THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:46

Trà Vinh: Nông dân Khmer giàu lên từ trồng màu

 

Theo một số nông dân tại ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè những năm gần đây, nguồn thu nhập chính của họ là từ trồng màu. Nơi đây hiện có hàng chục hộ nông dân Khmer hùn vốn thành lập Tổ trồng màu và tự bỏ tiền túi ra thuê kỹ sư Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Trà Vinh về hướng dẫn kỹ thuật trồng màu theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Theo đó, ngoài hướng dân kỹ thuật, các kỹ sư còn có nhiệm vụ chuyển giao quy trình kỹ thuật, tư vấn cho nông dân cách lựa chọn trồng cây màu nào cho phù hợp với thổ nhưỡng, thời vụ, nhu cầu thị trường để tạo ra giá trị hàng hóa nông sản. Đồng thời xây dựng mô hình sản suất an toàn, giúp nông dân sản xuất rau màu theo địa chỉ, tránh phát triển theo tính tự phát và đặc biệt các kỹ sư còn là cầu nối giữa nông dân với các địa chỉ tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu điệp khúc “được mùa rớt giá”.

Nhờ trồng màu trên diện tích đất giồng cát, gò cao mà nông dân Khmer ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè thoát nghèo làm giàu

 Cách nay vài năm, mô hình trồng màu tại địa phương đã được Tổ chức Oxfam kết hợp với Dự án nâng cao cuộc sống của tỉnh và Trường Đại học Trà Vinh triển khai cho các hộ nông dân thực hiện trồng 4 loại cây màu như khổ qua, cà chua và ớt. Mỗi hộ lựa chọn thực hiện thí điểm trên diện tích 1 công đất (1.000 mét vuông) đều cho kết quả hết sức bất ngờ và khả quan, với lợi nhuận đạt từ 8 –  10 triệu đồng/ 1 công đất. Qua đó, đã giúp cho các hộ trồng màu trong ấp Trà Kháo nhận thấy rõ hơn lợi ích, hiệu quả của việc đưa kỹ thuật cao vào áp dụng trong trồng màu, giúp hạn chế sâu bệnh, chủ động được lịch thời vụ, kéo dài được chu kỳ thu hoạch của cây màu. Nhờ vậy đã đem lại hiệu quả lợi nhuận kinh tế cao hơn so với cách trồng theo tập quán, kinh nghiệm trước đây.

Ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần có 473 hộ, với 3.326 nhân khẩu, trong đó có 98% là đồng bào Khmer. Trước đây vùng đất này cũng được coi là vùng đất khó, với phần lớn diện tích là đất giồng cát, triền giồng, gò cao sản xuất chủ yếu dựa vào nước mưa. Hàng năm nông dân chỉ trồng được 1 vụ lúa vào mùa mưa, năng suất thấp, bấp bênh nên đời sống người dân rất khó khăn. Sau khi được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư 8 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135 của Chính phủ, xây dựng hệ thống kênh bê tông nổi, được đưa vào sử dựng từ năm 2007, thì cuộc sống người dân thay đổi nhanh chóng nhở trồng màu kết hợp trồng lúa chất lượng cao.

 

Mô hình trồng cây đậu phộng trên đất trồng lúa kém hiệu quả đã giúp nhiều hộ nông dân xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang hình thành cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha/năm.     

Nói đến xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang hiện nay, người ta nghĩ ngay đây là vùng trọng điểm của cây đậu phộng (lạc) và nhờ cây đậu phộng mà đời sống của người nông dân Khmer nơi đây không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu. Trước đây, Mỹ Long Bắc cũng thuộc vùng đất pha cát, gò cao hàng năm nông dân cũng chỉ trống được 1 vụ lúa, kém hiệu quả, thu nhập thấp. Từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây đậu phộng giống mới năng suất cao vào trồng trên đất ruộng gò, đã đem lại hiệu quả lợi nhuận cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Hiện nay mô hình này đã và đang được nhân rộng trong vùng, nhờ đó mà xã Mỹ Long Bắc đã hình thành được cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha/năm.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh