Tình thật giữa cõi ảo
- Văn hóa - Giải trí
- 14:40 - 13/06/2015
Một ngày trong hộp thư của Leo Leike xuất hiện email gửi lạc của một Emmi Rothner nào đó. Anh lịch sự trả lời. Và vì Emmi thấy thú vị mà cô cũng viết lại…
Cả cuốn truyện 10 chương là những dòng trao đổi thư điện tử, đưa người đọc vào thế giới riêng tư của hai công dân mạng. Cô gái gửi nhầm nhiều lần email yêu cầu cắt đặt báo dài hạn tới hộp thư của chàng trai. Sau những email cắm cảu đầu tiên là những đối đáp ngày càng dí dỏm và người đọc được cung cấp thông tin nhỏ giọt về nhân thân của mỗi nhân vật. Emmi đã có gia đình hạnh phúc theo nghĩa thông thường của xã hội nhưng tối tối vẫn ngủ riêng và có thể viết thư cho người bạn trên mạng vào bất cứ lúc nào. Leo vừa chia tay bạn gái và không có ý định tìm người khác ngay lập tức. Nhưng những trao đổi qua mạng thú vị đến mức cả hai không dứt ra được. Từ chuyện gửi thư qua loa, viết cho nhau đã trở thành một nghi lễ âm thầm giữa hai người. Họ nghiện email của nhau. Cho đến một ngày họ quyết định gặp nhau. Emmi và Leo hẹn nhau ở một quán cà phê đông người với quy ước: không được nhận ra nhau. Chàng trai và em gái đã đóng giả là một cặp tình nhân và anh “nhìn” thấy ba người có thể là Emmi qua miêu tả của cô em gái. Còn Emmi thấy không có ai “ra mặt đàn ông” trừ chàng trai dễ thương với cô người yêu ở góc quán - chính là Leo. Hai người đã không nhận ra nhau. Sau cuộc hẹn, họ lại tiếp tục tự do tưởng tượng về nhau và yêu nhau từ bao giờ không biết…
Bìa cuốn sách "Cưỡng cơn gió bấc"
Điều gì đã làm tác phẩm của nhà văn Áo Daniel Glattauer bán được hơn một triệu bản và được dịch ra 30 thứ tiếng trên toàn thế giới? Thiết kế bìa đơn giản và cấu trúc câu chuyện từ đầu đến cuối toàn là trao đổi email của tiểu thuyết dễ làm nản lòng một người đọc nóng vội. Nhưng chỉ sau ba trang đầu, người đọc khó có thể rời mắt khỏi cuốn truyện. Không bạo lực, không sex, thậm chí không có cả một hiện thực rõ ràng, thế nhưng nhà văn Daniel Glattauer đã khiến lượng độc giả khổng lồ của ông phải mê đắm với từng trang tiểu thuyết. Chính tác giả đã tiết lộ: “Ban đầu tôi chỉ định viết hai mươi, hoặc ba mươi trang trao đổi email. Thế rồi hình thức biểu đạt này làm tôi thích đến nỗi cả phần sau của cuốn tiểu thuyết đều được thể hiện theo cách đã viết những trang đầu”. Hình thức trao đổi qua email đó đã làm cho tiểu thuyết mang đến những tương tác cảm xúc trực diện và ngay lập tức như kịch nói mà vẫn làm người đọc phải tưởng tượng như khi đọc một tiểu thuyết thông thường.
Daniel Glattauer đã rất thành công khi “cách li” hai nhân vật của mình ra khỏi thế giới hiện thực. Nhà văn đưa họ đến thế giới ảo qua email. Những câu chuyện của họ liên tục bị ngắt quãng trong khuôn khổ của những dòng email thông thường mà hàng triệu triệu người vẫn sử dụng hàng ngày. Qua đó người ta nhận thấy, cuộc sống hiện đại đôi khi đẩy con người vào sự cô đơn cùng cực giữa thế giới thực và người ta đã tìm đến một thế giới ảo đầy ma mị. Sử dụng toàn bộ hình thức email để sáng tạo ra thiên tiểu thuyết “Cưỡng cơn gió bấc”, nhà văn Daniel Glattauer đã ảo hóa triệt để tác phẩm của mình. Với thủ pháp độc đáo ấy, nhà văn dễ dàng thoát ra khỏi tất cả những yêu cầu hiện thực hóa tác phẩm. Cưỡng cơn gió bấc vừa mang tính thể nghiệm của nhà văn nhưng đồng thời cũng là cái giật mình của một người viết mang nhiều dự cảm về sự tồn tại của con người trong thế giới hiện đại.
"... Em trở về phòng mình, định gửi một email cho anh. Em không viết nổi một chữ. Trên màn hình là một dòng chữ thảm hại: "Leo yêu của em, hôm nay em không thể đến với anh, em đang bối rối vô cùng". Em chằm chằm nhìn nó mấy phút liền, rồi lại xóa đi. Em không đủ sức nói lời từ chối với anh. Nó sẽ là lời từ chối với chính em. Leo, đã có một sự kiện xảy ra. Tình cảm của em đã rời khỏi màn hình. Em tin là đã yêu anh rồi. Và Bernhard đã linh cảm được điều đó. Em lạnh quá. Gió bấc quất ngược vào mặt em. Ta sẽ làm gì?..."- Cưỡng cơn gió bấc kết thúc bằng câu hỏi của Emmi. Đó cũng là câu hỏi mà không ít người đặt ra sau khi đọc hết cuốn truyện: thế nào một “gia đình êm ấm” ? Và như thế nào thì gọi là “ngoại tình”? Đâu là chỗ dành cho những phút giây “ngoài chồng ngoài vợ“ ? Liệu người ta có nên dẹp bớt sự hy sinh để trong một khoảnh khắc nào đó được sống cho riêng mình hay nên hy sinh tình cảm riêng để bảo vệ hạnh phúc gia đình?...