ATLĐ cho NLĐ, do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân. Nguyên nhân do người lao động chiếm 19% cụ thể, NLĐ bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Các nguyên nhân còn lại chiếm hơn 28%.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước: Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý đối với các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người còn chậm; mức xử phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe.
Ý thức tuân thủ pháp luật về ATLĐ của một bộ phận không nhỏ người sử dụng lao động còn thấp. Công nghệ sản xuất ở nhiều ngành còn lạc hậu, điều kiện lao động không đảm bảo ATVSLĐ, nhất là trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí luyện kim, đóng tàu còn sử dụng tới 70% lao động thủ công. Nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất người lao động phải làm việc trong điều kiện lao động có nguy cơ mất an toàn. Một bộ phận người sử dụng lao động không quan tâm đầu tư cho công tác ATVSLĐ: Thiếu xây dựng, ban hành quy trình làm việc an toàn, huấn luyện an toàn lao động còn mang tính hình thức, đối phó. Còn không ít NLĐ chưa được đào tạo nghề, chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu ý thức tác phong làm việc công nghiệp. Hậu quả dẫn tới tình trạng vi phạm các quy định, quy trình biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp.
* Theo ông cần có các biện pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ?
- Theo chúng tôi cần triển khai, thực hiện tốt Luật ATVSLĐ, tăng cường hoạt động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và mở rộng phạm vi, đối tượng của công tác ATVSLĐ đến được mọi NLĐ trong cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động; thiết lập chặt chẽ hơn hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp: nơi làm việc, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan, các biện pháp về ATVSLĐ trong thời gian tới, như sau:
- Nâng cao trách nhiệm của nhà nước trong quản lý và đầu tư cho công tác ATVSLĐ trong đó ưu tiên các hoạt động: hoàn thiện khung khổ pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp quy dưới luật về ATVSLĐ và hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ.
- Hoàn thiện hệ thống tổ chức và tăng cường hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ, trước hết là nghiên cứu xây dựng hệ thống tổ chức thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động từ Trung ương đến địa phương và tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ trong các lĩnh vực phóng xạ; thăm dò, khai thác dầu khí; các phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ, đường hàng không. Dự kiến sẽ có khoảng 300 cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương có chuyên môn phù hợp bổ sung cho lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ. Từng bước tăng cường cả về số lượng và chất lượng thanh tra viên về ATVSLĐ, bảo đảm cho các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng máy, thiết bị, vật tư, hóa chất độc hại phải được kiểm tra, thanh tra ít nhất mỗi năm một lần.
- Xây dựng và triển khai các mô hình quản lý ATVSLĐ trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp với các cơ sở lao động trong làng nghề, hợp tác xã, quy mô doanh nghiệp. Đảm bảo mỗi doanh nghiệp phải có người có chuyên môn phù hợp hoặc được bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về ATVSLĐ. Tại các doanh nghiệp có quy mô từ 300 lao động trở lên phải có biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động tương ứng và phù hợp với số lượng lao động và mức độ nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp;
Phát huy vai trò và sự tham gia ngày càng tăng của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác, kể cả của tư nhân vào hoạt động ATVSLĐ trong khuôn khổ qui định của pháp luật. Đặc biệt là các hội, hiệp hội có liên quan trực tiếp hoặc có mối quan hệ đến lĩnh vực BHLĐ như: Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam, Hội Y học lao động Việt Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Lạnh và Điều hoà không khí Việt Nam, Hội Môi trường công nghiệp Việt Nam v.v...
Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch và tổ chức triển khai các chính sách, chương trình, dự án ATVSLĐ; tiếp nhận nguồn lực của Trung ương và huy động nguồn lực tại chỗ; quản lý nhà nước các hoạt động sự nghiệp ATVSLĐ do Trung ương chuyển giao về địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách ATVSLĐ ở địa phương, nhất là trong doanh nghiệp...
Đổi mới việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ - PCCN hàng năm thành Tháng hành động Quốc gia về ATVSLĐ, nhằm hướng các nội dung ATVSLĐ được triển khai đầy đủ, toàn diện và cụ thể tại các doanh nghiệp, nơi làm việc.
Tiếp tục triển khai các Chương trình Quốc gia ATVSLĐ giai đoạn 2016 -2020 và các giai đoạn tiếp theo với các trọng tâm, ưu tiên cho lĩnh vực có nguy cơ cao và khu vực không có quan hệ lao động.
* Xin cảm ơn ông!
Đến nay đã có khoảng 12 triệu lao động trong tổng số 18 triệu lao động trong khu vực có quan hệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Còn khoảng 35 triệu lao động trong khu vực không có quan hệ lao động hầu như chưa tham gia bảo hiểm xã hội, như vậy là còn hơn 40 triệu lao động chưa được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Để đảm bảo quyền được bảo đảm ATVSLĐ cũng như các quyền lợi khi bị TNLĐ, Luật ATVSLĐ đã quy định tất cả các đối tượng tham gia lao động đều có cơ hội tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Các chính sách này sẽ có lộ trình để tất cả mọi đối tượng tham gia từ năm 2018. Ngoài ra, những NLĐ tham gia bảo hiểm y tế đều được Quỹ bảo hiểm này chi trả chi phí y tế theo quy định. |