THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:18

TP.HCM: Tiếp tục rà soát giấy phép của các cơ sở giáo dục ngoài công lập

Cụ thể, UBND TP.HCM giao Sở GD&ĐT thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là khi có phản ánh của các phương tiện tryền thông và người dân.

UBND TP.HCM giao các quận, huyện nâng cao trách nhiệm, quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tuyệt đối không để các cơ sở hoạt động không phép.

Kịp thời xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động không phép, không tuân thủ quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, người lao động.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật về giấy phép thành lập và hoạt động, đảm bảo an toàn tuyệt đối công tác an ninh trật tự tại địa phương, hoạt động đúng theo Quyết định cấp phép.

TP.HCM là nơi có rất nhiều các cơ sở giáo dục ngoài công lập, hoạt động đa dạng, phức tạp. thời gian gần đây, công tác quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập xuất hiện một số hiện tượng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, người lao động…

TP.HCM: Tiếp tục rà soát giấy phép của các cơ sở giáo dục ngoài công lập - Ảnh 1.

Danh sách các Trung tâm Anh ngữ Á Châu hết hạn cho phép hoạt động lĩnh vực giáo dục.

Trước tình hình trên, Sở GD&ĐT đã chủ động rà soát, ban hành Công văn số 4416/GDDT-TC về đăng ký hoạt động giáo dục của trung tâm ngoại ngữ, tin học.

Trước đó, sở cũng ban hành Công văn số 4169/GDĐT-TC về thông báo hết hiệu lực giấy phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Các văn bản trên có tính chất chủ động rà soát, nhắc nhở các đơn vị hoàn thành các thủ tục cấp phép hoạt động theo đúng quy định hiện hành.

Trong thời gian qua, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý do được phép thành lập cuối năm 2019 và đầu 2020.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đầu tư cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục để thực hiện đăng ký hoạt động giáo dục bị chậm trễ. Một số trường hợp phải ngưng hoạt động, giải thể… nhưng cũng chưa làm thủ tục giải thể theo quy định.

Ngoài ra, một số trung tâm có phép hoạt động nhưng đã hết thời hạn, một số đang thực hiện quy định mới, chuyển đổi từ hình thức hoạt động chi nhánh sang hình thức đăng ký thành lập và hoạt động giáo dục theo quy định nhưng chưa kịp hoàn thành.

Tại điểm C Điều 5 Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định cụ thể phạt tiền đối với hành vi tự ý thành lập cơ sở giáo dục theo các mức phạt sau đây: Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học.

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc giải thể cơ sở giáo dục, tổ chức thuộc cơ sở giáo dục đối với hành vi vi phạm mở trung tâm tiếng anh khi chưa có giấy phép.

Ngày 12/1, Sở GD&ĐT TP.HCM đã công bố danh sách 494 trung tâm tin học, ngoại ngữ trên địa bàn TP chưa được cấp phép và hết hạn hoạt động giáo dục. Đáng chú ý trong danh sách này có đến hàng chục cơ sở của Trung tâm Anh ngữ Á Châu - một trung tâm ngoại ngữ nổi tiếng với 35 cơ sở ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Cụ thể, theo danh sách trên, có 9 cơ sở Trung tâm Anh ngữ Á Châu ở Quận 12, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn chưa được cấp phép hoạt động giáo dục. 14 cơ sở Trung Tâm Anh ngữ Á Châu ở Quận 12, quận Tân Phú, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn,... giấy phép bị hết hạn.

Điều đáng nói là dù nhiều cơ sở chưa được cấp phép hoạt động giáo dục nhưng Trung tâm này vẫn hoạt động rầm rộ, quảng cáo và chiêu sinh.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh