THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:11

TP. Hồ Chí Minh: Dự án chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất, Kênh Hy vọng "hồi sinh" ?

TP. Hồ Chí Minh: Dự án chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất,  Kênh Hy vọng "hồi sinh" ? - Ảnh 1.

Toàn cảnh sân bay Tân Sơn Nhất.

Giải bài toán "vốn" cho dự án chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh (BQLDA) đã báo cáo HĐND Thành phố về tiến độ dự án chống ngập tại kênh Hy Vọng (phường 15, quận Tân Bình), nhằm chống ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Dân Sinh, dự án hiện đang vướng mắc về việc thoả thuận ranh giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến tiến độ bị kéo dài.

Dự án chống ngập tại kênh Hy Vọng (phường 15, quận Tân Bình), nhằm chống ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo thông tin từ BQLDA, dự kiến trong tháng 10/2019, các đơn vị liên quan sẽ thống nhất ranh GPMB điều chỉnh. Sau đó, đơn vị sẽ cập nhật tiến độ làm cơ sở đăng ký kế hoạch vốn và trình thẩm định phần xây lắp theo quy định.

Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ dự án, BQLDA cũng đã kiến nghị UBND Thành phố cho phép lập chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy vọng bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố nhằm giải quyết thoát nước, chống ngập úng cho sân bay.

Dự án cải tạo kênh Hy Vọng dài hơn 1,8 km kết hợp làm đường giao thông 2 bên tạo điều kiện tiêu thoát nước chống ngập cho lưu vực sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng.

TP. Hồ Chí Minh: Dự án chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất,  Kênh Hy vọng "hồi sinh" ? - Ảnh 3.

Kênh Hy Vọng là hướng thoát nước chính ở phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, dự án cải tạo kênh Tân Trụ từ đường Phạm Văn Bạch đến kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) dài hơn 1,4 km cũng đang được đề xuất thực hiện ở giai đoạn 2020 - 2022 với tổng mức đầu tư 530 tỷ đồng.

Trước đó, vào giữa năm 2016, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định phê duyệt dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP. Hồ Chí Minh sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó có mạng mục cải tạo kênh Hy Vọng với chiều dài hơn 1,8 km, thời gian thực hiện giai đoạn 2016 - 2021.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2017, UBND TP. Hồ Chí Minh có thông báo kết thúc dự án không sử dụng vốn ODA và WB, do vậy cần phải bố trí nguồn vốn khác để tiếp tục thực hiện.

Kênh Hy Vọng được "hồi sinh"? 

Theo đó, đến giữa tháng 8/2018, Trung tâm điều hành chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn ngân sách Thành phố với mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.

Dù vậy, đến nay dự án vẫn đang còn gặp nhiều vướng mắc trong công tác GPMB, cũng như gặp khó khăn về nguồn vốn và thủ tục đầu tư.

Tình trạng xả thải, cơi nới lấn chiếm đã khiến dòng kênh bị "bức tử" nghiêm trọng.

Kênh Hy Vọng là hướng thoát nước chính ở phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng những năm qua tình trạng xả thải, cơi nới lấn chiếm đã khiến dòng kênh bị "bức tử" nghiêm trọng, đe dọa đến vấn đề ngập nước sân bay Tân Sơn Nhất cũng như ô nhiễm môi trường ở khu vực này.

Ô nhiễm nguồn nước ngầm có thể xảy ra, khi xung quanh tuyến đường Nguyễn Phúc Chu, Phan Huy Ích (quận Tân Bình) có các xóm trọ lâu năm, quán rửa xe, chợ tự phát… Phần lớn rác thải sinh hoạt bị người dân bỏ trực tiếp xuống kênh Hy Vọng nên nguy cơ nhiễm bệnh từ nguồn nước là rất cao.

Một người dân cho biết: "Con kênh bị ô nhiễm đã lâu, càng ngày rác thải đổ về càng nhiều, nước kênh bốc mùi hôi khó chịu. Tới mùa mưa, dòng nước đen, rác chảy vào nhà, côn trùng sống quanh dòng kênh thì bất kể mưa nắng cũng tìm về trú ẩn",

Kênh Hy vọng hồi sinh không chỉ giải bài toán ngập nước cho sân bay, mà còn là niềm vui của những người dân sống trên khu vực này.



HẢI LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh