TP. Hồ Chí Minh: Công tác Phòng, chống mại dâm còn vướng những bất cập
- Pháp luật
- 22:36 - 30/11/2019
Chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm"
Theo số liệu thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có trên 3.200 người nghi vấn hoạt động mại dâm, gần 9.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội và còn 17 tuyến đường thuộc 19 phường/xã, quận/huyện khoảng 100 người hoạt động mại dâm nơi công cộng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của của phóng viên báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân sinh) thì những số liệu thống kê đấy chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Chuyện gái mại dâm đứng đường trên các tuyến đường An Dương Vương (quận 6), đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), cầu Thị Nghè (nút giao giữa quận 1 và quận Bình Thạnh), đường Nguyễn Oanh, Phan Văn Trị (quận Gò Vấp).… thì ai cũng nhìn thấy nhưng cũng có nhiều tụ điểm hoạt động trá hình, biến tướng không phải ai cũng dễ nhận ra nếu không có "cò mồi".
Để tìm hiểu về hoạt động biến tướng mại dâm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phóng viên đã dạo quanh những tuyến đường có gái mại dâm hành nghề. Theo ghi nhận, khoảng 22h các gái mại dâm ăn mặc hở hang, kéo nhau ra các điểm hẹn đứng đường để chào mời khách nam đi ngang qua, giá bán dâm của các gái mại dâm này từ 300.000 đến 500.000 đồng/lượt.
Đó chỉ là một số lượng nhỏ gái hành nghề mại dâm, đặc biệt lượng lớn là gái mại dâm hoạt động núp bóng trong các quán cà phê đèn mờ, hớt tóc thanh nữ. Cũng có điểm bị triệt xóa, cũng có nhiều chủ chứa bị đi tù nhưng rồi quán đèn mờ vẫn mọc lên, tiệm hớt tóc không cần kéo cũng đua nhau mở. Có điều, nếu như trước đây mua dâm tại chỗ thì nay người chủ tạo điều kiện để nhân viên ra ngoài bán dâm.
Bán dâm thời công nghệ số
Hiện nay, hoạt động mại dâm phổ biến nhất tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ là các hành vi khiêu dâm, kích dục, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, mại dâm có yếu tố người nước ngoài và hiện tượng môi giới mại dâm trên mạng internet (zalo, facebook, web…), đặc biệt khó kiểm soát nhất là các nhóm đối tượng dàn cảnh bán dâm để cướp tài sản của khách mua dâm.
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, không khó để nhận thấy gái mại dâm hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh, chỉ cần truy cập đúng tên web "chợ tình" công khai thì khách hàng có nhu cầu có thể thoải mái lựa chọn các cô gái ứng ý sau đó có thể kết nối với nhau qua zalo để thương lượng giá và chốt địa điểm gặp nhau.
Thông qua wed "chợ tình" phóng viên bắt chuyện được với một cô gái, qua trao đổi cố gái này cho biết mình tên N. T. T. K (sinh năm 2001) quê ở Đồng Nai, hiện đang là sinh viên. K. rời quê lên TP. Hồ Chí Minh để học đại học và làm thêm nhiều công việc nhưng bị gò bó thời gian và thu nhập thấp nên cô đã được mấy người chị chung nhà xóm trọ giới thiệu đến làm việc tại quán massage. Chính từ đây K. đã dấn thân vào con đường bán dâm. Sau một thời gian hoạt động bán dâm núp bóng massage thấy còn ít khách K. đã kết nối với các trang web đăng thông tin cá nhân lên web để có nhiều khách liên hệ mua dâm tăng thêm thu nhập.
Không những vậy hiện nay K. và một số người bạn còn lập nhiều "nick ảo" trên zalo, facebook đăng ảnh sexy rồi kết bạn với nhiều người để kết nối bán dâm và môi giới mại dâm…
Từ đầu năm 2019 đến nay, các Đoàn, Đội, Tổ kiểm tra liên ngành Văn hóa -Xã hội từ Thành phố đến quận/huyện, phường/xã… đã tổ chức kiểm tra 6.284 lượt cơ sở, phát hiện 3.886 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội (trong đó có 121 có sở vi phạm liên quan đến mại dâm và khiêu dâm) xử phạt hành chính 3.154 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 25 tỷ đồng.
Không những vậy từ đầy năm đến nay Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chi Minh đã khởi tố 18 vụ, 19 đối tượng; đề nghị truy tố 15 vụ, 17 đối tượng. Tòa án nhân dân Thành phố xét xử 16 vụ, 17 đối tượng liên quan đến tệ nạn mại dâm.
Những vướng mắc trong công tác phòng, chống mại dâm
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, công tác phòng, chống mại dâm vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống mại dâm, chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt dẫn đến tình trạng tồn tại các tụ điểm, tuyến đường hoạt động mại dâm.
Lực lượng cán bộ phòng, chống mại dâm cấp cơ sở hiện nay hầu hết là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi công việc, thiếu kinh nghiệm… đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả trong công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương.
Hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm (Pháp lệnh phòng chóng mại dâm năm 2003, Nghị định số 178/2004/NĐ-CP) ban hành hơn 15 năm nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định, không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống mại dâm trong tình hình mới. Cụ thể như: Chưa quy định điều chỉnh, xử lý hành vi "mại dâm đồng tính", quan hệ tình dục nam với nam, quan hệ tình dục nữ với nữ, kể cả quan hệ tập thể nam với nam, nữ với nữ không thuộc khái niệm quan hệ tình dục (giao cấu) nên không thể xử lý hình sự về các tội liên quan đến mại dâm hay xử lý vi phạm hành chính về hành vi đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ để xảy ra tệ nạn mại dâm tại cơ sở quản lý.
Về chính sách hỗ trợ cho người bán dâm như Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị quyết số 24/2012/NQ-QH13 quy định không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm chưa có các dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm xã hội của người bán dâm tại cộng đồng. Cụ thể các chương trình can thiệp cho nhóm người bán dâm dựa trên quan điểm tiếp cận mới (bảo đảm sự bình đẳng chú trọng các hỗ trợ xã hội thúc đẩy việc đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội, tạo cơ hội để người bán dâm thay đổi công việc…) còn đang trong giai đoạn thí điểm, triển khai chưa đồng bộ, số người được tiếp cận dịch vụ còn rất ít.
Từ tháng 9/2019 đến cuối năm 2019 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống mại dâm bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, rong đó tập trung các hoạt động truyền thông hướng đến thay đổi hành vi của người vi phạm.
Tăng cường phối hợp Kiểm tra Liên ngành văn hóa - Xã hội từ Thành phố đến quận/huyện, xã/phường, thị trấn…kiên quyết xử lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ biến tướng, trá hình của mại dâm.
Tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ, Bộ/ ngành Trung ương xem xét, bổ sung các quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với đặc điểm tình hình công tác phòng, chống mại dâm trong giai đoạn mới.