CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:28

Đốm lửa trong đêm tàn

 Những dòng nhật ký này tôi là người đầu tiên được đọc nó. Em không biết tôi là ai, làm nghề gì, nhưng khi đã rót tràn ly bia, em không thấy tôi uống mà nhìn em bằng ánh mắt dịu dàng, sau đó tôi lại gần với một thứ tình cảm khác lạ, đó không phải là tình yêu đôi lứa mặc dù em rất đẹp. Nhiều những buổi chiều như thế - sau này em nói - tôi đã neo vào lòng em một bến bờ để sẻ chia nỗi buồn, niềm vui và sự day dứt lớn nhất trên cuộc đời. Đó là mặc dù em bị HIV nhưng em đã có bờ vai để gục vào mà khóc cho thanh thản nỗi lòng.

Em là cô gái sinh ra ở phố núi Tuyên Quang. Người ta có câu “Chè Thái, gái Tuyên”,  MN không phải ngoại lệ, em đẹp đến nao lòng. Nhưng  rồi vòng xoáy giữa cái đẹp - sự nâng niu - chiều chuộng - những lời ong bướm - và cả sự thích được ăn trắng mặc trơn nên em đã bị rơi vào vòng quay của nó lúc nào không hay. Hai mươi tuổi em đã lấy chồng. Nếu đi học chắc em sẽ là một cô sinh viên làm “đổ lòng” bao chàng trai Hà Nội. Nhưng em dính thai nên buộc phải lấy chồng  sớm. Ngày em lên bàn mổ đẻ, sau nhiều xét nghiệm, bác sỹ kết luận: “Cô bị dính HIV”. Người bác sỹ trẻ nhìn cô mà nuối tiếc cho một cuộc đời, một bông hoa phố núi sắp phải khép cánh...

 Một bông hoa phố núi sắp phải khép cánh...       Ảnh minh họa

May thay, đứa bé không việc gì, thế là ông trời có mắt thật rồi. Một lần rót cho tôi ly bia, em nói câu ấy. Chồng MN khi biết tin “bông hoa rừng” của mình đã bị HIV thì buồn chán. Vậy là những câu chuyện về vợ mình thời trẻ và cả khi đã gia đình rồi mà bạn bè nói đúng là sự thật khi mà anh ta mê mẩn cô đến nỗi bỏ ngoài tai tất cả. Học hành dở dang, bỏ gia đình đi đàn đúm, để có tiền làm đẹp, MN đã làm cái nghề bán dâm cho khách làng chơi, người phố núi Tuyên Quang vẫn gọi là “ca ve Lô” vì các điểm MN chọn để hành nghề là nơi thuyền chài trên dòng Lô Giang.

Khi MN biết mình bị căn bệnh thế kỷ, cô không buồn đến mức không thể buồn hơn, cái giá quả của những ngày trác táng, chơi bời, xa hoa thật quá đắt. Chồng cô làm đơn li dị và đi biệt xứ, bỏ lại “bông hoa rừng” đang tàn nhị, bỏ lại đứa con trai bé bỏng và bỏ lại tất cả những gì thuộc về quá khứ. MN phải về ở với bố mẹ đẻ của mình. 

Bố mẹ đẻ của MN cũng đau đến tột độ. Một gia đình gia giáo, nay lại bị vết nhơ không gì che nổi. Họ đuổi cô ra khỏi nhà, người anh trai và chị dâu cũng nhẫn tâm xua đuổi em gái đang lúc khốn cùng: “Mày làm mày chịu, nhà này không có đứa em như thế”…

Mùa lũ, con sông Lô đang cuồn cuộn chảy. Nước từ trên ghềnh đổ xuống đục ngầu, tiếng gầm gào của nó vang vọng suốt cả ngày đêm. Phố núi đã chìm trong đêm núi, cây cầu bắc đôi bờ Lô Giang đã bao lần chứng kiến những nụ hôn đầu của các đôi trai gái trẻ. Nhưng đêm nay dòng xoáy con nước dưới chân cầu sắp chứng kiến một người con gái tự kết liễu đời mình. MN thả ánh mắt u buồn đến cuối cây cầy lần cuối trước khi vĩnh biệt cuộc đời.

Từ đằng xa ấy, cũng một người con trai mang tâm trạng như cô. Vô tình họ cùng nhìn về nhau. Chẳng hiểu tại sao đêm nay, sông vắng đến kỳ lạ, chỉ có hai người đau khổ. Như có gì xui khiến, người con trai bỗng nhiên đi đến bên MN. Khi câu chuyện của họ bắt đầu cũng là lúc họ nhận ra rằng cả hai cùng mắc căn bệnh HIV/AIDS. Chàng trai kia cũng đang tìm đến cái chết. Vậy là hai người cùng ý nguyện bỗng nhiên gặp nhau, chỉ cần đồng lòng, nhất trí, cả hai sẽ nằm lại đáy sông này.

Họ nhìn vào mắt nhau, đêm đen mà như có lửa, cơn gió nhỏ đã thổi bùng ngọn lửa lớn. Họ bỗng hiểu rằng: Trên đời này không gì quý bằng sự sống. sự chia sẻ đã khiến họ đồng cảm đến không ngờ...

Và họ đã yêu nhau. Chàng trai đưa cô gái về giới thiệu với gia đình. Người cha gạt phắt đi. Người mẹ lặng lẽ nhìn hai đứa, nước mắt chứa chan rơi. Làng xóm bảo: Sao chị lại cho con trai lấy đứa bị AIDS về làm vợ thế? Chị lặng thinh, chỉ có chị mới hiểu lòng con, chỉ có chị mới hiểu những phận đời một thời lầm lỗi. Bởi con chị cũng thế, tờ giấy xét nghiệm của con cũng có chữ “Dương tính HIV”  đã chuyển sang giai đoạn cuối.

Chàng trai đưa cô gái về giới thiệu với gia đình      Ảnh minh họa

Đời trai đang đẹp như tranh vẽ, chưa một lần yêu, chưa một lần làm đám cưới, giờ cuộc sống của anh chỉ còn tình bằng ngày. MN lại khác, cô đã một lần làm vợ, đã hiểu sự khao khát một cuộc sống gia đình, cuộc sống chồng vợ, cô hiểu chàng trai. Một ngày nọ, khi những tia nắng thật đẹp trải xuống bờ sân sau mùa đông lạnh giá, mẹ của chàng  trai thấu hiểu được nỗi lòng của MN và ước ao của con mình nên đồng ý cho hai đứa lấy nhau.

Chị nói: Thôi thì cho nó được toại nguyện một đời trai. Để khi về với đất rồi cũng không mang tiếng là “còn tơ”. Đúng một năm sau ngày cưới, chàng trai qua đời, MN nuốt nước mắtvào trong, biết đâu, đến ngày cô theo chồng về đất, chẳng còn ai thương tiếc cho thân cô.  Chị M, mẹ chồng của MN thương cô vô hạn, chị coi MN như con đẻ của mình. Sau khi chồng chết, thêm lần nữa MN bơ vơ giữa dòng đời xuôi ngược, nhưng chị M đã vay vốn, nhờ sự giúp đỡ của anh em, bạn bè và mở một quán bia nho nhỏ để ngày ngày MN bán hàng cho khuây khỏa nỗi buồn. Chính từ cái quán bia đó mà tôi đã biết được số phận, cuộc đời của “bông hoa rừng” một thuở và những câu chuyện thật nhất, riêng tư nhất của MN như những dòng nước mắt cứ chảy tràn trong những cốc bia.

“Mỗi con người chỉ biết và thấy mình được sống duy nhất một lần trên thế giới này, vì thế hãy đừng vì một lỗi lầm nào đó mà loại bỏ người ta, bởi khi cuộc sống của họ đã kết thúc thì sau này có muốn thấy lại hình bóng ấy cũng không bao giờ có được”. Tôi nói một câu vu vơ như thế giữa cơn say trong một chiều nắng gắt tại quán bia của MN.

Một người phụ nữ đứng tuổi lặng lẽ nhìn tôi như ngày đầu tiên tôi nhìn MN, tôi không ngờ đó lại là người mẹ đẻ của cô. Câu nói ấy với người khác chỉ là điều bình thường nhưng đã khía vào đúng những nỗi đau đớn trăn trở của bà, nỗi đau ấy như những giọt máu của chính bà đang ứa ra. Bà gục mặt xuống bàn, khóc cạn nước mắt vì ân hận bởi đã đuổi cô con gái hư hỏng, mắc HIV ra khỏi nhà.

Có những lúc rất riêng, một mình tôi lại đứng trên cây cầu bắc ngang đôi bờ Lô Giang và nghĩ về một mối tình đặc biệt của hai người mắc H. Thực ra mọi thứ chẳng có gì phức tạp, tất cả chỉ là cái nhìn bằng đôi mắt của mỗi con người được thẩm thấu vào trái tim họ thế nào thôi. Giờ đây, được sự cảm thông, chia sẻ, đùm bọc của gia đình, người thân và sự không kỳ thị của cộng đồng, MN vẫn sống, vẫn khỏe, vẫn yêu đời và vẫn hát khúc du dương của một khúc sông thanh bình khi mùa lũ qua đi… 

Đây là một câu chuyện có thật, MN hiện có công việc và thu nhập ổn định, không bị gia đình và cộng đồng kỳ thị, người chồng thứ 2 của cô đã qua đời vì AIDS chính là cháu họ của tôi- tác giả bài viết

Tác phẩm vào vòng chung khảo cuộc thi : “Khát vọng yêu thương”- Góc nhìn nhân văn về  cuộc sống của những phụ nữ bán dâm

-Nguồn ảnh: Internet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh