THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:35

Để người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tư vấn, điều trị nghiện ma túy

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng làm việc với phường Thanh Khê Đông về triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma tuý.

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng làm việc với phường Thanh Khê Đông về triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma tuý.

Triển khai mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo định hướng của Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện mô hình thí điểm hỗ trợ pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy trên địa bàn thành phố.

Bắt đầu triển khai thí điểm tại 2 địa bàn là phường Hải Châu II (quận Hải Châu) và phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), TP Đà Nẵng đặt mục tiêu 100% người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy trên địa bàn thí điểm bị phát hiện có nhu cầu hỗ trợ tư vấn, pháp lý, điều trị nghiện ma túy, học nghề, vay vốn, giải quyết việc làm được tiếp nhận, phân loại, sàng lọc, đánh giá, chuyển gửi đến các cơ quan chuyên môn, cơ sở y tế và các cơ sở dịch vụ khác để điều trị nghiện ma túy và thực hiện các hỗ trợ khác cho phù hợp với nhu cầu thực tế của từng đối tượng.

Với sự quan tâm của UBND thành phố, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, nên việc triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối các dịch vụ điều trị nghiện ma túy trên địa bàn thành phố đã diễn ra khá thuận lợi.

Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai thí điểm mô hình được thực hiện theo đúng quy trình: Công an phường chuyển đối tượng đến Điều phối viên tiếp nhận, rà soát, tư vấn, cán bộ Trạm Y tế thực hiện sàng lọc và kết nối các dịch vụ điều trị phù hợp cho đối tượng. Đối tượng được giới thiệu đến cán bộ Tư pháp trong trường hợp cần hỗ trợ pháp lý...

Và, với những kết quả đạt được, năm 2020, TP Đà Nẵng tiếp tục mởrộng địa bàn thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy thêm 4 phường, gồm: phường Thuận Phước và phường Bình Thuận, phường Thanh Khê Đông, phường Tam Thuận. Nâng tổng số địa phương tham gia mô hình thí điểm trên địa bàn thành phố là 6 phường, thuộc hai quận Hải Châu và Thanh Khê.

Mặt dù, thời gian qua tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đoàn thể nhưng với tinh thần quyết tâm cao vừa chống dịch vừa lồng ghép các chương trình, hoạt động triển khai năm 2021 được thuận lợi. Do đó, UBND 6 phường đã phân công các thành viên Tổ công tác cai nghiện ma túy, lập Kế hoạch, tổ chức tư vấn, kết nối, tuyên truyền nhằm triển khai tốt Kế hoạch của UBND thành phố.

Theo đó, mỗi phường chọn 1 Điều phối viên (là người đang công tác trên địa bàn phường, có thời gian công tác trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội), bố trí 1 phòng làm việc đặt tại Trạm Y tế hoặc tại UBND phường để thực hiện việc tiếp nhận, sàng lọc, tư vấn, kết nối và chuyển gửi đối tượng đến các cơ sở dịch vụ điều trị nghiện ma túy, đồng thời tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động, tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá về công tác hoạt động của mô hình trong thời gian qua.

Sở LĐ-TB&XH thành phố đã ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện quy trình triển khai mô hình thí điểm, đồng thời phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn trong triển khai hoạt động của mô hình cho các cơ quan, đơn vị, các cán bộ địa phương có liên quan, các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị nghiện ma túy và các địa phương tham gia thí điểm mô hình.

Theo số liệu báo cáo thống kê cho thấy, số người được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ là 132 đối tượng tham gia mô hình ở 6 phường (trong đó, bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép ma túy theo NĐ số 167/2013/NĐ-CP là 53 người; đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo NĐ số 94/2010/NĐ-CP là 29 người; đang chấp hành quản lý sau cai nghiện ma tuý theo NĐ số 94/2009/NĐ-CP là 50 người).

Phần lớn các đối tượng tham gia mô hình ở các phường đều được tư vấn về tác hại của ma túy, các hình thức, biện pháp cai nghiện, các chính sách hỗ trợ cai nghiện và các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị nghiện, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, các đối tượng tham gia mô hình ở 6 phường được tư vấn 604 lượt và được chuyển gửi đến: Trung tâm Y tế để cắt cơn, giải độc, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là 19 người; Cơ sở Methadone điều trị bằng thuốc thay thế là 1 người; Bệnh viện Tâm thần để được điều trị nghiện loạn thần 2 người; Cơ sở cai nghiện để cai nghiện tự nguyện là 4 người.         

Hằng năm, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đều phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH quận Hải Châu và quận Thanh Khê thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động của mô hình tại 6 phường. Đồng thời, phối hợpTrung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) hỗ trợ về cơ sở vật chất và kinh phí để hỗ trợ thêm cho hoạt động của mô hình tại các phường (ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố).        

Hầu hết các phường đều tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, treo pano điện tử, bảng hiệu, truyền thanh, sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề để người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, gia đình có người nghiện ma túy trên địa bàn hiểu và nắm bắt cơ bản về việc triển khai thí điểm mô hình. Các địa phương còn phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể tổ chức gặp mặt, tư vấn, định hướng nghề cho các nhóm người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy trên địa bàn.

Ngoài ra, các nhóm đối tượng thuộc diện xử lý theo NĐ 167; NĐ 94/2009, NĐ 94/2010 mà gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện chính sách theo quy định thì được hỗ trợ sinh kế, học nghề với mức 10 triệu đồng/đối tượng theo NQ 334/2020/NQ-HĐND. Không chỉ tăng cường sự tham gia phối hợp giữa các cấp, ngành và các địa phương trong việc thực hiện, năm 2021, mô hình tiếp tục được triển khai tại các phường đã giúp người nghiện ma tuý trên địa bàn được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, sử dụng các dịch vụ tư vấn, điều trị nghiện ma túy, từng bước góp phần giảm tỉ lệ người sử dụng, người nghiện ma tuý trên địa bàn.

“Từ nay đến cuối năm, Chi cục, phòng LĐ-TB&XHquận sẽ tiến hành kiểm tra mô hình tại các phường, sau đó tổng hợp, báo cáo, tổng kết mô hình trên địa bàn thành phố.Trên cơ sở báo cáo kết quả hoạt động của mô hình thí điểm, giao cho địa phương sẽ tiếp tục duy trì phát triển nhân rộng mô hình điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng ở các địa bàn phức tạp về ma túy, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy trên địa bàn.”, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng cho biết.

Để tạo điều kiện cho người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tư vấn, điều trị nghiện ma túy, tiến đến hoàn thiện và chuyên sâu về công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, mô hình thí điểm hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy tại TP Đà Nẵng đã và đang mang lại những kết quả rõ rệt, làm giảm tác hại cho người sử dụng ma túy, kiềm chế tốc độ gia tăng số người nghiện mới. Qua đó, giảm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giảm tỷ lệ tội phạm do nhóm đối tượng sử dụng ma túy, nghiện ma túy gây ra và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.      

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh