THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:20

Thanh Hóa: Nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường mang tính bền vững

Từ đầu năm đến nay, Thanh Hoá tập trung tăng cường công tác kiểm tra nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Thực hiện tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ đã được cấp phép theo quy định. 

Đôn đốc các đơn vị Giấy phép khai thác đã hết hạn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp lại giấy phép và hướng dẫn các đơn vị không còn nhu cầu khai thác mỏ lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định, rà soát, kiểm tra thu hồi giấy phép đối với các đơn vị vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản. 

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý và kiến nghị xử lý các vi phạm pháp luật về Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Triển khai giám sát môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Rà soát, phân loại các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải yêu cầu dừng hoạt động hoặc phải di dời vào các Khu công nghiệp, Cụm công để ổn định sản xuất và bảo vệ môi trường. Tăng cường hoạt động quan trắc, dự báo diễn biến chất lượng môi trường, xác định kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách của tỉnh.  

Thanh Hóa: Nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường - Ảnh 1.

Các cấp, các ngành của TP Sầm Sơn cùng tham gia Lễ ra quân "Hãy làm sạch biển năm 2019"

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa Hoàng Văn Thế cho biết: "Sáng ngày 24/8/2019, tại bãi biển TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Lễ ra quân "Hãy làm sạch biển năm 2019" với chủ đề "Chung tay vì môi trường biển không rác thải nhựa". Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trung bình 1 ngày người dân thải ra môi trường khoảng 345 tấn rác thải từ nhựa (tương đương 0,1kg/người)". 

"Với khối lượng chất thải nhựa và túi nilon được sử dụng và thải bỏ hàng ngày lớn như vậy, nhưng việc quản lý lượng chất thải này vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn. Thanh Hóa có 102km đường bờ biển, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển nhưng kéo theo sự phát sinh một lượng lớn chất thải vào môi trường. Đặc biệt là tình trạng sử dụng quá mức dụng cụ sinh hoạt, vật tư bằng nhựa, rác thải nhựa và túi nilong khó phân hủy ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực đến môi trường biển. Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề cấp bách toàn cầu, cần có sự chung tay, góp sức của tất cả chúng ta" - ông Thế nhấn mạnh.

Trong những tháng cuối năm 2019, ngành Tài nguyên Môi trường Thanh Hóa tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bám sát cơ sở; chỉ đạo, đôn đốc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nâng cao vai trò, trách nhiệm tham mưu cho UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn; kiên quyết xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm.  

Thanh Hóa: Nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường - Ảnh 2.

Ra quân "Hãy làm sạch biển năm 2019" với chủ đề "Chung tay vì môi trường biển không rác thải nhựa" tại bãi biển Sầm Sơn

Tăng cường công tác tuyên truyền

Năm 2019, ngành tài nguyên và môi trường Thanh Hoá đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông  đoàn thể của tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững. 

 Năm 2019, Thanh Hoá đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ biển và Hải đảo Việt Nam... Phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn, tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường nông thôn cho các xã xây dựng nông thôn mới năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. 

Tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường, việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, doanh nghiệp. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường, lối sống xanh, tiết kiệm năng lượng, trồng rừng, cây xanh... 

Đồng thời phát động rộng rãi đến các địa phương, đơn vị ra quân làm vệ sinh môi trường trong khu dân cư, bãi biển, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ; khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích cộng đồng, tổ chức tọa đàm, tập huấn về công tác bảo vệ môi trường... 

Không chỉ dừng lại ở việc phát động các phong trào, để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; rà soát, chấp nhận các dự án đầu tư theo mục tiêu không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế...

Từ nay đến cuối năm 2019, ngành tài nguyên và môi trường Thanh Hoá tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường đến các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần vào phát triển bền vững.

Thu Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh