TP.HCM: Thị trường BĐS sụt giảm cả cung và cầu, phân khúc đất nền trở thành ‘điểm nóng’
- Huyệt vị
- 14:38 - 05/04/2019
Trong quý đầu năm 2019, ngoại trừ phân khúc nhà phố/biệt thự và condotel có sự tăng nhẹ cả cung và cầu so với quý trước, thì các phân khúc còn lại, bao gồm đất nền, căn hộ, biệt thự biển đều sụt giảm nguồn cung và cầu.
Trong quý đầu năm 2019 thị trường BĐS TP.HCM sụt giảm cả cung và cầu. (Ảnh: PV).
Thị trường BĐS TP.HCM khan hiếm nguồn cung
Cụ thể, đối với phân khúc đất nền theo báo cáo của DKRA trong quý đầu năm 2019, có khoảng 2 dự án đất nền mới được mở bán, cung ứng ra thị trường khoảng 259 nền, bằng 24% so với nguồn cung của quý 4/2018. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 86% nguồn cung mới, bằng 25% so với quý trước. Nguồn cung đất nên tập trung chủ yếu ở quận 9 của khu Đông và huyện Củ Chi của khu Bắc. Nhìn chung, thị trường giảm nhiệt cả cung và cầu.
Nguồn cung và sức tiêu thụ của phân khúc căn hộ giảm mạnh trong quý đầu năm 2019, đây là mức thấp nhất các quý từ năm 2016 đến nay. Cụ thể, nguồn cung mới chỉ đạt 25% so với quý 4/2018, bằng 26% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt 29% so với quý 4/2018 và 26% so với cùng kỳ năm trước.
Căn hộ hạng B dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường, không có dự án mới căn hộ hạng C mở bán, căn hộ hạng A và hạng sang tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Giá bán căn hộ trong quý duy trì xu hướng đi ngang từ giữa năm 2018.
Phân khúc đất nền trở thành “điểm nóng”
Theo dự báo từ DKRA, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu mặc dù thị trường thời gian gần đây có xu hướng giảm. Do đó, phân khúc đất nền Quý 2/2019 có thể sẽ tăng mạnh so với quý đầu năm 2019.
Về nguồn cung căn hộ trên thị trường, mức dao động căn hộ được dự báo có thể sẽ lên đến mức 5.000 -7.000 căn, nguồn cung và sức cầu của thị trường có thể tăng hơn so với quý 1, trong đó, khu Đông và khu Nam chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Phân khúc căn hộ hạng A và B tiếp tục dẫn dắt thị trường, nguồn cung căn hộ hạng C khan hiếm khi chưa có nhiều dự án mới sẵn sàng ra thị trường. Ở phân khúc nhà phố/biệt thự, nguồn cung không có nhiều biến động và dao động ở mức 200 - 300 căn.
BĐS vùng ven TP.HCM trở thành "điểm nóng". (Ảnh: PV).
BĐS vùng ven TP.HCM trở nên “sốt”
Trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2017 đến nay, thị trường BĐS các tỉnh giáp ranh TP.HCM chỉ ghi nhận sự sôi động ở phân khúc đất nền. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018, các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu… và xa hơn là đến Bình Thuận trở nên “sốt”. Không chỉ gói gọn trong phân khúc đất nền, sự tăng nhiệt bắt đầu lan ra các phân khúc căn hộ, nhà phố/biệt thự, với sự xuất hiện của nhiều dự án quy mô lớn, được quy hoạch bài bản. Sự tăng trưởng đã đưa thị trường bất động sản các tỉnh giáp ranh TP.HCM và những địa phương có tính liên kết về hạ tầng giao thông lên một cấp độ phát triển mới, thiết lập những mặt bằng giá mới và hình thành nhiều điểm nóng đáng chú ý như Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa (tỉnh Long An), Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Tuy nhiên, việc hình thành những “điểm nóng” mới xung quanh TP.HCM cũng đối mặt với nhiều thách thức cho việc hoàn thiện hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông kết nối vùng. Theo đó, TP.HCM và các tỉnh cần một chiến lược quy hoạch đồng bộ để tạo ra những đô thị vệ tinh, đầy đủ tiện ích. Mặt khác, sự tăng trưởng nóng của các tỉnh giáp ranh còn ẩn chứa nhiều rủi ro về biến động giá cả, thậm chí ở một số thời điểm đã xảy ra sốt giá, đẩy thị trường rơi vào trạng thái thiếu ổn định.
Dù vậy, sự tăng tốc của thị trường bất động sản các tỉnh giáp ranh và một vài địa phương có tính liên kết về hạ tầng giao thông là cơ hội cho các nhà đầu tư, thu hút dòng tiền dịch chuyển từ TP.HCM và tạo điều kiện an cư cho những người trẻ, gia đình trẻ có thu nhập ổn định và nhu cầu ở thực.
Trên lợi thế phát triển hạ tầng giao thông có tính liên kết vùng cũng như những dự án nội tại của địa phương đã - đang và sẽ tiếp tục được nhà nước đầu tư, sự chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản các khu vực nêu trên không chỉ là sự đón đầu mà còn được nhận định như một luồng gió mới đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa ở địa phương, giải tỏa bớt áp lực cho thị trường bất động sản TP.HCM cả về dân số, nhà ở… đồng thời góp phần hiện thực vùng đô thị TP.HCM cũng như sự đô thị hóa của các địa phương.