THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:48

Trà Vinh: Đồng bào Khmer thu nhập cao từ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi

 

Tại ấp Kim Hòa, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, đồng bào Khmer đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng đa đạng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có hộ gia đình ông Thạch Cơne là một ví dụ điển hình. Cũng như hoàn cảnh bao hộ Khmer khác trong ấp, khi mới khởi nghiệp, nguồn thu nhập của ông Thạch Cơne chủ yếu từ việc đi làm thuê làm mướn. Nhưng với ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên, có ít vốn liếng tích cóp được trong thời gian đi là thuê, ông đã đầu tư mua được 0,4 ha đất để trồng 1 lúa kết hợp nuôi tôm từ đó kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Có thêm vốn ông tiếp tục đầu tư mua thêm đất, xây chuồng trại chăn nuôi heo thịt và heo nái sinh sản, lúc nào trong chuồng nhà ông cũng có khoảng từ 20 – 30 con heo thịt, mỗi năm thu nhập từ nuôi heo khoảng trên 200 triệu đồng/ năm. Hiện nay với hơn 3 ha đất thực hiện mô hình đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi vừa trồng lúa, nuôi tôm, nuôi heo, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm (2015), đã có của ăn của để.

Với mô hình vừa trồng lúa, trồng màu, nuôi tôm, nuôi heo, nuôi bò kết hợp mỗi năm nhiều gia đình Khmer ỡ huyện Cầu Ngang có thu nhập hàng trăm triệu/ năm

Đồng bào Khmer ở ấp Sơn Lang, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, chủ yếu vươn lên thoát nghèo và làm giàu bằng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, chứ không trông chờ ỷ vào các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay số hộ Khmer ở ấp lựa chọn và thực hiện mô hình trồng cà tím, dưa leo, đậu bắp xuất khẩu, kết hợp nuôi tôm, bò…cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm không còn là chuyện hiếm. Đối với những hộ ít đất sản xuất, nhiều hộ cũng đã có cách lựa chọn cho mình những mô hình phù hợp với điều kiện của mình để tạo ra nguồn thu nhập ổ định. Gia đình ông Thạch Phone tuy chỉ có 1 công đất (1.000 mét vuông), với sự hỗ trợ và tư vấn của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư ông lựa chọn mô hình nuôi vịt, từ đó đã giúp gia đình ông thu nhập ổn định hàng chục triệu/năm. Vốn là người ham cập nhật  thông tin về những mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả của nhiều vùng miền, ông Thạch Em, ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè đã chọn mô hình trồng tranh không hạt và cây dừa sáp đặc sản địa phương trên diện tích 10 công đất (10.000 mét vuông). Để thực hiện thành công mô hình này, ông đã tìm đến Viện Nghiên cứu cây có dầu TP. Hồ Chí Minh và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh trực tiếp gặp các kỹ sư nghe tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, trị bệnh cho cây trồng đúng kỹ thuật. Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình dừa sáp xen chanh của ông cho thu hoạch, đạt trên 100 triệu đồng/ công đất, trừ mọi chi phí, còn có lời trên 60 triệu đồng/ công đất. Ngoài ra ông còn mở thêm dịch vụ cho thuê rạp, bàn ghế đám tiệc, nhờ đó tổng thu nhập của gia đình ông đạt gần tỷ đồng/năm.                                                                      

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh