THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:35

Tội phạm ấu dâm phức tạp, vì sao trẻ em Nhật Bản có thể đi học một mình?

 

Một hình ảnh thường thấy ở Nhật Bản, ngay cả ở các thành phố lớn như Tokyo, Nagoya, Osaka… đó là rất nhiều trẻ nhỏ tự mình đi tới trường bằng các phương tiện khác nhau như tàu điện ngầm, xe buýt hay đi bộ. Thông thường cha mẹ ở Việt Nam hiếm khi để trẻ dưới 10 tuổi tự do ra ngoài mà không có sự giám sát. Vậy cha mẹ Nhật dựa vào đâu để tin rằng con mình an toàn khi đi học một mình?

 

ảnh 1

Trẻ em ở Nhật Bản tự đi bộ tới trường ngay từ lớp 1.


Sự chuẩn bị của cha mẹ Nhật

Người Nhật được biết đến với phương pháp dạy con vô cùng khoa học và độc đáo, tạo ra những đứa trẻ tự lập trên nhiều phương diện. Trước khi năm học mới bắt đầu vào đầu tháng 4, cha mẹ Nhật có con vào lớp 1 thường dành cả tháng đi cùng và hướng dẫn trẻ tới trường như giúp con biết cách qua đường, đi vào phần đường dành cho người đi bộ hay cách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Cụ thể hơn, nhiều cha mẹ đã ước tính quãng thời gian di chuyển giữa trường học và nhà, sau đó trong những tuần đầu tiên của năm học, nhiều phụ huynh của học sinh lớp 1 sẽ chờ con đâu đó dọc theo tuyến đường về nhà.

Cha mẹ Nhật cũng rất chú ý hướng dẫn con về các cửa hàng và các tòa nhà công cộng khác mà đứa trẻ có thể chạy trốn hoặc tìm sự trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, cha mẹ cũng dạy cho con mình cách giao tiếp, chào hỏi những người bán hàng địa phương và những cư dân sống dọc tuyến đường mà bé đi học hàng ngày để “quen mặt”.

Đặc biệt, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cha mẹ Nhật thường trang bị các thiết bị định vị GPS để có thể biết được vị trí của con mình. Vạt màu vàng trên ba lô, đồng phục hoặc khăn, mũ cũng giúp cộng đồng nhận biết được sự hiện diện của trẻ nhỏ, nhờ đó các em được theo dõi chặt chẽ hơn, đảm bảo sự an toàn cao nhất có thể.

 

ảnh 2

Trẻ em Nhật Bản nhận được rất nhiều sự trợ giúp trên đường tự tới trường.


“Ngôi nhà bảo vệ trẻ em”

Một số nơi như các cửa hàng và nhà ở tại Nhật Bản được đánh dấu bằng chuỗi ký tự "Kodomo 110 - ban no ie". Đây là một phương pháp độc đáo và hiệu quả mà người Nhật đã sáng tạo để hạn chế nguy cơ trẻ em bị xâm hại, dụ dỗ hay tấn công trên đường đi học. Ngôi nhà bảo vệ trẻ em - Kodomo 110 ban no ie có nghĩa bất cứ khi nào cảm thấy nguy hiểm, các em có thể ẩn náu và được bảo vệ cho đến khi cảnh sát đến.

 Hình thức bảo vệ trẻ em này diễn ra rộng khắp đất nước Nhật Bản. Chủ nhân của những ngôi nhà này phối hợp với chính quyền, trường học và gia đình các em trong chiến dịch Bảo vệ trẻ em khỏi người xấu, nhất là những tên tội phạm ấu dâm.

Để đủ điều kiện trở thành “Ngôi nhà bảo vệ trẻ em”, những ngôi nhà này sẽ được kiểm tra về tính an toàn, sau đó các em học sinh sẽ được giáo viên đưa đến tận nơi để xác nhận từng ngôi nhà nằm trên tuyến đường đi học của mình. Các buổi huấn luyện sau đó được tổ chức với sự tham gia của chủ nhà, học sinh nhằm nâng cao khả năng xử lý các tình huống khi gặp nguy hiểm của trẻ.

Nỗ lực của cả cộng đồng

Hầu hết các trường học ở Nhật Bản đều có những người đứng tại các giao điểm gần trường và sử dụng cờ để giúp học sinh qua đường an toàn. Một số trường có quy tắc không về nhà để lấy một vật bị bỏ quên, kể cả là sách vở, một khi đứa trẻ đã đi học. Bởi một đứa trẻ đi bộ ra khỏi trường có thể trở thành mục tiêu cho tội phạm.

Các trường học cũng khuyến khích các em nên luôn đi cùng một tuyến đường đi và về. Quy tắc này sẽ giúp cha mẹ tìm con một cách dễ dàng hơn khi bé về muộn. Một số trường tiểu học công lập đã thử nghiệm hệ thống  tự động “touch in, touch out” (chạm tay để kiểm tra sự hiện diện của bé tại trường học) và gửi email cho các bậc cha mẹ về những điều bất thường.

Liệu có an toàn tuyệt đối?

Nhật Bản được biết đến là một quốc gia có tỉ lệ tội phạm rất thấp, đặc biệt là tội phạm giết người có tỉ lệ thấp nhất trong các nước phát triển (theo nghiên cứu do Canada công bố vào năm 2012). Trong khi đó tính cộng đồng tại Nhật lại rất cao. Một đứa trẻ khi ra ngoài hiểu rằng chúng có thể dựa vào cộng đồng  để giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp. Điều này chắc chắn là một lý do chính khiến cha mẹ Nhật cảm thấy tự tin để con mình đi học một mình.

 

ảnh 3

Song dù Nhật Bản nổi tiếng an toàn, không ai đoán trước được nguy cơ nào rình rập khi trẻ nhỏ đi học một mình.


Tuy nhiên, gần đây đã xảy ra khá nhiều vụ án mà nạn nhân là những đứa trẻ đang tự mình đi đến trường. Vụ cô bé người Việt Lê Thị N.L học sinh lớp 3 sống ở Mastudo, tỉnh Chiba bị sát hại mới được phát hiện đã đặt ra dấu hỏi về độ an toàn của trẻ em khi đi học một mình, nhất là trong bối cảnh tội phạm ấu dâm diễn biến khá phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Năm 2013, ba đứa trẻ (hai em sáu tuổi và một em bảy tuổi) cũng đã bị đâm trong cuộc tấn công bên ngoài trường học của các em ở thủ đô Tokyo.

Liệu các bậc cha mẹ tại Nhật Bản có cảm giác sai lầm về an ninh hay không khi những vụ án xâm hại trẻ em gần đây như một tiếng chuông cảnh bảo về mức độ nguy hiểm khi để trẻ đi học một mình? Chắc hẳn các bậc phụ huynh đã lựa chọn giữa việc khuyến khích con tự lập, chủ động khám phá thế giới và sự an toàn của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ phải cân nhắc tùy hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương mà đưa ra sự lựa chọn sáng suốt cũng như chuẩn bị tâm lý, khả năng tự vệ hoặc các công cụ trợ giúp để có thể đảm bảo sự an toàn cho con mình.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh