CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:04

Trà Vinh: Nhân rộng mô hình nuôi chồn hương xóa nghèo

 

Chồn hương hay còn gọi là cầy hương được nuôi nhiều ở các tỉnh trên vùng Tây Nguyên và người nuôi chủ yếu là để sản xuất cà phê chồn, loại cà phê đặc sản có giá trị kinh tế cao. Chính vì thế, mô nuôi chồn sinh sản để  cung cấp cho những chủ trang trại cà phê sản xuất cà phê chồn, từ lâu đã là một mô hình hái ra tiền ở các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông…

Chuồng nuôi chồn hương luôn sạch sẽ thoáng mát

 Người nông dân đầu tiên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đem con chồn hương  từ núi rừng Tây Nguyên về nuôi và  nhân giống là ông Trương Bá Linh, ở ấp Thông Lưu, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ấp Thông Lưu là cù lao nằm biệt lập, được ngăn cách bởi con sông Tiền, khì hậu mát mẻ, rất thích hợp với việc nhân rộng các mô hình nuôi động vật hoang dã, trong đó có chồn hương.

  Chồn hương ưa sống đơn lẻ 

Từ  2 cặp giống chồn hương ban đầu mua ở vùng Tây Nguyên, với giá 10 triệu đồng/cặp, năm 2006, đến nay cơ sở của ông Linh, mỗi năm cung cấp hàng chục cặp con giống cho những người có nhu cầu nuôi trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, ông còn cung cấp chồn hương thương phẩm theo đơn đặt hàng của các nhà hàng đặc sản các tỉnh: Bến Tre, Cần Thơ, An Giang, với giá từ 900.000 đồng/kg – 1 triệu đồng/kg hơi. Được biết với mô hình này, mỗi năm nguồn lợi nhuận thu về từ chồn hương con giống và thương phẩm của gia đình ông lên tới hàng trăm triệu đồng.

Nhốt chung cặp chồn đực, cái để phối giồng

Theo ông Linh, chồn hương tuy là loại động vật hoang dã, nhưng dễ thuần chủng, dễ nuôi, ít bị bệnh. Trong môi trường tự nhiên, chồn hương ưa ăn côn trùng mối, kiến, chim, chuột, rắn, kỳ nhông và một số trái cây như chuối, đu đủ, cà phê, mít, cà rốt…Khi nuôi thuần dưỡng, cần cho ăm thêm những thức ăn do người nuôi tự chế biến để tăng thêm dinh dưỡng cho chồn như: Cháo cá, cháo phổi heo, dê, bò… Chồn hương thuộc loại mắn đẻ, nhưng trong môi trường tự nhiên thường chỉ đẻ 1 lứa/năm từ 2- 3 con, còn trong điều kiện nuôi dưỡng, mỗi năm đẻ 2 lứa và mỗi lứa từ 4 –  6 con.

Chồn con sinh ra rất khỏe mạnh, ít bệnh, rất chóng lớn, chỉ vài tháng tuổi đã có thể xuất chuồng bán con giống, với giá khá ổn định khoảng 10 triệu đồng/cặp (đực, cái). Thời gian nuôi khoảng từ 11 – 12 tháng chồn trưởng thành mỗi con đạt từ 5 – 6 kg và bắt đầu cho sinh sản. Một số hộ nuôi chồng hương ở cù lao Hòa Minh cho biết, chồn có đặc tính không ưa sống những nơi dơ bẩn, nên chuồng nuôi luôn phải đảm bảo thoáng mát và vệ sinh sạch sẽ, nhất là khi chồn sinh đẻ. Trong môi trường tự nhiên chồn thường hoạt động kiếm ăn vào ban đêm, nắm rõ đặc tính này, khi nuôi thuần dưỡng người nuôi cũng nên cho ăn bữa tối là chính, bữa sáng là phụ. Nói chung kỹ thuật chăm sóc chồn cũng đơn giản, dễ nuôi, ít tốn chi phí về xây dựng chuồng trại và thức ăn. Chồn được thuần dưỡng rất hiền lành, thân thiện với con người như những con mèo, nên có thể quây lưới B 40 thả trong vườn, để chồn ăn côn trùng, bắt chuột… Chồn hương thích sống đơn lẻ, nên người nuôi phải nhốt riêng mỗi con một chuồng, chỉ khi nào tới thời kỳ sinh sản, mới nhốt chồn đực chung với chồn cái để phối giống, cho tới khi con cái có chửa thì lại tách ra nhốt riêng.

Chồn sinh sản

 Theo một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh, việc ông Linh nuôi chồn hương sinh sản đã được các ngành chức năng hết sức quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ. Đây là mô hình đa dạng hóa vật nuôi vừa đem lại hiệu quả kinh tế gia đình cao, vừa góp phần bảo tồn động vật hoang dã và là mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở địa phương. Chính vì thế Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh đã cấp giấy phép cho gia đình ông Linh và những hộ đang thực hiện mô hình nuôi chồn hương ở địa phương, nhằm khuyến khích  nông dân trong vùng nhân rộng mô hình chăn nuôi hiệu quả này để xóa nghèo../.

Luong Định/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh