CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:52

Gắn đào tạo với doanh nghiệp và phân luồng hiệu quả

 

Thứ trưởng Lê Quân phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, khi đảm nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, vấn đề Bộ LĐ-TB&XH luôn quan tâm, trăn trở là làm sao để các trường trung cấp, cao đẳng thu hút được người học, đào tạo không những đáp ứng yêu cầu cơ bản của một nghề mà còn có khả năng tiếp cận và vận dụng vào giải quyết vấn đề, tạo dựng nền tảng để phát triển tư duy hệ thống, năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề. Thứ trưởng cho rằng sự hợp tác và áp dụng mô hình KOSEN sẽ giải quyết được vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và góp phần phân luồng hiệu quả.  "Đẩy mạnh hợp tác và đào tạo theo mô hình KOSEN nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Bên cạnh chuyển giao mô hình đào tạo còn có kết hợp để học sinh, sinh viên theo học tại một trường tại Việt Nam tham gia một phần đào tạo tại trường tại Nhật Bản"-Thứ trưởng đề nghị

Cũng tại Hội thảo này, Thứ trưởng Lê Quân đánh giá cao Bộ Công thương trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực triển khai thí điểm mô hình này cho một số trường thuộc Bộ.


Ông Tomoyo Mitani – Giám đốc Dự án KOSEN tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Tại Hội thảo, GS Kazuhide Sugimoto, chuyên gia của KOSEN đã trình bày tóm tắt về Dự án hợp tác giữa Việt Nam và KOSEN. Trong đó, thông qua mô hình đào tạo KOSEN để lồng ghép nội dung hướng nghiệp, từ đó đảm bảo 100% học sinh tốt nghiệp có việc làm, đồng thời giảm tỷ lệ thôi việc. Để đạt được điều này, dự án sẽ tập trung vào các giải pháp gắn đào tạo với việc làm, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên của Việt Nam và trao đổi học sinh, giáo viên hai nước. Dự án đã đề cập đến việc lựa chọn các trường để thí điểm đào tạo mô hình KOSEN.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều báo cáo trình bày về mô hình KOSEN và kinh nghiệm triển khai mô hình đào tạo tại Nhật Bản và thí điểm đào tạo tại một cơ sở tại Việt Nam. GS Kazuhide Sugimoto - chuyên gia của KOSEN trình bày về đặc trưng của hệ thống đào tạo KOSEN. Ông Tomoyo Mitani – Giám đốc Dự án KOSEN tại Việt Nam chia sẻ về Kỹ sư thực hành và sáng tạo từ đào tạo theo mô hình KOSEN. Ông Yoichi Nakano – chuyên gia dự án JICA trình bày báo cáo của JICA và giới thiệu về mô hình KOSEN. Ông Phan Văn Quân - Bộ Công thương chia sẻ các hoạt động sắp tới của Dự án KOSEN. Ông Nguyễn Tiến Tùng, Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên báo cáo về việc áp dụng mô hình KOSEN tại cơ sở đào tạo tại Việt Nam.


Quang cảnh hội thảo

Thảo luận tại Hội nghị, đại diện một số trường thể hiện sự quan tâm và đề xuất về triển khai mô hình này tại Việt Nam. TS Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long chia sẻ: “Bên cạnh những trường cao đẳng cần triển khai, áp dụng mô hình đào tạo KOSEN cho các trường trung cấp, bởi vì đầu vào đối với các trường trung cấp hiện nay tập trung nhiều vào đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Mong rằng Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sớm có văn bản hướng dẫn để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện triển khai áp dụng mô hình này”.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng mô hình đào tạo KOSEN đáng để Việt Nam học hỏi bởi vì mô hình có nhiều điểm ưu việt, thể hiện ở chỗ học sinh đầu vào tốt nghiệp trung học cơ sở, đào tạo gắn với doanh nghiệp, cấp bằng cao đẳng, đặc biệt là 100% học sinh tốt nghiệp có việc làm. Đây là mô hình mô hình giúp công tác phân luồng có hiệu quả. Hội thảo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu từ Nhật Bản về triển khai mô hình đào tạo KOSEN. Tổng Cục trưởng cảm ơn Đại sứ quán Nhật đã giới thiệu mô hình đào tạo mới, phương pháp dạy học mới vào Việt Nam. Mong rằng Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh