CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:35

An toàn vệ sinh lao động: Trách nhiệm của tất cả mọi người

 

Bài 2: Những tổn thất không gì bù đắp được 

Những nhức nhối từ ngành xây dựng...

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2015, lĩnh vực để xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất vẫn là ngành xây dựng chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số vụ có người chết. Trong 6 vụ TNLĐ nghiêm trọng gây nhiều thương vong nhất của năm 2015, đã có tới 4 vụ xảy ra tại các công trường xây dựng. Đó là vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khiến 13 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương vào ngày 25/3/2015.

Vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra ngày 10/7/2015, tại công trường xây dựng tòa nhà Văn phòng Nam Sài Gòn (quận 7, TP.Hồ Chí Minh). Hệ thống giàn giáo tại công trình bất ngờ sập, kéo theo 1.200m2 sàn bê tông cùng hàng trăm tấn sắt thép làm chết 3 người, 5 người bị thương. Tiếp đó, cũng tại TP.Hồ Chí Minh, 28/7/2015 đã xảy ra vụ TNLĐ tại công trình xây dựng dự án Nhà ở xã hội Plaza do Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Phát triển nhà ở Bảo Linh thi công làm 1 người chết, 1 người bị thương.

Còn tại Hà Nội TNLĐ do rơi vận thăng tại tòa nhà Lilama xảy ra vào ngày 4/12/2015, máy vận thăng phục vụ tại công trình đang xây dựng thuộc tòa nhà số 52 đường Lĩnh Nam (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội), bất ngờ rơi tự do từ tầng cao xuống đất. Hai công nhân tử vong ngay tại chỗ, 1 nạn nhân tử vong sau nhiều giờ cấp cứu. Còn mới đây nhất, ngày 19/3, do tìm kiếm phế liệu, dẫn đến tai nạn trong khi phá vật liệu nổ. Vụ nổ do nạn nhân Phạm Văn Cường (41 tuổi, quê ở huyện Nam Trực, Nam Định), thuê nhà số 15 - TT 19, khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) gây ra, khiến 5 người chết, nhiều người bị thương, 36 căn nhà bị thiệt hại. Có thể nói ở công trường xây dựng nào cũng có tai nạn xảy ra tùy mức độ nghiêm trọng hay không. Tùy theo đơn vị, DN có báo cáo hay giấu nhẹm. Mới đây nhất là vụ nổ lò nung ngày 29/3/2016 tại công ty TNHH SHI FAR Việt Nam (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), làm 2 công nhân thiệt mạng.

Hội thao về cứu hộ, cứu nạn TNLĐ.

 

... Kinh hoàng trong các hầm mỏ và cả trên đồng ruộng   

Trong lĩnh vực khai thác mỏ than, đào hầm vàng những năm qua trên địa bàn cả nước cũng xảy ra không ít TNLĐ gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Ngày 21/7/2015, tại mỏ than của Công ty cổ phần Than Vàng Danh, Vinacomin (Quảng Ninh) đã xảy ra sự cố sụp hầm lò nghiêm trọng khiến 2 công nhân tử vong. Sau khoảng 10 giờ đồng hồ nỗ lực tìm kiếm, đến khoảng 7 giờ sáng ngày 22/7, lực lượng cứu hộ cứu nạn của tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy 2 công nhân bị mắc kẹt.

Năm 2015, ở Quảng Ninh khai thác mỏ than xảy ra 17 vụ TNLĐ làm 20 người chết. Còn tại tỉnh Bình Dương vụ TNLĐ nổ lò luyện gang thép ngày 10/4/2015, khi công nhân đang cho thép vào lò luyện thép tại công ty An Hưng Tường, trụ sở tại huyện Bến Cát, thì bất ngờ lò luyện thép phát nổ. Vụ nổ làm 2 công nhân bị bỏng. Ngày 11/3/2015, vụ TNLĐ do sập hầm vàng xảy ra tại tỉnh Bắc Kạn, khiến 2 thanh niên tử vong. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 8 giờ ngày 10/3 khi một nhóm khoảng 6 người đi vào cánh đồng Bản Nìn, thuộc xã Thuần Mang, để khai thác vàng trái phép. Trong quá trình khai thác, do nền đất yếu đã xảy ra sự cố sập hầm vàng.

Đầu năm 2016, tại tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra hai vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng do nung vôi và khai thác đá . Vụ TNLĐ do ngạt khí lò vôi đã cướp đi sinh mạng 8 người là trụ cột trong gia đình. Vụ việc xảy ra vào khoảng 16 giờ 30 chiều ngày 1/1/2016 tại lò vôi của gia đình ông Lê Văn Thong trú tại thôn Yên Bái (xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống). Do một người xuống lò vôi trước và bị ngất trong lò, sau đó 8 người thấy vậy đã lao vào ứng cứu nhưng không may cả 8 người trên đều ngất xỉu theo. Vụ TNLĐ thứ hai do sập mỏ đá làm 8 người tử vong tại chỗ, vụ việc xảy ra vào khoảng 10 giờ sáng 22/1/2016, 9 lao động của doanh nghiệp Tuấn Hùng đang làm việc tại mỏ đá (xã Yên Lâm, huyện Yên Định) thì bất ngờ hàng nghìn khối đá lớn nhỏ từ độ cao cả trăm mét ở lưng chừng núi lăn xuống khiến 2 người ngồi trong xe tải chở đá và 6 người làm việc gần đó bị đá vùi lấp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy không gây hậu quả nghiêm trọng như lĩnh vực xây dựng, khai thác đá, mỏ than, nhưng những năm qua trên địa bàn cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ TNLĐ, tiêu biểu là tại tỉnh Nghệ An, người dân ở xóm 1, (xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên) khó quên được vụ TNLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp xảy ra với anh Lê Văn Mến. Trong lúc đang khởi động máy tuốt lúa thì chiếc máy chạy vọt lên húc anh Mến nằm kẹt cứng trong bức tường. Mọi người kịp thời đẩy máy ra và đưa anh Mến đi cấp cứu. Vụ TNLĐ làm anh Mến bị thương nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tốn kém tiền thuốc thang, giảm khả năng lao động. Trước đó, chị Nguyễn Thị Hà, xóm 2 (xã Hưng Châu, Hưng Nguyên), cũng bị thương do máy gặt lúa bằng tay. Do dùng liềm, còn chồng chị thì dùng máy gặt lúa bằng tay. Do bất cẩn, không quan sát nên chiếc máy gặt đã chém đứt lìa ngón tay. Theo báo cáo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, hiện chưa có con số liệu thống kê cụ thể về các vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn, nhưng với khoảng hơn 55% lao động đang sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, xu thế sử dụng cơ giới hóa, hóa chất ngày càng nhiều thì nguy cơ mất ATVSLĐ ngày càng hiện hữu.

Chưa chủ động quan tâm tới ATVSLĐ

Trong những năm gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do người lao động, cũng như người sử dụng lao chưa thực sự quan tâm tới công tác ATVSLĐ. Cụ thể các công tác về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cũng như trang bị các thiết bị bảo hộ cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí là còn sơ sài làm chiếu lệ. Theo tìm hiểu của phóng viên, đa phần các doanh nghiệp tư nhân sử dụng lao động thời vụ nên bảo hiểm lao động không được quan tâm, khi xảy ra TNLĐ người lao động chịu thiệt thòi.

Số liệu báo cáo sơ bộ của các tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2015 như sau: Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương...là 153,97 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 21,96 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 99.679 ngày.

Như ở tỉnh Thanh Hóa, theo số liệu thống kê, năm 2015 toàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ TNLĐ, làm 12 người chết, 12 người bị thương nặng. Riêng 3 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 7 vụ TNLĐ, làm 23 người chết, 2 người bị thương nặng; ngoài ra cũng xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông (qua điều tra được xem TNLĐ) làm 3 người chết, 3 người bị thương nặng. Trao đổi với PV Báo LĐ&XH, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho hay: “Những năm qua, Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệm, cơ sở sản xuất, hợp tác xã... Riêng hai năm 2014, 2015, Sở đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ ở 53 DN, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm để có biện pháp ngăn ngừa các nguy cơ gây mất ATLĐ trong quá trình sản xuất như: Trang bị không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; không thực hiện việc đo, giám sát môi trường lao động để thực hiện các chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động; không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo quy định; không kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; không xây dựng nội quy, quy trình làm việc đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ...”

Có thể nói, những năm qua, công tác ATVSLĐ đã được các bộ, ngành và địa phương quan tâm và triển khai có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều DN chưa ý thức vai trò quan trọng của công tác ATVSLĐ. Việc các DN coi thường hoặc chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ đang là thực trạng đáng báo động. Từ thực tiễn đó, để công tác ATVSLĐ thực sự được chủ DN và ngay cả bản thân người lao động quan tâm. Do đó ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phải đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để mọi người nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, cải thiện điều kiện và môi trường lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ môi trường.

Theo số liệu, đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, nguyên nhân dẫn đến tai nạn chết người do người sử dụng lao động chiếm 52,8%; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 25,2%. Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 14,3%; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 9,7%. Ngoài ra, nguyên nhân do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 2,6%; do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 1%. Nguyên nhân từ phía người lao động chiếm 18,9%.

(Còn nữa)

Nhóm PVATLĐ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh