THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:07

Cộng đồng vào cuộc để phòng ngừa, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục

 

Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Trần Thị Thanh Thanh; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan; Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cùng đại biểu các bộ, ngành và Hội Bảo vệ quyền trẻ em các tỉnh về dự Diễn đàn.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cùng các đại biểu chủ trì Diễn đàn.

 

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm trung bình cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được báo cáo, trong đó có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em). Trong những năm gần đây, số vụ và số trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Đối tượng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người thân, người quen và cả người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bao gồm cả cha đẻ, thầy cô giáo, xâm hại cả trẻ em nam...

Trẻ em là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục bị tổn hại nặng nề về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, thậm chí là tính mạng. Chính vì vậy, công tác bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục nói riêng và bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực nói chung luôn được sự quan tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành. Điều 37 Hiến pháp năm 2013, quy định trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, “nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em dành một chương riêng (Chương IV) về bảo vệ trẻ em quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em; cấp độ bảo vệ trẻ em và trách nhiệm thực hiện; việc thành lập và hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội phạm và hình phạt đối với các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (trong đó có trẻ em).

Cộng đồng cùng lên tiếng để phòng ngừa và bảo vệ trẻ em.

 

Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em, trong đó trọng tâm là tăng cường bảo vệ trẻ em, như: Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (trong đó có các tiêu chuẩn nhằm tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em); Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 -  2015; Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020.

Thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ phối hợp tham gia giám sát, vận động chính sách khuyến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đếnviệc thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và các tổ chức xã hội đã có những đóng góp tích cực trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em dưới nhiều hình thức. Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh:  “Chúng ta có thể có các quy định luật pháp, ban hành các chương trình tốt, điều đó là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là năng lực thực thi luật pháp, là việc thực hiện có hiệu quả chương trình, là sự tham gia tích cực của tất cả các đối tác trong xã hội, gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội đối với việc phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó có vai trò giám sát thực hiện quyền trẻ em của Hội bảo vệ quyền trẻ em”.

Được biết, trong ngày 9/12, Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã có 2 cuộc họp về vai trò của các tổ chức xã hội, các luật sư trong việc bảo vệ trẻ em. Việc chọn chủ đề cho diễn đàn năm 2017: Phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, đã khẳng định nhận thức, định hướng của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội về công tác trẻ em rất giống nhau, cùng mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh