CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:12

Tính chất “mở”, liên thông và mục tiêu hướng nghiệp

Học sinh cấp THCS cần phân luồng hướng nghiệp.


Đề nghị học hết THSC được học thẳng lên CĐ

 Đóng góp ý kiến cho dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, nhiều quan điểm cho rằng cần sớm hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông.

Trước đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) đã bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH. Cùng với đó, để thể hiện rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân, Dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông thông qua khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người và tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Tại Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do  Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày, có ý kiến đề nghị học sinh học hết trung học cơ sở (THCS) được học lên thẳng trình độ CĐ; đề nghị người học đã học xong trình độ CĐ nhưng không có bằng trung học phổ thông (THPT) được học liên thông thẳng lên trình độ ĐH.

Về vấn đề học sinh học hết THCS được học lên thẳng trình độ CĐ: Thường trực ủy ban (TTUB) cho rằng đây là chương trình đào tạo tích hợp (nội dung gồm cả văn hóa và kỹ năng nghề) hướng đến tạo thuận lợi và thiết thực cho người học nhằm khuyến khích người học phân luồng sang học nghề, góp phần tăng tỉ lệ học nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Để giải quyết vấn đề liên thông, phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, Dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc. Cùng với đó, để đảm bảo khối lượng kiến thức văn hóa THPT khi học sinh THCS theo học trình độ CĐ, có thể đáp ứng chuẩn đầu ra của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại điểm e, Khoản 1 Điều 28 với nội dung: Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học kiến thức giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các hệ đào tạo CĐ- ĐH.

 

Về vấn đề liên thông thẳng lên trình độ ĐH đối với người đã học xong trình độ CĐ nhưng không có bằng THPT: TTUB nhận thấy, hiện nay việc tuyển sinh của các cơ sở giáo GDĐH thực hiện theo cơ chế tự chủ. Hiện Luật GDĐH đã quy định nguồn tuyển sinh trình độ ĐH đa dạng, bao gồm học sinh tốt nghiệp THPT, người tốt nghiệp CĐ, trung cấp. TTUB đề nghị Dự thảo Luật này không quy định cụ thể những vấn đề trên mà chỉ nêu nguyên tắc, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện liên thông.

Vẫn còn loay hoay

Thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) kỳ họp trước, nhiều đại biểu rất quan tâm tới các vấn đề thực học, thực nghiệp, cũng như bày tỏ băn khoăn về những thí điểm trong giáo dục. Trong đó đáng chú ý những bất cập về phân luồng học sinh phổ thông tồn tại lâu nay. Ông Lê Quân- Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, mục tiêu đến năm 2020 phải có 30% học sinh THCS học nghề và 2025 đạt 40%. Nhưng đến nay mới đạt khoảng 8%. Nơi làm tốt hơn cả là Vĩnh Phúc thì con số này cũng mới đạt 20%. Đa số địa phương thực hiện việc phân luồng chưa tốt, đồng thời phân luồng cũng chưa thực sự gắn với đào tạo. Hiện nay, công tác phân luồng đa số phụ thuộc vào nỗ lực của các trường nghề. Họ phải lăn lộn để đi chiêu sinh.

Trong nhiều bài viết trước đây, chúng tôi cũng đã chỉ ra thực trạng bất cập phân luồng sau THCS và sau THPT; chỉ ra những “điểm nghẽn” khiến cho việc phân luồng gặp khó. Có thể thấy, điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với chương trình trung cấp (dành cho học sinh tốt nghiệp THCS muốn liên thông lên hệ CĐ là phải học đủ khối lượng văn hóa THPT. Song toàn bộ phần văn hóa này thuộc quản lý nhà nước của Bộ GDĐT.

Theo quy định, các trường CĐ không được dạy văn hóa mà việc này do các trung tâm GDTX thực hiện. Việc học nghề một nơi, học văn hóa một nẻo như hiện nay đã góp phần đẩy người học và các trường vào thế khó - trong khi Nhà nước chủ trương đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS.

Thực chất, chủ trương phân luồng sau THCS đã được đặt ra nhiều năm qua, nhưng trên thực tế chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Phần vì tâm lý người học muốn làm thày hơn làm thợ; đặc biệt còn một bộ phận không nhỏ e dè khi đứng trước nhu cầu muốn học liên thông từ hệ trung cấp nghề lên CĐ, hoặc ĐH mà chặng đường vừa học văn hóa- vừa học nghề cũng không mấy giản đơn.

Chính vì thế, hiện mong muốn lớn nhất của người học là những nút thắt trong đào tạo liên thông sớm được gỡ bỏ; được quy định rõ hơn trong Luật Giáo dục (sửa đổi). Đồng thời, sau khi đã có những quy định mang tính “nguyên tắc” từ Luật Giáo dục (nếu Luật này được thông qua), rất cần những văn bản cụ thể hơn để tạo điều kiện cho người học. Điều này cũng phù hợp với chủ trương tạo điều kiện cho người dân được học tập suốt đời.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh