TP. Hồ Chí Minh: Chi gần 500 tỷ đồng để nâng "rốn ngập" đường Nguyễn Hữu Cảnh lên 1,2m liệu có hết ngập?
- Y học 360
- 21:41 - 04/10/2019
Theo đó, ngày 3/10, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh (đơn vị chủ đầu tư) đã tổ chức họp báo thông tin về việc khởi công thi công công trình sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (nối từ quận 1 đến quận Bình Thạnh).
Tại cuộc họp, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã khảo sát, trao đổi với người dân và nhận được sự đồng thuận khi nâng cao độ mặt đường. Phương án khắc phục là xây bậc tam cấp hoặc làm đường dốc để người dân và phương tiện đi lại dễ dàng.
Dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh có chiều dài toàn tuyến gần 3,2 km. Dự án sẽ nâng cao mặt đường ở những nơi bị lún. Trong đó, khoảng 500 m đường bị lún sẽ được nâng từ 0,5 m đến 1,2 m nhằm đảm bảo yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên và cốt nền quy hoạch.
Cụ thể, dự án sẽ tiến hành nâng cấp sửa chữa cải tạo hư hỏng nền đường, mặt đường hiện hữu; cải tạo xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước mới song song với hệ thống thoát nước cũ; xây dựng hệ thống chiếu sáng, công trình hạ tầng kỹ thuật và tổ chức giao thông đồng bộ; sửa chữa một số hạng mục khác dọc tuyến đường nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, để thực hiện dự án sẽ có khoảng 60/459 cây xanh (yếu, cụt ngọn) bị đốn nhưng khi dự án hoàn thành 130 cây mới sẽ trồng bổ sung, dự kiến sau khi hoàn thành, mảng xanh nơi đây sẽ được tăng thêm khoảng 20% so với số lượng cây đang hiện hữu (hiện tuyến đường có 459 cấy xanh).
Trong quá trình thi công, đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ cầu Văn Thánh 2 đến hết phạm vi nút giao cầu Thủ Thiêm sẽ bị hạn chế lưu thông, Sở GTVT sẽ phân luồng các phương tiện qua đây theo các tuyến phù hợp.
Theo đó, xe máy sẽ được lưu thông qua hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh và cấm ôtô đi trên đường hướng từ Ngô Tất Tố đến chân cầu vượt. Lộ trình thay thế: Ngô Tất Tố - (rẽ trái) Nguyễn Hữu Cảnh - (quay đầu hẻm 113) Võ Duy Ninh - hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh hoặc Ngô Tất Tố - Trần Quang Long hoặc Nguyễn Văn Lạc - Phạm Viết Chánh - Nguyễn Hữu Cảnh.
Cũng tại cuộc họp, đánh giá về việc tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh sau khi sửa chửa xong và việc thuê máy bơm chống ngập, ông Nguyễn Vĩnh Ninh - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, mục tiêu của dự án là giải quyết "rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh. Vì vậy, khi công trình hoàn thành, chắc chắn trục đường này không còn ngập vì đã được tăng cường cống thoát nước, cửa xả.
Tuy nhiên, một số khu vực được thiết kế trên lưu vực thoát nước nhỏ nên vẫn cần máy bơm, máy bơm chống ngập không chỉ xử lý ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh mà xử lý trên diện rộng hơn. Nhưng khi làm xong tuyến đường sẽ báo cáo để TP. Hồ Chí Minh có hướng xử lý vì việc ký thuê máy bơm thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Ninh cho biết thêm.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh do Công ty sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Thanh niên xung phong (Lực lượng Thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư. Tuyến đường được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2002, đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho thành phố và góp phần chỉnh trang đô thị.
Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm thành phố, có tổng vốn đầu tư gần 420 tỷ đồng. Tuy nhiên nhiều năm qua nơi đây được xem là "rốn ngập" của thành phố, bởi mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường là tuyến đường (phía quận Bình Thạnh) biến thành sông, có khi ngập sâu cả mét khiến các phương tiện ô tô, xe máy chết máy hàng loạt, cuộc sống của người dân hai bên đường cũng hết sức khổ sở vì thường xuyên ngập nước.
Ở một diễn biến liên quan, UBND Thành phố vừa có công văn khẩn gửi Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố (thuộc Sở Xây dựng) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung về việc nghiệm thu, thanh toán chi phí thuê dịch vụ bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh.
UBND Thành phố cũng giao Sở Xây dựng kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của máy bơm chống ngập trong thời gian qua, đặc biệt làm rõ thông tin vẫn còn xảy ra tình trạng ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh sau những trận mưa lớn (trận mưa lớn gần nhất vào tối 1.10); báo cáo nguyên nhân và đề xuất UBND Thành phố giải pháp xử lý nếu vẫn còn xảy ra tình trạng ngập. Đồng thời, Sở Xây dựng phối hợp các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, công bố bộ định mức đơn giá chống ngập theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố.
Về việc này, đại diện Trung tâm chống ngập Thành phố cho biết, đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố. Còn giá thuê dịch vụ chống ngập với Tập đoàn Quang Trung các bên vẫn chưa chốt được.
Trước đó, đơn giá thuê máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh được chủ đầu tư đề xuất là hơn 24,4 tỷ đồng mỗi năm (mức giá trên đã giảm 5%), thời gian cho thuê là 7 năm (171 tỷ đồng).
Máy bơm chống ngập có công suất lên đến 97.000 m3 mỗi giờ được Công ty Quang Trung đề xuất chính quyền Thành phố cho lắp đặt để chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh với cam kết "không hết ngập không lấy tiền".
Được lắp tháng 9/2017, máy bơm chính thức vận hành từ ngày 2/10/2019 và "cơ bản mang lại hiệu quả", giúp giảm ngập, các xe qua lại tuyến đường thuận tiện hơn. Tuy nhiên, trong nhiều lần vận hành bơm khi trời mưa và triều cường lên, đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn xảy ra ngập rất nhiều lần, thậm chí có những lần mưa nhỏ đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn bị ngậm, mưa lớn kết hợp triều cường đường Nguyễn Hữu Cảnh không khác một dòng song.