Bình Dương: Chú trọng đào tạo nâng cao phát triển nguồn nhân lực
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:51 - 01/05/2018
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương nhận định: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người lao động. Nhận thức của học sinh và phụ huynh về việc học nghề dần chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Các khóa đào tạo đã trang bị cho người học các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ công việc cơ bản nhất để họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm nuôi sống bản thân, gia đình; từ đó, góp phần cải thiện đời sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Hiện nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp (KCN), tổng số lao động của tỉnh là 1.016.723 người. Phần lớn người lao động trong các KCN của tỉnh có trình độ văn hóa là THPT và THCS (chiếm trên 85%).
Về trình độ chuyên môn tay nghề, hiện toàn tỉnh có 76 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 07 trường cao đẳng/ cao đẳng nghề, 01 Phân hiệu cao đẳng, 01 trường Đại học tham gia dạy trình độ cao đẳng, 14 trường trung cấp/ trung cấp nghề,18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 36 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoảng 30.000 học viên (cao đẳng: 1.500 sinh viên, trung cấp: 3.000 học sinh, sơ cấp và dưới 3 tháng 25.500 học viên). Các nghề thu hút đào tạo chủ yếu tập trung vào các nhóm như: điện, điện tử, cơ khí, hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin, y sĩ, dược sĩ…
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo nghề
Tính riêng năm 2017, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho 45.500 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%. Để nâng cao sự gắn kết giữa đào tạo nghề và nhu cầu của các doanh nghiệp, nhìn chung các trường nghề đã năng động, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo quy định, đầu tư trang thiết bị đào tạo phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp. Sở cũng đã tạo điều kiện để Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở rộng hợp tác, đào tạo qua việc kết nối tuyển dụng giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, hướng các học viên, sinh viên học thêm ngoại ngữ nhằm tạo cơ hội có công việc ổn định, lương cao và cơ hội thăng tiến.
Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các trường giáo dục nghề nghiệp đều gắn kết với doanh nghiệp để làm cầu nối đáp ứng các nhu cầu sử dụng đào tạo của doanh nghiệp và người học nghề. Góp phần giải quyết đầu ra hiệu quả cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Giải pháp căn cơ
Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển. Năm 2018, Bình Dương phấn đấu tuyển sinh được 40.000 học viên, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 76%, trong đó có văn bằng – chứng chỉ đạt 26%. Tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, sử dụng khoa học - công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, như: Công nghệ thông tin, Gia công cơ khí chính xác, Cơ điện tử, Công nghệ sinh học, Điện công nghiệp, Điện tử...
Phấn đấu, mỗi trường cao đẳng/ cao đẳng nghề tổ chức liên kết từ 10 – 15 doanh nghiệp, trường trung cấp/ trung cấp nghề liên kết từ 05 – 10 doanh nghiệp để thực hiện công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Quốc Cường nhấn mạnh: Tỉnh luôn chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt nguồn lao động có tay nghề vì đây là nền tảng vững chắc giúp hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh, làm cho tỉnh trở thành một nơi đáng sống và làm việc.
Vì vậy, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đề ra một số giải pháp nhằm phát triển tốt hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nói riêng và cho khu vực nói chung như:
Quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo của tỉnh; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, định hướng chỉ giữ lại những đơn vị hoạt động hiệu quả, hướng tới tự chủ.
Bình Dương đẩy mạn xã hội hóa công tác dạy nghề
Tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các Đề án, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về dạy nghề, khuyến khích việc mở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề cho người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn. Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt việc phân luồng cho học sinh THCS. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đến trực tiếp các trường THCS để tư vấn, hướng nghiệp nhằm giúp học sinh hình thành được nhận thức về ý nghĩa của công tác phân luồng, lựa chọn ngành nghề học phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh gia đình.
Tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư trang thiết bị dạy nghề nhưng chưa sử dụng hiệu quả, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được bố trí kinh phí, dự án nhưng chưa có kế hoạch triển khai phải gấp rút thực hiện các bước tiếp theo để thực hiện mua sắm đưa vào sử dụng hiệu quả, đúng tiến độ. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị hoạt động hiệu quả.
Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp để đào tạo mới, đào tạo lại cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động đào tạo nghề. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chung lĩnh vực đào tạo cùng hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo, phối hợp tuyển sinh, mở rộng, đa dạng loại hình, ngành nghề đào tạo, đặc biệt chú trọng những nghề mới phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay.