CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:20

Tp Vinh (Nghệ An): Cần xem xét việc cấp sổ đỏ cho thương binh là con liệt sỹ

 

Chính quyền làm mất hồ sơ gốc?

 Ông Hoàn cho biết: "Bố tôi là liệt sĩ, bản thân tôi là thương binh, từng cống hiến ở chiến trường rồi về mua nhà để công tác ở Vinh. Nhưng hơn 25 năm nay tôi đi xin làm sổ đỏ chính quyền làm mất hồ sơ của tôi, rồi cho rằng tôi lấn chiếm đất trước năm 1993 không cấp sổ đỏ cho tôi. Buồn lắm".

Nói xong, ông Hoàn đưa ra xấp giấy tờ, trong đó có phiếu thu của UBND phường Lê Lợi lập ngày 5/9/1989, với nội dung "anh Nguyễn Trần Hoàn, công tác tại Bệnh viện đông y Nghệ Tĩnh nộp lệ phí xin đất ở khối 2, số tiền 500 ngàn đồng". Và giấy chứng nhận UBND phường Lê Lợi lập, đóng dấu ngày 29/9/1989, với nội dung: "Anh Nguyễn Trần Hoàn xin đất ở khối 2, đã được UBND phường thông qua và đã đóng góp xây dựng phường, hồ sơ đang chuyển lên thành phố để làm thủ tục....".

Ông Nguyễn Trần Hoàn trên mảnh vườn nhà mà ông đã san lấp ao, khai hoang.

Ông Hoàn lý giải: "Năm 1989, sau khi mua đất xong, vợ chồng tôi ở trong nửa gian nhà cấp bốn. Đến năm 1990, kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cần mở rộng đường Lê Lợi, chính quyền thu hồi diện tích phía trước và đập tường nhà phía trước, Nhưng thời điểm đó gia đình tôi không được đền bù. Số đá, sỏi, xỉ đập nhà phía trước để mở rộng đường tôi đem đổ ra ao phía sát sau vườn nhà để khai hoang, trồng trọt. Thời điểm trước năm 1993, tôi cũng đổ đất, xỉ vào khu ao phía sau để khai hoang, mở rộng vườn. Sau đó, không thấy chính quyền đến đo, xác định diện tích đất và gia đình tôi ở cố định từ đó đến nay".

Giấy xác nhận đã nhận hồ sơ năm 1989 của ông Hoàn.

Năm 2003, ông Hoàn tiếp tục làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chính quyền thông báo, hộ ông Hoàn phải nộp tiền diện tích chênh lệch là 30,4 m2 mới được cấp sổ đỏ. Ông Hoàn không chịu và cho rằng ông đã khai hoang lấn ao trước năm 1993 và không đặt câu hỏi cơ sở nào để cho rằng diện tích lấn chiếm là 30,4 m2 ?

Phát hiện mạo danh giấy tờ

Khi ông Hoàn lên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Vinh thì ông "tá hỏa" khi trong hồ sơ xin cấp sổ đỏ của ông có Giấy giải trình (Phần lấn chiếm chênh lệch giữa kết quả đo hiện trạng với diện tích ghi trong giấy tờ của gia đình lâu nay đang sử dụng) giả lập. Giấy giải trình này lập vào năm 2003, giả chữ ký của ông Hoàn, nhưng lại có xác nhận đóng dấu của ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi lúc bấy giờ.

Nội dung trong giấy giải trình diện tích chênh lệch 30,4m2 với lý do: "Tăng do lấp ao rau muốn hố sâu năm 1991. Đo năm 1993 do cây cối bờ bụi rậm rạp chưa phát quang. Năm 1993 đo bằng thước dây,khi đo chủ nhà vắng nên không chính xác. Gia đình sử dụng đất từ năm 1989 đến nay ổn định không có tranh chấp".

Sau khi gửi nhiều đơn thư đề nghị giải quyết cấp sổ đỏ, năm 2007, ông Hoàn lại nhận được văn bản trả lời của UBND TP Vinh yêu cầu ông phải hộp tiền sử dụng đất chênh lệch là 57,6 m2, mới cấp sổ. Gia đình ông Hoàn không đồng ý. Đến năm 2012, UBND TP Vinh giao UBND phường Lê Lợi làm rõ nguyên nhân tăng, giảm diện tích đất gia đình ông Hoàn. Ngày 19/5/2013, UBND phường Lê Lợi tổ chức cuộc họp tổ dân cư nơi gia đình ông Hoàn cư trú thì tất cả người dân đều phát biểu, cho biết ông Hoàn cơi nơi, khai hoang đất phía sau nhà từ năm 1991.

Tuy nhiên, gia đình ông Hoàn vẫn không được cấp sổ đỏ. Ngày 5/2/2015, UBND phường Lê Lợi lại tổ chức cuộc họp tổ dân cư, nhưng không mời gia đình ông Hoàn dự họp mà lại mời thêm một số người ở khối 5. Tại cuộc họp này, bà con khối 4 - khối gia đình ông Hoàn ở lại tiếp tục cho biết gia đình ông lấp ao sau nhà từ năm 1991, chỉ có một số người khối 5 thì cho rằng gia đình ông Hoàn lấp ao, lấn đất sau năm 1993.

Người dân xác nhận gia đình ông Nguyễn Trần Hoàn san lấp ao, khai hoang trước năm 1993.

Từ đó, đến nay, gia đình ông Hoàn không được cấp sổ đỏ. Ông Hoàn cho rằng: "Tôi khai hoang, cơi nơi trước năm 1993, theo luật thì phải cấp sổ đỏ cho tôi, nhưng họ đang "hành" tôi. Thứ hai là chính quyền phường đưa hồ sơ, bản đồ đo đất năm 1993 để xác định diện tích chênh lệch gia đình tôi. Nhưng khi đưa hồ sơ lưu ra thì năm 1993 họ đến đo khi đình tôi đóng cửa đi làm sao họ đo được chính xác. Chúng tôi không có sự chứng kiến, không có chữ ký khi đo đất thời điểm năm 1993 thì sao chính xác được".

Cán bộ địa chính phường Lê Lợi cho biết: "Việc ai đó làm giấy giải trình diện tích chênh lệch của ông Hoàn chúng tôi mới về làm việc nên không biết. Đúng là trong hồ sơ, bản đồ đo đất năm 1993 không có chữ ký của ông Hoàn, nhưng đây là căn cứ để chúng tôi xác định diện tích đất. Trước năm 1993, gia đình ông Hoàn đang còn khó khăn chưa có tiền để thuê xe chở đất về lấn ao rất sâu. Tuy nhiên, gia đình ông Hoàn phải có giấy tờ chứng minh san lấp, lấn ao trước năm 1993 mới giải quyết được...".

Lãnh đạo thành phố Vinh cho biết: “Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải bắt đầu từ xã, phường. Nếu xã, phường không thống nhất thì thành phố sao cấp được. Vì vậy trường hợp của ông Hoàn, nếu không đồng ý thì có thể khiếu nại bắt đầu từ phường”.

HOÀNG TÙNG-NAM XUÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh