CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:56

Trách nhiệm của tất cả mọi người

Bài 3: Tuân thủ pháp luật để những công trình an toàn 

Báo động tai nạn trong ngành xây dựng!

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có khoảng 7.000 người bị tai nạn trong lĩnh vực lao động, trong đó ngành xây dựng chiếm 1/3. Ước tính mỗi ngày có 7 người bị tai nạn trong lĩnh vực xây dựng. Giai đoạn 2013 - 2015, số vụ có người chết và tổng số người chết trong lĩnh vực xây dựng “tăng dần đều” (2013: 50 vụ, chết 50 người; 2014: 67 vụ, chết 76 người; 2015: 84 vụ, chết 99 người).

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Trong năm qua nổi lên nhiều vụ tai nạn trong ngành xây dựng, làm chết nhiều người và gây bức xúc trong dư luận. Đó là vụ sập giàn giáo xây dựng tại công trường Fomusa Hà Tĩnh khiến 13 người chết vào ngày 25/3/2015; vụ sập giàn giáo đổ bê tông sàn mái che công trình cửa hàng xăng dầu Sơn Kim ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, khiến 2 công nhân tử vong và nhiều người khác bị thương; vụ rơi máy vận thăng tại tòa nhà số 52 đường Lĩnh Nam (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khiến 3 công nhân thương vong; vụ sập công trình trung tâm hội nghị, tiệc cưới Hoàng Tử TP Cần Thơ, khiến 1 người chết và 2 người bị thương nặng...

Còn theo đánh giá của chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tai nạn lao động có tác động rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động và người thân. Hầu hết lao động xuất thân từ nông thôn, nghèo, không có bảo hiểm, khi bị tàn tật sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, nhiều người chết trong hoàn cảnh rất thương tâm. Tai nạn xảy ra cũng ảnh hưởng tới tâm lý của lao động nói chung trong lĩnh vực xây dựng cũng như gia đình họ.

Tăng chất lượng thanh tra

Ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết, trong năm 2015, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH lập 7 đoàn, thanh tra tại 110 DN, phát hiện 1.054 hành vi vi phạm; xử phạt 7 DN số tiền 317 triệu đồng. Theo ông Tùng, mức phạt trên mang tính tượng trưng, tính răn đe của xử phạt là không cao; chưa tương xứng với sai phạm. Một vấn đề đáng quan tâm là lực lượng thanh tra lao động trên toàn quốc hiện chỉ có 550 người. Theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2017 cho phép nâng lên con số 750 người và năm 2020 là 1.200 người. Ông Tùng nói: “Ngoài tăng thêm số lượng thì chúng tôi chú trọng tăng thêm chất lượng thanh tra, phải đào tạo làm sao chỉ 1 người nhưng thanh tra được 1 DN” .

Trước thực trạng thanh tra kiểu “báo trước” hoặc “đánh trống bỏ dùi”, ông Nguyễn Tiến Tùng khẳng định: “Một trong những điểm yếu của chúng ta trong những năm qua là sau khi thanh tra một công trình lao động nào đó, đoàn thanh tra rút đi, thì mọi việc lại trở về quy trình cũ. Do đó chúng tôi tiến hành chiến dịch thanh tra, để các cơ quan truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào cuộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về vai trò và trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Sau khi thanh tra, chúng tôi muốn các bên cùng giám sát hậu thanh tra”. Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã “bật đèn xanh” cho thanh tra 63 tỉnh, thành là không nhân nhượng với vi phạm nữa, sẽ xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm. “Xử phạt là việc cực chẳng đã, nhưng chúng ta phải có hình thức răn đe cho DN biết sợ. Vì nếu không xử phạt DN sẽ nhờn; đồng thời cũng tránh tình trạng thanh tra báo trước, sau khi thanh tra thì đâu lại vào đấy” -  ông Tùng khẳng định.

Tập trung thanh tra vào lĩnh vực xây dựng

Năm 2016, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào thanh tra trong ngành xây dựng, Chiến dịch được tổ chức với sự hỗ trợ của ILO và Chính phủ Hà Lan; sự phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Với khẩu hiệu “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn”. Chiến dịch năm nay nhằm thúc đẩy việc tuân thủ tốt hơn với các tiêu chuẩn và quy định về lao động với mục đích giải quyết các vi phạm phổ biến trong ngành xây dựng, từ đó cải thiện điều kiện làm việc của NLĐ. Chiến dịch sẽ tập trung nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, NLĐ và toàn xã hội về pháp luật lao động và các tiêu chuẩn ATVSLĐ trong lĩnh vực xây dựng; tăng cường số lượng các DN, công trình xây dựng được thanh tra, ít nhất là 630 đơn vị trên toàn quốc trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 11. Các nội dung thanh tra trọng điểm sẽ bao gồm thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; xây dựng nội quy và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức mặt bằng; sử dụng xe, máy, giàn giáo, giá đỡ, điện và thiết bị điện; công tác cốp pha, cốt thép và bêtông; công tác hàn; và công tác hoàn thiện.

Năm 2016 thanh tra sẽ tập trung vào lĩnh vực xây dựng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Tùng cũng cho rằng: “Với mục tiêu giảm ngay tức thì các vụ TNLĐ ngành xây dựng ngay trong khi diễn ra chiến dịch. Do đó, chúng tôi rất chú trọng việc tập huấn thanh tra các địa phương và tuyên truyền phổ biến pháp l uật về ATVSLĐ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, để người sử dụng lao động thức tỉnh, tự giác thực thi pháp luật. Tôi cũng đã khuyến cáo với thanh tra địa phương, năm 2016 sẽ không “nhu nhơ” với vi phạm nữa, sẽ xử phạm thật nghiêm”.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, khẳng định: Cần có chiến dịch thanh tra lớn trong lĩnh vực xây dựng, nhằm mục tiêu giảm thiểu các vụ tai nạn lao động. Tai nạn xảy ra, gia đình mất đi một lao động chính, là trụ cột, dẫn đến con cái không được học hành, gia tăng các tệ nạn xã hội trong tương lai. Do đó, muốn xã hội bền vững thì phải ngăn ngừa các tai nạn lao động ở lĩnh vực này.

Chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực xây dựng với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn” sẽ diễn ra ở các địa phương. Trong đó, một số địa phương sẽ có sự tham gia trực tiếp của thanh tra Bộ LĐ-TB&XH. Mục tiêu ít nhất phải thanh tra ít nhất 60 DN xây dựng và ít nhất 630 công trình lao động trên toàn quốc với sự tham gia của 500 cán bộ thanh tra cấp Trung ương và địa phương. 12 nội dung thanh tra trọng điểm: Thời gian làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức mặt bằng; sử dụng điện và các thiết bị điện; công tác cốp pha, cốt thép và bê tông; xây dựng nội quy, quy trình và biện pháp làm việc bảo đảm an toàn; sử dụng xe máy thi công xây dựng; công tác hàn; phương tiện bảo vệ cá nhân; sử dụng giàn giáo, giá đỡ; công tác hoàn thiện.

(Còn nữa)

Nhóm PVATLĐ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh