THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 12:43

TP.Hồ Chí Minh: Bị đòi đất và rào chợ tự phát Bình Hòa, nhiều tiểu thương hoang mang

VOV đưa tin, mới đây, tại phường 14, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh xảy ra việc ông Trác Huy Trường - người tự nhận là chủ đất dùng lưới rào chắn "chợ Bình Hòa". Trong khi đó, nhiều tiểu thương cho rằng, họ đã kinh doanh ở đây 30 năm và đóng thuế đầy đủ. Hiện chính quyền địa phương, cụ thể là Phường 14 vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về vấn đề này.

Các tiểu thương ở đây cho biết, họ đã kinh doanh ở đây khoảng 30 năm, có đóng thuế và các khoản phí đầy đủ. Việc ông Trường đến rào chợ, đòi đất khiến bà con lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Thông nói: "Tôi bán thì đóng thuế nhà nước, có môn bài đàng hoàng, bây giờ Phường là đơn vị quản lý trực tiếp tụi tôi, có gì thì Phường sẽ mời tụi tôi lên họp".

Lý giải cho việc đưa người rào chợ, ông Trác Huy Trường cho rằng, chợ Bình Hòa vốn là đất thổ cư số BK 599, tờ bản đồ số 4, xã Bình Hòa Xã (nay là tờ bản đồ số 7, bộ địa chính phường 14, quận Bình Thạnh).

TP. Hồ Chí Minh: Bị đòi đất và rào chợ tự phát Bình Hòa nhiều tiểu thương hoang mang - Ảnh 1.

Giấy nộp tiền thuế môn bài do một hộ kinh doanh tại chợ Bình Hòa cung cấp. (Ảnh: VOV).

Chủ đất đầu tiên là ông Trần Văn Chơi. Sau đó, ông Chơi chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Đô (ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM). Tháng 11/1991, ông Đô có văn bản đồng ý giao lại cho ông Nguyễn Đình Long (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) diện tích đất là 157m2 trong tổng số 2790m2. Giao dịch này có xác nhận của chính quyền phường 14. Tại thời điểm đó có một số cá nhân dựng ki-ốt buôn bán trên thửa đất nhưng vì chưa có nhu cầu cấp thiết sử dụng đất nên ông Long vẫn để các tiểu thương kinh doanh.

Đến tháng 5/2006, ông Nguyễn Đình Long liên hệ với các phòng chức năng của quận để làm thủ tục đứng tên khu đất. Nhưng hơn 13 năm sự việc vẫn dậm chân tại chỗ. Lúc này khu đất đã trở thành chợ Bình Hòa. Cũng theo ông Trường thì trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến nay, do chưa làm được thủ tục quyền sở hữu khu đất trên, nên ông Long vẫn chưa đóng được các khoản phí, thuế nào.

Tiếp đó, cuối tháng 7/2019, ông Nguyễn Đình Long làm thủ tục ủy quyền, sau đó sang nhượng 157m2 cho vợ chồng ông Trác Huy Trường. Từ cơ sở này, ông Trường mới đến rào chợ, đòi đất.

"Tôi là người mua hợp pháp tại đất này và phát hiện tại vị trí này đang hoạt động chợ tự phát. Tôi đem giấy tờ chứng nhận của UBND phường 14 là công nhận đất của ông Long hợp pháp, và ông Long bán cho tôi hoàn toàn. Chính quyền phải xem hoạt động kinh tế ở đây đã được ủy ban kiểm soát chưa. Cơ quan công an phải hỗ trợ người dân về pháp lý, ông Trường nói.

Phòng Kinh tế quận Bình Thạnh khẳng định, chợ Bình Hòa là điểm kinh doanh tự phát. Quận Bình Thạnh không quản lý danh sách và không cấp phép kinh doanh cho các hộ tại đây.

Còn cán bộ địa chính phường thì khẳng định, đây là đất thuộc sở hữu của ông Trần Văn Chơi. Ông Chơi chuyển nhượng cho ông Đô. Sau đó ông Đô chuyển nhượng cho ông Long 157m2 trên 2790m2. Tuy nhiên, diện tích 157m2 không ghi nhận ở vị trí nào trong khu đất 2790m2.

TP. Hồ Chí Minh: Bị đòi đất và rào chợ tự phát Bình Hòa nhiều tiểu thương hoang mang - Ảnh 2.

Giấy ưng thuận giao đất do ông Trác Huy Trường cung cấp. (Ảnh: VOV).

Liên quan đến vấn đề này, báo Pháp luật Việt Nam đưa tin, bình luận về vụ việc này, Luât sư Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc, Hà Nội) cho hay, khi có tranh chấp đất đai thì các giấy tờ quy định tại tại Điều 100 Luật Đất đai 2014 sẽ là chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của các bên. Một trong các giấy tờ, chứng cứ này là "Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/ 10/ 1993" và "giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan". Trường hợp này, ông Đô có tên trong sổ địa chính và có giấy ưng thuận cho ông Long sử dụng 175m2 (có chính quyền xác nhận chữ ký của ông Đô thời điểm năm 1991) nên ông Long có đầy đủ giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất của mình. Vì vậy, ông Long hoặc người được ủy quyền hoàn toàn được quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo quyền sử dụng đất của mình khi bị xâm phạm.

Cũng theo Luật sư Tuấn thì nếu các tiểu thương cho rằng mình có quyền sử dụng hợp pháp các ki ốt tại chợ thì cũng cần xuất trình ra các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai hoặc "các giấy tờ khác" quy định tại Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai), hoặc giấy tờ thể hiện mình được thuê, mượn hợp pháp từ chủ khu đất. Giấy nộp thuế từ hoạt động kinh doanh không nằm trong các loại giấy tờ theo quy định trên

Liên quan đến phát biểu trên báo chí của đại diện UBND phường 14 về việc "năm 1999, UBND phường đứng tên ký kê khai nhà, đất khu vực Bình Hòa", Luật sư Tuấn cho hay, việc UBND phường đứng ra kê khai nhà đất cũng phải có các căn cứ theo quy định. Ở đây, ông Đô không hiến đất cho Nhà nước và đất không bị trưng thu, trưng dụng, thu hồi hay thuộc diện nhà đất "cải tạo"… thì UBND phường cũng không thể kê khai đứng tên thửa đất được.

Như vậy, cho đến nay thì UBND phường 14 vẫn chưa làm rõ quá trình biến động của thửa đất BK 599 cũng như lý giải cho ông Trường rõ vì sao thửa đất đang đứng tên ông Chơi, ông Đô bỗng biến thành đất chợ.

Thửa đất rộng hơn 2.700m2 mang tên ông Đô nay chỉ còn hơn 200 m2 cũng là vấn đề uẩn khúc trong vụ việc này đang chờ được làm rõ.

Được biết, ông Trường đã có đơn đề nghị UBND phường 14 tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai với các tiểu thương theo trách nhiệm quy định tại Điều 202 Luật Đất đai. Nếu hòa giải không thành, UBND phường cần lập biên bản để ông Trường thực hiện các công việc tiếp theo để đòi quyền sử dụng đất cho ông Long.

PV (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh