THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:33

Chuyện ít biết về những “cánh bướm đêm” giữa lòng Thủ đô

 

Vết trượt không điểm dừng

Ngày nào cũng vậy, khi mặt trời vừa khuất những ngôi nhà cao tầng ở khu phố Trung Hòa, Nhân Chính nằm dọc theo tuyến đường Trần Duy Hưng hay dọc một số tuyến đường Tam Trinh, Phạm Văn Đồng… (Hà Nội) có rất nhiều cô gái đứng ở vỉa hè bắt khách. Mỗi người một điệu bộ, độ tuổi khác nhau (tuổi trung bình từ 17- 30).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài số ít những cô có tuổi đứng chờ khách thì hầu hết những cô gái trẻ đều có các ông chủ, bà chủ bảo kê đi kèm theo đó là đội xe ôm chuyên nghiệp sẽ chở đến điểm đã hẹn hoặc đi theo yêu cầu của khách. Ông bạn cùng quê của tôi tên Trúc trọc cũng trong đội quân xe ôm đứng ở đó. Để tiếp cận được với họ mà không bị đám bảo kê hỏi thăm, chúng tôi đã đã mở một cuộc nhậu nho nhỏ để “nhập môn” ra mắt, sau đó họ mới chịu “bảo trợ” để tôi làm cùng.

Diễm My trải lòng sau những đêm dài mệt mỏi tiếp khách (khi đăng ảnh này xóa nhèo mặt)

Sau 3 đêm đầu tiên tôi cố gắng bắt chuyện với các cô gái nhưng không thu được kết quả. Một tuần sau trở đi, có lẽ họ dần quen với sự xuất hiện của tôi nên việc nói chuyện diễn ra khá thoải mái. Họ đều là dân tứ xứ về đây, có người ở Yên Bái, Nghệ An, An Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa... Người làm có thâm niên cũng được chục năm, có người mới chỉ một vài ba tháng…

Trong số những cô gái ở đó, tôi khá ấn tượng với cô gái với biệt danh Diễm My (19 tuổi) - một cô gái còn rất trẻ lại cùng quê với tôi ở miền núi Thanh Hóa nên trò chuyện với nhau có vẻ cởi mở hơn các cô gái khác. Vì cuộc sống khó khăn, nhà đông anh em, My lại là con lớn nên học hết lớp chín em phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình kiếm tiền. Ở nhà được một thời gian thì giữa năm 2012 My theo chân mấy người cùng xóm đi ra Hà Nội tìm việc.

Công việc đầu tiên My làm phục vụ cho một quán café đêm ở phố Đỗ Quang, (Cầu Giấy, Hà Nội). “Với mức lương tháng chưa đầy 2 triệu đồng, trong khi đó hàng tháng phải chi tiền nhà trọ, tiền ăn, rồi tiền quần áo… nên không còn để dành dụm. Trong khi đó bố mẹ ngoài quê liên tiếp gọi điện hỏi, có tiền không gửi về cho mẹ một ít để đóng tiền học cho mấy đứa em”, My tâm sự.

Ban đầu My vay mượn của mấy anh chị làm cùng, nhưng được vài hôm họ lại đòi vì ai cũng khó như mình... My nghĩ cách này không ổn, vì không thể vay mượn của người ta mãi được. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, chợt một buổi tối muộn bà chủ quán và một chị làm cùng gọi vào phòng kín và bày cho cách để kiếm tiền nhanh mà việc lại nhàn….Suốt một tuần đấu tranh tư tưởng, cuối cùng My quyết định xin làm ca đêm ở một quán cafe.

Theo My kể, đêm đầu tiên My đi 3 khách, thu được 700.000 đồng và không có bất cứ chuyện gì xảy ra. Những đêm sau đó một tuần My đã bị mấy tên chân tay của mấy ông chủ, bà chủ bảo kê đến dằn mặt bắt đóng 200.000 “tiền đường”/tuần thì sẽ để cho My yên ổn làm ăn. My thật thà chia sẻ: “Tuy giá bảo kê cao nhưng họ tính hết cho mình rồi anh a, họ thu thì họ sẽ giới thiệu khách nhiều hơn cho mình vì vậy em đành chấp nhận.

Sau khi trừ hết mọi chi phí từ tiền bảo kê, tiền ăn, tiền nhà thì một đêm cũng có được ít nhất 400.000 đồng. Trung bình một tháng em sẽ có khoảng 12 triệu, con số cao hơn rất nhiều khi đi làm phục vụ ở quán café. Với số tiền đó, em dự tính gửi một phần cho bố mẹ ngoài quê nuôi các em ăn học đàng hoàng, còn phần nhỏ em sẽ tiết kiệm lại sau dăm ba tháng bỏ nghề sẽ đi học một nghề nào đó để có cuộc sống ổn định”.

Những tưởng cuộc đời My sẽ êm xuôi và thực tế không đơn giản như cô gái quê này suy tính. Vì không phải ngày nào My cũng gặp may có nhiều hơn một khách. Thậm chí có hôm mưa gió, khách không có mà “phí bảo kê” vẫn phải đóng. Không có tiền, My phải kí sổ vay của chủ bảo kê với lãi ngày cắt cổ. Khi số nợ lên cao, My tính cách vay mượn nhưng chẳng ai giúp được...

Màn đêm buông xuống cũng là lúc những “cánh bướm đêm” đi chào hàng mời khách. 

Có lẽ vì nắm được “quy luật” nên bà chủ nhà hàng cũng biết chuyện nên đã ra tay cứu giúp bằng cách đứng ra lo toàn bộ khoản nợ bảo kê, đổi lại My phải nghe theo mọi việc do bà chủ này sắp đặt… Rơi vào bước đường cùng, My chấp nhận làm phận “bướm đêm” mỗi khi có xe đến đón là phải xách túi lên đường, bất kể mưa nắng, xa hay gần.

Chẳng nhẽ em chấp nhận phận làm “bướm đêm” mãi ư (PV)? My, đã cười trừ rồi ngậm ngùi: “2 năm làm “gái” đã qua, lấy chồng ư? Ai lấy?...chẳng thiết…em giờ cũng chẳng biết sau này đời mình sẽ thế nào nữa? Càng cố “cày” lại càng lún sau vào nhiều mối quan hệ phức tạp, đưa chân ra đâu dễ.”

Cái em sợ nhất bây giờ là bố mẹ ở quê biết chuyện. “Mỗi khi mẹ hỏi em chỉ bảo đang làm công nhân cho nhà máy ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long chứ ai dám nói thật. Nếu bố mẹ biết em làm việc này, khi đó chắc em chỉ còn nước đâm đầu xuống sông Tô Lịch mà chết cho rồi”. Tôi hỏi sao không bỏ trốn đi, em chua chát: “Giấy tờ tùy thân họ (bọn bảo kê - pv) giữ hết rồi, tụi em biết trốn đi đâu bây giờ? Mà trốn được rồi liệu bố mẹ ở quê nữa… đó là chưa kể đến nơi mới sẽ làm việc gì để có tiền gửi về quê cho cha mẹ”.

My cũng kể thêm cho tôi biết, không ít trường hợp “phá hợp đồng bảo kê” nhiều bạn cùng My đã bị bọn chúng đánh cho thừa sống, thiếu chết và dọa cả đến gia đình… Sau khi điều trị vết thương khỏi vẫn phải lết chân ra “đứng đường” bắt khách.

Nỗi buồn chua chát và điệp khúc bị bạo hành

Những ngày làm xe ôm ở đây, tôi còn có dịp tiếp xúc không chỉ với My mà nhiều cô gái khác, họ không cho biết họ tên thật mà bất cứ ai tiếp xúc chỉ với cái tên rất thơ mộng như cô gái: Mộng Hiền (24 tuổi) quê ở Yên Bái, Lan Hồng Lơ Mộng năm nay 28 tuổi,  quê ở tận An Giang…)  họ đã tham gia đội quân “bướm đêm” này tính đến nay đã gần 5 năm.

Theo tâm sự của Mộng Hiền, công việc đặc thù nhạy cảm, đối mặt với dị nghị của dư luận đã đành nhưng đối mặt với lực lượng bảo kê và luôn bị bạo hành đó là mối hiểm nguy nhất nhất mà không ai giúp được.

Mặc dù có bảo kê, nhưng tình trạng các cô bị khách đánh cho bầm dập rồi quỵt tiền hoặc cướp điện thoại di động, các vật dụng cá nhân thường xuyên xảy ra. Nhưng vì miếng cơm, manh áo nên các cô vẫn phải cắn răng chấp nhận.

Khi tôi đề cập đến vấn đề khi quan hệ các cô có sử dụng bao cao su để phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai không? Các cô đều thản nhiên: “Tùy theo nhu cầu của khách làng chơi mà quyết định dùng hay không”. Ở đây có Lan Hồng Lơ Mộng, xinh đẹp, cao ráo nhưng đã bị HIV.

Trong một lần đi khách, trước khi “lâm trận” Lan đã yêu cầu phải dùng bao cao su vì mình đã bị nhiễm. Vị khách đó đã gạt đi và bảo: “Xinh đẹp như em dùng bao thì mất sướng”. Thậm chí còn có người còn vỗ ngực tuyên bố: “Anh khỏe mạnh, vi rút vào anh cũng chết hết, không sợ”. Chính vì thế, có trường hợp đàn ông sau khi phát hiện bị HIV đã tìm đến đây “bắt vạ” nhưng “vạ” chưa “bắt” được thì “má đã sưng”.

Được biết, khu vực này ban an ninh thường xuyên đi kiểm tra, chốt gác để ngăn chặn. Nhưng dân phòng đứng chốt đầu nọ thì các cô lại chạy lại đầu kia. Mặt khác đến 12h khuya không còn bóng dáng dân phòng, các cô lại “lều khều” những cặp chân dài trắng nõn đứng “vô tư” mời gọi khách.

Có một thực tế đáng sợ mà không phải ai cũng được các cô “bướm đem” cũng thổ lộ, đó là không có gì đáng sợ bằng việc các cô gái phải chiều những vị khách tỉnh táo, minh mẫn nhưng lại có sở thích và những hành vi thú tính, quái ác... Với những cô gái làm việc bán dâm, việc bị khách “bùng tiền” hay đánh đập trong trạng thái không thể kiểm soát được (say rượu, phê thuốc kích thích… ) có khi không đáng sợ bằng việc các cô gái phải chiều những vị khách tỉnh táo, minh mẫn nhưng lại có sở thích và những hành vi thú tính, quái ác, chẳng giống người thường.

Bạo hành gái bán dâm còn kinh khủng hơn nhiều lần so với bạo hành tình dục thông thường trong gia đình, bởi giữa những cô gái làm nghề này với “khách hàng” không có mối ràng buộc nào. Hơn nữa, nếu có bị bạo hành, các cô cũng phải âm thầm chịu đựng chứ không thể cầu cứu vào ai…? Liệu ngoài kia có con đường nào ngập nắng giúp những cánh “bướm đêm” không lạc cánh bay về?

- Nghiên cứu mới đây nhất của nhóm nghiên cứu thuộc Viện xã hội học Việt Nam kết luận: “Gái mại dâm cần được bảo vệ”. Bạo hành tình dục với gái mại dâm đặc biệt nghiêm trọng và trở nên nguy hiểm vì họ không có địa chỉ để chia sẻ hoặc giúp đỡ. Vì thế, vấn đề đáng báo động là hiện nay, xã hội chỉ thấy gái mại dâm như là một tệ nạn mà chưa thấy được họ là nạn nhân cần được pháp luật bảo vệ. Chính cách nhìn ấy dang làm gia tăng nạn bạo hành với gái mại dâm và khiến tình hình kiểm soát mua bán dâm trở nên phức tạp hơn.

- Từ nghiên cứu này, theo nhiều nhà nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra biện pháp để giải quyết tình trạng bạo hành với đối tượng gái mại dâm, đó là thông qua các tổ chức xã hội (Hội phụ nữ, cơ quan phòng chống bạo lực…) trang bị cho họ kiến thức để các nạn nhân có thể xử lý khi bị bạo hành. Khi bị ngược đãi, hạ nhục… họ cần phải lên tiếng để bảo vệ quyền sống của chính mình.

Tác phẩm đạt giải Khuyến khích cuộc thi “Khát vọng yêu thương”- Góc nhìn nhân văn về  cuộc sống của những phụ nữ bán dâm

Phạm Văn Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh