THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:10

Tôi có nghề mới rồi!

* Nhắm mắt đưa chân

Chị Hưng (34 tuổi) sinh ra trên mảnh đất nghèo xác xơ ở Thanh Hóa. Hết lớp 9, không có tiền nộp học tiếp, cô gái bỏ dở con chữ theo cha mẹ ra đồng. Miền đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt luôn thử thách sự chăm chỉ, cần mẫn của những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nương ngô đang thì con gái, cây tốt ngập, hứa hẹn sẽ cho nhiều bắp bỗng nhiên trời đổ mưa, bão gió, chỉ sáng hôm sau, cả vườn ngả rạp. Trồng lúa chỉ để tạm đủ ăn, những ngày giáp hạt còn thiếu đói.

Nghề phụ không có, chăn nuôi lèo tèo vài con gà, con vịt.  Hàng ngày, để có tiền phụ giúp cha mẹ, ngoài thời gian làm ngô, lúa, Hưng vào rừng kiếm củi. Gánh củi trĩu nặng oằn vai chỉ bán được vài ba ngàn đồng. Chưa kể, thi thoảng phải làm lại nhà vì với những ngôi nhà lợp tranh, tường nứa, thì chỉ một mồi lửa nhỏ do vô tình trong sinh hoạt là bùng lên, cháy hết.

Hơn 20 tuổi, gái quê hầu hết đã lấy chồng, nhưng nhà Hưng nghèo quá, chẳng ai hỏi, cô đánh liều ra Hà Nội làm thuê đủ nghề: rửa bát, bưng bê, đóng hàng ở chợ... Quen biết một đoàn tình nguyện, Hưng xung phong lên vùng cao dạy chữ cho các em nhỏ. Ban ngày đi dạy chữ, ban đêm về học bổ túc. Đến hôm nào chợ phiên thì xin nghỉ dạy, ra chợ phụ giúp mấy bà bán phở, mỗi tháng cũng tiết kiệm được vài trăm gửi cho bố mẹ. Ba năm ở vùng cao là quãng thời gian vui vẻ và ý nghĩa nhất trong cuộc đời của Hưng, vừa giúp các em bé học chữ, vừa tranh thủ có bằng lớp 12, Hưng thích lắm.

Nhưng cuộc sống nghèo khó ở quê khiến Hưng chẳng thể yên tâm gắn bó với trẻ em vùng cao, cô lại về Hà Nội, với mong muốn có thêm thu nhập gửi về cho bố mẹ. Một người bạn gái ở trọ cùng đã rỉ tai Hưng: “Chỉ có làm việc ấy mày mới có tiền nhanh”. Mong muốn cha mẹ có một chỗ ở kiên cố, Hưng im lặng gật đầu.

Một người bạn rủ Hưng đi bán dâm           Ảnh minh họa

…Từ lúc sa chân vào vũng lầy, Hưng luôn cảm thấy mặc cảm, sợ hãi. Cô quá hiền lành, đến nỗi liên tục bị quỵt tiền. Khách đến quán cũng chỉ gọi cô lên hát, chứ ít người rủ “đi chơi”. Thành ra, dù rất muốn có nhiều tiền, nhưng tằn tiện lắm, hơn một năm sau cô mới gửi về cho cha mẹ được 30 triệu. So với các cô làm nghề mại dâm khác, con số này là quá “hẻo”. Đủ tiền mua xi măng, sắt giằng móng cho ngôi nhà xây bằng đá (đá tự nhiên, tự người thân khai thác, kéo về làm nhà- PV).

“Những lúc nghĩ đến cô bạn, tôi thấy căm ghét nó lắm. Chính nó đã dẫn tôi vào công việc dơ bẩn này. Tự bản thân tôi còn ghê sợ chính mình, nói gì đến người ngoài nhìn vào. Nhưng, mâu thuẫn lắm, tôi tự hỏi nếu không làm nghề này, biết bao giờ tôi mới có tiền cho bố mẹ làm nhà. Nghèo sẽ vẫn hoàn nghèo”. Hưng tâm sự.

*Lấy chồng, vẫn làm “nghề”

Làm nghề hơn một năm thì Hưng lấy chồng. Chỉ một sáng sau khi cưới, Hưng trở lại nghề. “Tất cả cũng chỉ vì tiền”, Hưng chua chát. Đến bây giờ, không một ai thân thuộc biết Hưng làm nghề này, bởi cô luôn giấu diếm. Làm ở quán karaoke, nhưng không bao giờ cô dám ra ngoài ngồi. Ở trong quán, cô cũng thường chọn chỗ nào tối nhất, và ít người để ý nhất.

Hễ có đoàn khách nào đến là cô phải quan sát, chỉ sợ trong đó có người quen. Khi chủ gọi lên hát, Hưng cũng phải nhìn kỹ, không thấy người quen mới dám vào.

Chồng Hưng làm công nhân, công việc không ổn định; anh ở cùng mẹ già bệnh tật. Vợ chồng Hưng may mắn không phải thuê nhà, nhưng chi phí sinh hoạt thì thiếu khủng khiếp do thuốc thang cho mẹ chồng, con nhỏ. Nếu không “đi khách”, chỉ hát, ông chủ giả cho 15.000đ/một tiếng. Mà đâu phải lúc nào cũng có khách gọi hát. Đành tặc lưỡi làm tiếp.

Hưng nói với chồng, cô đi chở hàng thuê ngoài chợ, ai thuê thì làm, không cố định. Anh cũng không mảy may nghi ngờ. Có lẽ, anh rất tin tưởng vào người vợ hiền lành, chăm chỉ của mình. Hơn nữa, anh cũng thường xuyên phải đi làm xa, dăm bữa, nửa tháng mới về.

Hưng luôn phải sống trong lo sợ bị chồng phát hiện mình là gái bán dâm

Một này làm việc của Hưng bắt đầu từ 2 giờ chiều đến 8,9 giờ tối. Trung bình mỗi ngày cô tiếp 2-3 khách. Hưng buồn buồn kể: hình như khách thấy mình hiền quá nên không nghĩ mình làm “cái việc ấy”. Được ông chủ dắt mối nào thì biết mối đó thôi. Ông chủ biết điều, mỗi lần chỉ thu 15-50 ngàn, tùy theo tiền khách trả. Khách nào “bựa”, ông bảo không nên đi... Ấy vậy, nhưng Hưng vẫn gặp nhiều khách làng chơi quỵt tiền. Có khi họ say quá, hoặc không có tiền, mà Hưng thì ngại, chẳng dám to tiếng, đôi co, đành chịu thiệt về mình.

Đến giờ, cô vẫn sợ nhất một ông khách, phê thuốc, quần thảo tới hơn 1 tiếng đồng hồ, kiểu như “mất tiền mua mâm, đâm cho thủng”. Sau hôm đó, cứ nghĩ với việc ấy là Hưng rùng mình, sợ không dám gần chồng, không dám đi khách tới nửa tháng. Lại có những ông khách, bắt cô nằm im như xác chết, để mặc ông ta làm gì thì làm... “tủi, nhục, ê chề lắm chị ạ”.

*Tôi có nghề mới rồi!

“Nhiều lần tôi tính bỏ nghề, nhưng gia đình liên tục có chuyện nọ chuyện kia. Việc nào cũng cần tiền. Lại không dứt ra được. Bỏ nghề, biết làm gì để sống? Đi bán quần áo thuê cũng chỉ được 2-3 triệu/tháng. Làm nghề, có 5-6 triệu, mới đủ chi tiêu trong gia đình”, Hưng cho biết.

Xác định, nghề này chỉ có thời, trên 30 đã là “quá đát”, lại luôn phải sống trong lo  sợ bị phát hiện, bị kỳ thị khiến Hưng khát khao “đổi nghề”. Nhưng chưa dám bởi bỏ nghề thì biết làm gì để sống?

May mắn đến với cô khi một người bạn giới thiệu Hưng tham gia dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại thành phố Hà Nội”. Tại đây, cô đăng ký học nghề tóc và vừa hoàn thành khóa học 3 tháng. Hưng hào hứng kể: “giờ tôi đã có một cái nghề trong tay, không lo chết đói nữa. Mơ ước của tôi là mở một quán cắt tóc, gội đầu nho nhỏ ở cạnh nhà để tiện chăm sóc gia đình, nhưng chưa có vốn. Cách đây một tháng, tôi xin làm thợ phụ ở một tiệm tóc gần nhà, người ta trả 2 triệu rưỡi/tháng. Vừa làm vừa học, lại có thời gian gần gũi con.

Trước đây, đi làm xa, tôi toàn phải nhờ người đón con, giờ mình có thể chạy qua đón con về bà trông rồi đi làm tiếp. Vui lắm. Từ ngày có nghề mới, tôi bỏ hẳn nghề cũ. Công việc của chồng cũng ổn định hơn rồi. Sướng nhất là không phải lo sợ, đối phó và đề phòng với gia đình, người thân, ông chủ... Tôi thực sự thấy thanh thản và hạnh phúc khi từ bỏ được cái nghề mà chính bản thân mình cũng thấy khinh bỉ đó.

Thảo Vân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh