THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:33

Thị trường lao động rộng mở, dệt may lạc quan đón đầu TPP

Tác động trực tiếp tới vấn đề việc làm của NLĐ

 TPP mở ra những cơ hội rộng lớn. Các đơn hàng xuất khẩu từ các ngành hưởng lợi sẽ tăng cao, các tập đoàn, DN nước ngoài sẽ đầu tư vào VN mạnh hơn, kéo theo nhu cầu LĐ tăng cao. Nhưng những rủi ro mà thị trường LĐ Việt Nam sẽ phải đối mặt từ hiệp định này cũng sẽ không ít.

 Khi gia nhập hiệp định, xu thế chuyển dịch LĐ giữa các nước tham gia, tạo thách thức lớn trong đào tạo, nâng cao tay nghề. “Từ đó, LĐ Việt Nam sẽ phải thay đổi nhiều mặt như nâng cao kỹ năng, trình độ, chấp hành kỷ luật… Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có các các biện pháp trợ giúp để chủ động xử lý kịp thời các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong đó có việc tổ chức đào tạo lại đội ngũ LĐ. Với thời gian, thu hút đầu tư nước ngoài tăng lên, cơ cấu sản xuất sẽ được điều chỉnh và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra". Ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định.

 

Ngành dệt may nhiều cơ hội khởi sắc

Trước thách thức đó, các ngành liên quan cần tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đủ năng lực cạnh tranh. Tại nhiều cuộc hội thảo "đón đầu" TPP, các chuyên gia cũng kiến nghị cần nâng cao năng lực các trung tâm giới thiệu việc làm, làm tốt vai trò cầu nối thông tin giữa NLĐ và người sử dụng LĐ. 

Đồng thời, thành lập trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường LĐ quốc gia, cung cấp thông tin, định hướng để người LĐ và DN nắm bắt kịp thời xu thế chung, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường LĐ khi tham gia.

Theo kết quả khảo sát của Viện FES gần đây, đa số người LĐ ở VN tỏ ra kỳ vọng vào TPP, có tới 78% số người được hỏi cho rằng đây chính là cơ hội để tạo công ăn việc làm mới và 72% cho rằng có khả năng tăng thu nhập khi VN bước vào “sân chơi” chung này.

 Dệt may hưởng lợi, chăn nuôi khó khăn

Dệt may hẳn là ngành được quan tâm nhiều nhất trong TPP, khi mà 12 nước thành viên đã đồng ý dành Chương riêng cho ngành công nghiệp vốn được đánh giá là có vai trò rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế tại một số thị trường của các nước TPP. 

Và dệt may cũng là thế mạnh xuất khẩu chủ lực của VN, khi chỉ đứng thứ 2 sau TQ về xuất khẩu, và thứ ba vào Nhật- trong khi các nước tham gia TPP đều là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. Có đến 40% giá trị hàng hóa của Việt Nam được xuất sang 11 nước trong TPP, trong đó những mặt hàng quần áo, dệt may và da giày chiếm đến 31% tổng giá trị.

Tuy không được hưởng thuế suất 0%, song một số DN dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các DN nước ngoài để gia công. Hiện nay, một số DN quy mô lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước mà đứng đầu là Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) có các dự án nhằm đón đầu hiệp định TPP. 

Năm 2015, Vinatex đưa ra kế hoạch triển khai 51 dự án mới, chủ yếu về sợi, dệt, nhuộm nhằm cung cấp nguyên liệu. Chưa kể, dòng vốn FDI đầu tư vào ngành dệt may tăng mạnh do hiệu ứng TPP cho thấy sức bật của dệt may sẽ rất lớn. Từ năm 2014, đón đầu những lợi thế từ TPP, đã có nhiều dự án FDI lớn được rót vào dệt may, nhằm tận dung nhân công giá rẻ và nguyên liệu gia công rẻ. 

Tính đến giữa năm 2015, ngành dệt đóng góp 4,18 tỷ USD trong thu hút FDI, chiếm 76,2% trong tổng vốn.  "Tuy nhiên, nông nghiệp, trong đó chăn nuôi sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực. Lúc này kết quả đàm phán chưa được công bố nhưng chúng tôi xin khẳng định chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế về 0%. Hy vọng trong lúc đó, Việt Nam nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp để sức cạnh tranh lớn lên, chiến thắng trên sân nhà. Không có lý do gì một nước nông nghiệp mà không thắng trong lĩnh vực này", Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam , Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh người vừa về nước từ bàn đàm phán TPP tại Atlanta (Mỹ) khẳng định.

Với mức thuế suất được đưa về 0% khi gia nhập TPP, nhiều sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Việt Nam vốn luôn trong tình trạng “năng suất thấp, giá thành cao” sẽ lại càng khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và một số nước khác. 

Đơn cử, tại Mỹ hiện nay, chỉ có 3 bang chăn nuôi lợn nhưng giá thịt của Mỹ đang rẻ hơn ở Việt Nam 40%. Khi còn hàng rào thuế quan bảo vệ, chúng ta vẫn bảo hộ được chăn nuôi trong nước, song khi "luật chơi" thuế suất nhập khẩu 0% được áp dụng, đây sẽ là một thách thức rất lớn cho ngành chăn nuôi nội địa. 

Chưa kể, “cửa” xuất khẩu càng trở nên khó khăn khi lĩnh vực chăn nuôi của VN vẫn chưa đáp ứng yêu cầu gắt gao về an toàn thực phẩm.

Do đó, khó khăn lớn nhất với DN trong nước là sức ép cạnh tranh, song Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bày tỏ lạc quan: “Đây không phải lần đầu Việt Nam hội nhập, mà đã có hành trang 20 năm nên tôi cho rằng nền kinh tế đủ sức tiến vào cuộc chơi mới này. Cuối cùng, với việc gia nhập TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, học hỏi kỹ năng quản lý, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm cho người LĐ, giúp ổn định an sinh xã hội cho Việt Nam”.

Nguyễn Thanh / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh