THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 09:39

TP.HCM: Nhân lực chất lượng cao, lành nghề chỉ chiếm 26,7% cơ cấu lao động

 

Đề cập đến vấn đề nâng cao chất lượng tăng trưởng, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng trước hết cần tăng năng suất lao động. So với mặt bằng chung cả nước, TP.HCM hiện có một số điểm sáng. Ví dụ như ở Khu công nghiệp công nghệ cao TP.HCM, hiện năng suất lao động của người lao động cao gấp 70 lần so với mức trung bình của cả nước. Chính nhờ có chất lượng nguồn nhân lực tốt nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công việc có nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

 

Công nhân có tay nghề cao ở Khu công nghệ cao TP.HCM tạo ra năng suất lao động gấp 70 lần so với mức trung bình của cả nước

 

Ông Phong cho rằng, muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng thì sản phẩm cần đổi mới, nâng cao chất lượng. Để làm được điều đó cần đầu tư khoa học, phát triển ngành công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, và nhất là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở mức tương xứng.

Trên thực tế, nhìn chung thì chất lượng nguồn nhân lực của thành phố vẫn còn nhiều bất cập. "Muốn nâng cao chất lượng lao động phụ thuộc vào chất lượng lao động, thay đổi cơ cấu vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Hiện trình độ lao động lành nghề chiếm 26,7% trong cơ cấu lao động thành phố. Như vậy có thật sự chất lượng tăng trưởng tốt hay chưa?", ông Phong đặt dấu hỏi.

 

Nguồn nhân lực ở TP.HCM hiện có nhiều về số lượng nhưng không ổn định và bền vững


Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Nguồn nhân lực ở TP.HCM hiện nay nhiều về số lượng nhưng lại không ổn định và bền vững. Theo Trung tâm Dự báo nhân lực TP.HCM, thị trường lao động của thành phố đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, thể hiện sự chênh lệch cung - cầu lao động về số lượng; đặc biệt chất lượng chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Thành phố đang rất thừa lao động phổ thông song lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề trong định hướng phát triển. 

Khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại thành phố năm 2018, kết quả cho thấy dự kiến thành phố có nhu cầu tuyển dụng 300.000 lao động. Về cơ cấu, lao động có trình độ đại học trở lên 20%; cao đẳng 17%; trung cấp và công nghệ kỹ thuật lành nghề 32%; sơ cấp nghề 10% và lao động chưa qua đào tạo 21%. 

Trong khi đó, phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường lại chưa đủ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm để tiếp cận công việc, nhất là các kỹ năng mà thị trường lao động cần. 

 

Số lao động có chất lượng ở TP.HCM hiện chỉ đáp ứng được được 20-30% nhu cầu lao động


Thực tế về trình độ đào tạo, nhóm có trình độ đào tạo bậc trung (cao đẳng, trung cấp nghề) có ảnh hưởng mạnh nhất đến năng suất lao động nhưng Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực này. Số lượng lao động bậc trung hiện nay chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu lao động. 

Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng sử dụng bất hợp lý nguồn nhân lực, tỷ lệ không sử dụng hết trình độ chuyên môn kỹ thuật từ 16-24%. Nguyên nhân do công tác đào tạo nguồn nhân lực bậc cao và bậc trung còn yếu kém; chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa dựa vào yêu cầu thị trường, chưa tạo điều kiện cho quá trình chuyển dịch về lao động; công tác phân luồng học sinh, dự báo nhu cầu nhân lực chưa sát với nhu cầu nhân lực từng lĩnh vực. 

Đó đều là những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm qua nhưng cho đến giờ vẫn chưa có giải pháp phù hợp để giải quyết một cách căn cơ.

Trong những năm tới, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM đều đặt ra các chỉ tiêu rất cao cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Vì vậy, nếu nguồn nhân lực vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như hiện nay thì các mục tiêu phát triển mang tính đột phá sẽ gặp những thách thức rất lớn.

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh