THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:55

Với TPP- Cơ hội chúng ta phải tận dụng và công việc còn rất nhiều

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Đàm phán đã là rất quan trọng rồi nhưng kết thúc còn quan trọng hơn. Sau đây chúng ta phải triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện. TPP là một hiệp định chất lượng cao, yêu cầu rất lớn và có nhiều nội dung mới đối với Việt Nam. Để thực thi hiệp định này, Bộ Công Thương và đoàn đàm phán sẽ trình lên chính phủ một loạt chương trình hành động để xem xét phê duyệt và triển khai một cách đồng bộ.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong “vòng vây” của báo giới tại sân bay Nội Bài sáng 7/10, khi vừa trở về từ bàn đàm phán Atlanta, Hoa Kỳ

Hiệp định TPP tạo sức ép cải cách thể chế trong nước như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Các yêu cầu của hiệp định TPP rất cao, trong đó có việc thực thi khuôn khổ pháp lý bao gồm các quy định có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và một số lĩnh vực khác. Hiện chúng ta đã và đang tiến hành. Mục đích của chúng ta là tiếp tục hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta sẽ tiếp tục sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với tình hình mới. Đi đôi với đó là xây dựng ban hành mới những quy định pháp luật khác, cho nên dù rằng có TPP hay không có TPP, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các thể chế của chúng ta. Theo tôi, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là hết sức quan trọng và cần thiết. Chúng ta cần phải làm ngay để bắt kịp tiến độ khi Hiệp định đi vào hiệu lực.

Nhiều ý kiến nêu rằng TPP là cơ hội để Việt Nam đổi mới công nghệ khi chúng ta có thể nhập máy móc từ các nước phát triển với giá rẻ hơn. Ý kiến của Bộ trưởng thế nào?

Một nội dung rất quan trọng của hiệp định TPP là Chương về mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư. Đúng là qua hiệp định TPP, có rất nhiều cơ hội cho chúng ta thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn của TPP và đầu tư vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn và cũng là có nhiều dự án rất cần thiết với chúng ta nhưng chưa nhận sự quan tâm nhiều của doanh nghiệp nước ngoài.

Qua TPP, chắc chắn sẽ có cơ hội rất lớn cho chúng ta thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực hết sức quan trọng như sản xuất, kết cấu hạ tầng. Đây cũng là một cơ hội để chúng ta tận dụng, bổ khuyết cho những lĩnh vực đầu tư mà lâu nay chúng ta đang thiếu, như thiếu về nguồn vốn đầu tư và trình độ chưa đáp ứng được nhu cầu. Tôi cho rằng, đây là một cơ hội mà chúng ta phải tận dụng.

Nhiều bà con nông dân, nhất là ngành chăn nuôi, lo lắng trước các quan ngại ngành chăn nuôi gặp khó khăn nhất. Xin Bộ trưởng bình luận về vấn đề này?
Việc bà con quan tâm lo lắng là có cơ sở, bởi chúng ta đã biết khi mở cửa thị trường, chúng ta không thể hạn chế việc tạo điều kiện cho hàng hoá của nước ngoài, trong đó có cả hàng nông sản được xuất khẩu đến Việt Nam.

Một mặt, nó sẽ là một tác nhân thuận lợi cho người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng hoá đa dạng hơn với chất lượng cao, giá cả phù hợp, mẫu mã hấp dẫn. Nhưng ngược lại, trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, đây là một lĩnh vực chúng ta còn yếu do chúng ta còn nhỏ lẻ, phân tán. Không phải chỉ riêng trong đàm phán hiệp định TPP mà kể cả trong các hiệp định khác trước đây, chúng ta bao giờ cũng yêu cầu các nước dành cho VN một lộ trình tương đối dài để bảo hộ một cách hợp lý những sản phẩm của chúng ta còn đang yếu. Sau lộ trình đó, chúng ta sẽ phải vươn lên.

Tôi nghĩ rằng, trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và Trung ương đó là cố gắng lựa chọn, thuyết phục các đối tác. Tuy nhiên, bản thân lộ trình này chưa đủ, chúng ta còn phải cố gắng tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sẽ có những mô hình sản xuất mới, tập trung hơn, quy mô hơn để có những điều kiện áp dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, qua đó nâng cao năng suất lao động.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại Atlanta


Tôi nghĩ điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các cấp sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu và sẽ có những biện pháp cụ thể để thu hẹp trình độ phát triển của nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp các nước. Tôi xin khẳng định rằng, trong đàm phán và chỉ đạo của Trung ương, lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân rất được quan tâm. Vì vậy, chúng ta tìm cách biến thách thức khó khăn đó thành cơ hội.

TPP được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế người tiêu dùng băn khoăn sẽ được hưởng lợi gì, cụ thể là giá ô tô sắp tới có rẻ hơn không?

Sau giai đoạn kết thúc đàm phán, sẽ phải công bố nội dung hiệp định để người dân được hiểu chi tiết hơn về những lợi thế, ưu đãi mà hiệp định mang lại cũng như những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải đương đầu. Khi đó, chúng tôi nghĩ rằng, người dân có điều kiện tìm hiểu. Nếu có gì chưa rõ, người dân có thể liên hệ Bộ Công Thương, đoàn đàm phán cũng như các bộ ngành liên quan. TPP sẽ là một hiệp định công khai, minh bạch.

 Đóng góp của Việt Nam vào đàm phán ở Atlanta như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Các nước nhận xét Việt Nam là một đối tác đàm phán rất xây dựng, chân thành, và quyết tâm nhưng giữ vững được nguyên tắc. Đấy là tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ trong suốt quá trình đàm phán. Lần này trong những giờ phút chót, có khó khăn giữa các nước có vấn đề song phương với nhau như vấn đề ô tô giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản, Mexico và Canada hay là vấn đề bảo hộ dược phẩm có nguồn gốc sinh học giữa Peru, Chile với Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Tôi xin trích dẫn nguyên văn câu nói của Bộ trưởng Ari của Nhật Bản phụ trách về đàm phán kinh tế và thương mại của Nhật Bản khi chúng tôi bắt tay chúc mừng nhau: “Chúng tôi cho rằng Việt Nam là một đối tác rất chân thành, xây dựng, cởi mở, và đóng góp rất nhiều vào kết quả TPP nói chung, cũng như kết quả song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản nói riêng”.


Việt Nam có tự tin bước vào TPP hay không, thưa Bộ trưởng?

Tôi nghĩ rằng với kinh nghiệm hội nhập quốc tế và kinh tế, đã có một thời gian từ cách đây 20 năm khi chúng ta gia nhập ASEAN, 2001 ký BTA, 2007 WTO. Chúng ta đã ít nhiều có kinh nghiệm. Rõ ràng rằng khi chúng ta chưa bước vào sân chơi rộng lớn về thương mại như thế này thì chúng ta có nhiều cái lo ngại, đó là điểu rất tự nhiên thôi. Trong quá trình thực hiện, chúng ta thể hiện quyết tâm bản lĩnh của người Việt Nam. Qua 8 năm thực hiện WTO, nhìn lại, cái được là cơ bản nhưng cái chưa được là sẽ tiếp tục có biện pháp khác. Với quyết tâm đó cùng cùng với sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tôi tin chắc rằng các mục tiêu mà chúng ta đặt ra với TPP sẽ thành công, mang lại lợi ích cho đất nước, doanh nghiệp, người dân và cho toàn xã hội.

Xin Bộ trưởng cho biết khi nào công bố toàn văn nội dung hiệp định TPP?

Theo thoả thuận giữa các nước TPP, các nước sẽ có một thời gian rà soát lại lời văn của hiệp định và sau khi rà soát xong, sẽ công bố rộng rãi cho nhân dân, cho xã hội với mục đích để mọi người hiểu được nội dung chính của TPP, những quyền lợi mà TPP mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, đất nước, và xã hội. Bên cạnh đó, có nhữn vấn đề thách thức đặt ra mà chúng ta phải đương đầu để chúng ta có biện pháp ứng phó phù hợp. Vì hiệp định dài đến cả ngàn trang nay thời gian công bố còn phụ thuộc vào tiến độ dịch, rà soát nội dung của dự thảo hiệp định. Chúng tôi sẽ cố gắng công bố nhanh. Bộ Công Thương và các bộ, ngành sẽ nỗ lực hết sức.

Thưa Bộ trưởng, hướng thảo luận TPP của Đảng ta là như thế nào?

Theo quy định, đây là một hiệp định rất quan trọng cho nên Chính phủ sẽ báo cáo với Ban chấp hành Trung ương Đảng để xin ý kiến, tức là xem xem trong quá trình đàm phán hiệp định, có vấn đề gì cần phải lưu ý trong tổ chức thực hiện. Sau khi có ý kiến, sẽ tiến hành các thủ tục gọi là thông qua Quốc hội. Tất cả quy trình này chúng ta đang triển khai thực hiện.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thanh Nhung / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh