TP.HCM ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường
- Pháp luật
- 09:58 - 16/11/2021
Do dịch Covid-19 nên việc tập trung học sinh vào tuyên truyền với số lượng lớn rất khó khăn, nên các đơn vị chủ động chia nhỏ ra thành nhiều đợt để đảm bảo an toàn trong công tác tuyên tuyền. Các cơ sở giáo dục tuyên truyền đến học sinh, giáo viên, nhân viên trong các buổi sinh hoạt dưới cờ vào ngày thứ Hai đầu tuần. Qua các buổi tuyên truyền giúp học sinh, giáo viên, nhân viên hiểu biết về các chất gây nghiện mà các tội phạm ma túy sử dụng như: sisa, bóng cười, pha trong nước ép trái cây...
Các cơ sở giáo dục chủ động tuyên truyền, nhất là thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, để các em có ý thức phòng ngừa, kiên quyết không để các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xảy ra trong học đường, nhất là tệ nạn ma túy, tệ nạn cờ bạc với mọi hình thức. Xây dựng kế hoạch lồng ghép đưa giáo dục pháp luật, tuyên truyền pháp luật về an ninh trật tự, phòng, chống ma túy vào các chương trình giáo dục phù hợp đối với từng cấp học.
Tất cả các trường học, cơ sở giáo dục trong trên địa bàn TP.HCM đã phối hợp với cơ quan công an tại địa phương xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong trường học. Sở GD-ĐT phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM triển khai phát tờ bướm tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống mại dâm đến các cơ sở giáo dục.
Năm 2021 do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP.HCM triển khai giãn cách trong thời gian dài nên công tác tuyên truyền trực tiếp gặp nhiều hạn chế và chưa triển khai được rộng rãi. Đầu năm, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM Phối hợp với Trường Trung học phổ thông Võ Trường Toản thuộc Quận 12 thực hiện 01 buổi tuyên truyền về phòng, chống tác hại ma túy cho 2.000 giáo viên và học sinh của Trường tham dự.
Đại diện Trường Trung học phổ thông Võ Trường Toản cho biết: “Trong những năm qua, trường thường xuyên tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về việc phòng, chống ma túy trong học đường cho cán bộ, giáo viên của trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng tuyên truyền cho các em hiểu biết về tác hại của ma túy và cách phòng, chống loại tệ nạn này. Các buổi tuyên truyền đó của các thầy cô của trường đã cung cấp cho các em kiến thức để giúp các em biết tránh xa các tệ nạn ma túy và các loại tệ nạn khác. Đồng thời khuyến khích các em phát hiện, tố giác các đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy tại nhà trường và ngoài xã hội”.
Chia sẻ tại buổi tuyên truyền, em Trần Ngọc Minh cho biết: “Khi mới vào đầu năm học cấp 3, em và các bạn thường được nghe thầy cô tuyên truyền về tác hại của ma túy và cách phòng, chống ma túy để tự bảo vệ bản thân mình và nhắc nhở bạn bè trong lớp, người thân tránh xa ma túy. Qua những buổi tuyên truyền chúng em ý thức được rằng, ma túy là kẻ thù của chúng ta, vướng vào ma túy xem như hỏng cả cuộc đời. Ma túy không những gây hại cho bản thân mà còn gây hại cho gia đình và xã hội”.
Với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy” năm 2021, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tham mưu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm tích cực hưởng ứng nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021 trong Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả đạt được như sau: các địa phương từ thành phố Thủ Đức, quận, huyện đến phường, xã, thị trấn và các Cơ sở cai nghiện ma túy, Cơ sở xã hội cũng như các đơn vị thuộc Sở đã tổ chức được 03 cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức về phòng, chống ma túy và HIV/AIDS với 278 lượt người tham gia; 992 buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, mạn đàm,…cho 106.681 lượt người tham dự thông qua các hình thức trực tuyến; 3.911 lượt tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh và xe loa; biên soạn và phát hành 169.855 tờ rơi, tờ gấp, tập san, tạp chí; thiết kế và làm mới 870 pano, áp phích; treo 1.387 băng rôn, khẩu hiệu làm phương tiện tuyên truyền trực quan sinh động. Nội dung tuyên truyền gồm: cách thức nhận diện các dạng ma túy mới; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy, tác hại và hệ lụy của ma túy, đặc biệt là các loại ma túy đá, ma túy tổng hợp,…các chế độ, chính sách pháp luật về phòng, chống và cai nghiện ma túy.
Theo Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, hiện nay, số người nghiện ma túy hiện đang quản lý tại 15 cơ sở cai nghiện ma túy là 12.596 người , giảm 13,70% so với cùng kỳ năm 2020. Số người nghiện ma túy có nơi cư trú trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng là 452 người (giảm 49,49% so với cùng kỳ năm 2020), nâng tổng số người thực hiện cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng đến thời điểm báo cáo là 7.623 người. Trong quá trình quản lý, đã giảm 7.360 người, hiện còn 263 người nghiện ma túy có nơi cư trú đang thực hiện biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng. Tổng số người nghiện ma túy đang tham gia điều trị Methadone: 4.711 người, giảm 4,92% so với cùng kỳ năm 2020. TP.HCM hiện có 279 điểm tư vấn đã được thành lập nhằm hỗ trợ người nghiện ma túy, người bán dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội, pháp lý, y tế, tư vấn, giáo dục tại địa phương. Qua đó, đã tư vấn, cung cấp thông tin về các dịch vụ cai nghiện, điều trị Methadone, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS và phòng, chống tái nghiện.
Theo Chi cục phòng chống tẹ nạn xã hội TP.HCM, thời gian tới, Chi cục tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về phòng chống mại dâm cho học sinh, sinh viên tại các Cơ sở giáo dục, các Trường Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Nhân dân trên địa bàn Thành phố năm 2021.