THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:35

Trà Vinh: Dân đổi đời từ kinh tế nhà vườn

 

Một trong những mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế hộ gia đình cho nông dân hiện nay chính mô hình về chuyển đổi từ vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái theo hướng chuyên canh như: Chôm chôm, măng cụt, cam sành…ở một số xã thuộc huyện Cầu Kè. Điển hình là mô hình kinh tế vườn gắn với phát triển du lịch sinh thái, đã thu hút đông đảo nông dân tham gia triển khai thực hiện. Hàng năm trung bình có trên 200 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp được chuyển sang cải tạo thành những khu vườn chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao. Hiện nay huyện Cầu Kè có 7.700 ha vuờn cây ăn trái, với 90% diện tích đang phát huy hiệu quả kinh tế, với sản lượng đạt từ 101.000 tấn, thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm, có không ít nhà vườn đạt thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm.

Tại huyện Cầu Kè, nhiều nhà vườn chuyên canh măng cụt đạt hàng 100 triệu đồng/ha/năm, sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu ở địa phương

 

Các loại cây ăn trái truyền thống, có chất lượng được phát mạnh ở Cầu Kè như chôm chôm 120 ha, măng cụt 200 ha, sầu riêng 50 ha, bưởi 339 ha, nhãn 1.500 ha và cam sành 2000 ha, chủ yếu được trồng tập ở các xã nằm cặp tuyến ven bờ  sông Hậu: An Phú Tân, Ninh Thới, Hòa Tân, Tam Ngãi, Hòa Ân…Tại cù lao Tân Quy, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè nhiều hộ nông dân đã quyết tâm xóa vườn tạp, lập vườn chuyên canh chôm chôm. Hiện chôm chôm đang vào vụ thu hoạch vừa được mùa, vừa đảm bảo đầu ra ổn định, giá cân tại vườn từ 9.000  – 10.000 đồng /kg, bình quân mỗi ha nhà vườn có thu nhập từ 140 triệu đồng/ha.

Vùng đất cù lao Tân Quy, xã An Phú Tân có diện tích tự nhiên hơn 600 ha, trong đó có hơn 480 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là kinh tế vườn. Tuy được thiên nhiên ưu đãi, với dòng sông Hậu quanh năm bồi đắp phù sa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng cây ăn trái, nhưng trước đây người nông dân đa phần trồng những giống cây ăn trái không đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế thấp, nên đời sống người nông dân cù lao Tân Quy luôn gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.  Để khắc phụ thực trạng trên, những năm gần đây, xã An Phú Tân đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất cho nông dân và xây dựng các mô hình trình diễn cho nông dân tham quan học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời có các giải pháp hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn để lập các dự án chuyển đổi cơ cấu cây ăn trái giúp nông dân phát triển sản xuất.

Mô hình nhà vườn chuyên canh chôm chôm được nhân rộng phát triển mạnh ở cù lao Tân Quy với diện tích hàng trăm ha, thu nhập 100  triệu đồng/ha/năm

Từ những nỗ lực kể trên, nhiều mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả, nhất là mô hình chuyển đổi từ đất trồng cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng cây chôm chôm giống java là một ví dụ. Nhờ đó, hiện nay diện tích chôm chôm ở cù lao Tân Quy đã phát triển lên tới 300 ha, hình thành nên một vùng chuyên canh chôm chôm, với không ít hộ có thu nhập trên 50 triệu đ/ha/năm và trên 100 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững. Điển hình như gia đình ông Lê Văn Hiến, sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng các loại cây ăn trái chất lượng cao, đã quyết định chuyển đổi 10 công đất (10.000 m2) vườn tạp lâu năm kém hiệu quả, sang trồng nhãn 7 công, măng cụt 2 công và 1 công trồng chôm chôm java, sau 3 năm được thu hoạch hiện không chỉ thoát nghèo mà đang trở nên khá giả./.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh