TP.HCM: Hơn 43.000 người có công nhận chi trả trợ cấp hàng tháng đầy đủ
- Người có công
- 14:53 - 26/11/2020
Thời gian qua, TP.HCM luôn chú trọng đến việc thực hiện chi trả chính sách NCC với cách mạng. Đặc biệt, luôn đảm bảo chính xác, kịp thời, hiệu quả, chi đúng đối tượng, chi đủ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai minh bạch tài chính và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện tốt công tác chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại địa phương.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết: Qua 15 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, TP đã có thêm 136.349 đối tượng hưởng chính sách được công nhận mới, trong đó: 3.185 trường hợp được công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 327 Mẹ được phong tặng và 2.858 Mẹ được truy tặng (hiện 185 Mẹ còn sống). Hiện TP có 42.719 người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí trên 72 tỷ đồng/tháng.
Đặc biệt, phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, nhân dân đồng tình hưởng ứng và đã đạt nhiều thành tựu to lớn như: Đảm bảo giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho 100% trường hợp là thương binh, người có công cách mạng và gia đình liệt sĩ, không để tồn đọng hồ sơ đủ điều kiện; đảm bảo 100% hộ gia đình chính sách có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, không còn hộ nghèo và cơ bản không còn hộ cận nghèo TP.
Theo ông Tấn, việc chi trả trợ cấp cho người có công tại TP.HCM được triển khai qua hệ thống bươu điện. Qua kiểm tra giám sát, việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCC được thực hiện đảm bảo đúng người, đúng chế độ, đúng thời gian quy định, đem lại sự hài lòng của NCC. Việc chi trả được thực hiện tại các bưu cục và điểm bưu điện văn hóa đáp ứng được các điều kiện về an toàn quỹ tiền mặt, điều chuyển dòng tiền, chuyên môn phục vụ, địa điểm phục vụ thuận tiện cho việc đi lại với người dân.
"Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội cấp xã giám sát việc chi trả của cơ quan bưu điện để bảo đảm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng "đúng kỳ - đủ số tiền - đến tận tay đối tượng hưởng chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng". Đồng thời, kịp thời giải đáp, hướng dẫn những vướng mắc (nếu có) và thanh quyết toán theo đúng quy định", ông Tấn nhấn mạnh.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, TP.HCM đã triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng hàng tháng tại nhà, thông qua hệ thống bưu điện. Theo đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và UBND các quận huyện, phường xã, thị trấn thực hiện việc chi trả này (không thu phí). Thời gian tổ chức chi trả từ ngày 6 đến 24 hàng tháng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các địa điểm bưu điện, NCC đến nhận trợ cấp rất hài lòng về hình thức chi trả này. Cụ Đỗ Văn Ba, thương binh cho biết: Việc chi trả trợ cấp hàng tháng cho NCC qua bươu điện cũng hay. Tôi đến là nhận được tiền ngay không cần chờ đợi lâu, thủ tục nhanh chóng và đơn giản, tiền nhận đủ không thiếu đồng nào. Các cô nhân viên bưu điện vui vẻ và nhiệt tình hướng dẫn lúc mới chuyển từ trợ cấp truyền thống qua hình thức mới này.
Hiện nay, công tác chi trả được thực hiện trên phần mềm hành chính công. Toàn bộ thông tin chi trả của người thụ hưởng được theo dõi, quản lý trên phần mềm giúp các đơn vị quản lý kịp thời tình hình. Điều kiện chi trả tại các địa phương như: Số người hưởng đã lĩnh tiền, chưa lĩnh, số tiền phải nộp về cuối ngày… giúp công tác chi trả được minh bạch, an toàn, tránh thất thoát, trả sai đối tượng.
Hàng tháng từ ngày 5 đến 10, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ tiến hành chi trả trợ cấp cho đối tượng theo quy định. Với những trường hợp người có công bị ốm đau, Bà mẹ Việt Nam anh hùng bị bệnh không có khả năng làm thủ tục ủy quyền cho người khác lĩnh thay thì cán bộ bưu điện sẽ chi trả tận nơi cư trú.
Trước đó, việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện theo mô hình 3 bên thông qua việc ký hợp đồng trách nhiệm chi trả giữa Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, UBND xã và cán bộ chi trả tại địa phương.