THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:06

Tình người trong đại dịch

Cuộc chiến Covid do NSND Lê Hùng đạo diễn dựa trên kịch bản của tác giả Minh Nguyệt, với sự cố vấn chuyên môn y khoa của Bác sĩ, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Lấy cảm hứng từ thực tiễn chống dịch tại Việt Nam, vở diễn cho thấy tinh thần đồng tâm hiệp lực của cả dân tộc trước thách thức dịch bệnh nghiêm trọng.

 Là "lão làng" từng "chinh chiến" với nhiều vấn đề hóc búa để phản ánh thành công trên sân khấu kịch, song NSND Lê Hùng vẫn cảm thấy khá áp lực khi dựng vở liên quan dịch Covid-19, bởi nếu không khéo sẽ dễ thành lên gân, hô khẩu hiệu một cách khô cứng. Có lẽ đó là lý do khiến ê-kíp sáng tạo quyết định không hướng mạch kịch đi theo một cốt truyện cụ thể nào mà phản ánh bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến chống dịch ở nước ta qua những lát cắt sinh động lột tả mọi cung bậc cảm xúc của các tầng lớp xã hội. Ở đó có niềm vui, nỗi buồn, có sự chia ly, mất mát, có cả những mối lo về cơm áo gạo tiền, sự bất an về sinh mệnh... Nhưng vượt lên tất cả là sự đồng lòng, chung sức trong cuộc chiến cam go để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tình người trong đại dịch - Ảnh 1.

Vở diễn “Cuộc chiến Covid” vừa được Sân khấu kịch Lệ Ngọc hoàn thành dàn dựng đã mang đến những thông điệp đầy ý nghĩa về sự đoàn kết vững tâm, về tình người ấm áp trong hoạn nạn...

Thông điệp đầy tự hào ấy được chuyển tải một cách mềm mại mà thuyết phục qua những chi tiết có thật, lấy nguyên liệu từ chính thực tiễn phòng, chống dịch thời gian qua. Khu phố Trúc Bạch (Hà Nội) bị cách ly trở thành bối cảnh để ê-kíp sáng tạo đưa vào những chi tiết đầy xúc động như: cảnh các cụ già nghèo lặn lội từ xa tới để quyên góp mì, gạo, bánh kẹo cho người dân; cảnh trai gái hẹn hò phải đeo khẩu trang, lo lắng vì đám cưới có khả năng phải hoãn vì dịch bệnh... Hay hình ảnh bệnh viện tấp nập những ca cấp cứu, việc một y sĩ bị đuổi khỏi nhà trọ vì người dân nơi đó sợ lây bệnh, một bác sĩ không thể về chịu tang cha phải vái vọng từ xa, một sinh viên trường y tình nguyện xung phong hỗ trợ nơi tuyến đầu không may nhiễm bệnh, một lãnh đạo ngành y quên ăn, quên ngủ, bất chấp nguy hiểm thường xuyên đến hiện trường để chỉ đạo cho sát thực tế. Bên cạnh đó là cảnh lực lượng dân phòng, bộ đội sẵn sàng nhường doanh trại làm nơi cách ly, không quản ngại khó khăn phục vụ dân hết lòng... Từ đây, vở diễn làm sáng bừng tình người trong hoạn nạn, tạo thành sức mạnh kiên cường để cả nước vững vàng chiến đấu với đại dịch. 

NSND Lệ Ngọc chia sẻ: Cả ê-kíp đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế ở những điểm nóng chống dịch sao cho có thể chuyển tải một cách chân thực nhất công việc của các lực lượng lên sân khấu kịch, từ triệu chứng của người bệnh đến hành động thực tế của các y, bác sĩ... Chưa kể trong quá trình tập luyện, các diễn viên cũng phải mặc đồ bảo hộ với găng tay, khẩu trang, tấm chắn giọt bắn... để làm quen, bảo đảm diễn tự nhiên, chân thực.

Cùng với diễn xuất khá tròn vai của các nghệ sĩ: NSND Lệ Ngọc (bác sĩ Tú Anh, Giám đốc bệnh viện), Văn Hải (ông Đức, lãnh đạo Bộ Y tế), Hương Thủy (bác sĩ Nga, con gái bác sĩ Tú Anh), Châu Sa (Trà My, con gái ông Đức)..., vở diễn còn ghi điểm bởi sự đầu tư cho kỹ xảo đồ họa. Màn hình LED lớn được dựng thay phông sân khấu đã phát huy hiệu quả đặc biệt khi mang đến sự linh hoạt trong chuyển cảnh. Việc lồng gắn trình chiếu những hình ảnh tư liệu sống động, chân thực gắn liền cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam và các nước trên thế giới cũng góp phần khắc sâu hơn nội dung thông điệp cần chuyển tải, kéo gần khoảng cách giữa những gì diễn ra trên sân khấu với thực tiễn cuộc sống...

CHU THÚY

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh