Tín dụng đen tấn công sang cho vay trực tuyến
- Pháp luật
- 18:46 - 01/12/2019
Giải ngân nhanh, lãi suất cao
Hiện nay, trên mạng xã hội và thiết bị điện thoại di động xuất hiện hàng loạt ứng dụng cho vay tiền online. Chỉ cần vào Google, Facebook... gõ cụm từ “vay online”, “vay trực tuyến”... sẽ thấy xuất hiện các trang web cho vay tiền siêu nhanh như uvay, cashwagon, mxhthmb, credy, vaytieudung, doctordong..., với những thông tin quảng cáo hấp dẫn như “nhận tiền trong 1 giờ - duyệt siêu tốc vay ngay”, “vay tiền trực tuyến - 4 bước đơn giản - lãi suất 0%”, “có tiền mặt 30 phút”...
Theo hướng dẫn, chị Nguyễn Thị Hoa (huyện Sóc Sơn) tải phần mềm ứng dụng của trang web cho vay về điện thoại; mở tài khoản trực tuyến. Sau khi cài đặt, để đăng nhập được vào ứng dụng, người vay phải cung cấp các thông tin như, số điện thoại, địa chỉ, số chứng minh nhân dân và cho ứng dụng được phép truy cập danh bạ, vị trí, hình ảnh, trang cá nhân facebook, zalo trên điện thoại (tùy app).
Để tạo lòng tin cho người vay tiền, ứng dụng hiện các thông báo sẽ bảo mật các thông tin của khách hàng, không sử dụng vào mục đích khác. Khi hoàn thành các bước trên, ít phút sau đã có người gọi đến tự xưng là nhân viên bên cho vay để xác nhận thông tin. Khi chị Hoa chấp nhận các yêu cầu và xác nhận vay tiền, chỉ vài giờ sau đó tiền đã được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng của chị.
Anh Nguyễn Thế A, công nhân ở Khu công nghiệp Vĩnh Hưng kể: Do đang cần gấp khoản tiền hơn 3 triệu đồng, nên đã vào một trang web trên mạng để vay tiền. Do vay lần đầu, nên tôi chỉ được vay 2,5 triệu đồng trong thời gian tối đa 30 ngày, lãi suất công bố là 39%/tháng. Sau 30 ngày, tổng số tiền mà tôi phải thanh toán khoảng 3,48 triệu đồng.
“Công ty chỉ cung cấp mức lãi suất cho vay, không cung cấp cụ thể về phí tư vấn, phí quản lý hồ sơ... Trong khi các phí này thường chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí mà người tiêu dùng phải trả. Vì vậy, sau khi làm xong thủ tục vay, bên cho vay nói họ là đơn vị trung gian kết nối giữa người vay và cho vay, nên thu phí quản lý khoản vay 2%/ngày, tức 60% một tháng, tương đương khoảng 720% một năm” - anh Thế A nói.
Không chỉ lãi chồng lãi, phí phạt trễ hạn trả nợ trên các app cũng cao ngất ngưởng: Vay iDong 4 triệu đồng, trễ hạn 1 ngày bị phạt 220.000 đồng; vay 6 triệu đồng, trễ 1 ngày phạt 280.000 đồng; vay Uvay trễ 1 ngày phạt 300.000 đồng; vay app 365vay trễ 1 ngày phạt 80.000 đồng…
Sập bẫy và kiểu đòi nợ khủng bố
Kiểu vay tiền online này xuất hiện cách đây khoảng 2 năm, hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Tuy truyền thông đã nhiều lần cảnh báo nhưng đến nay, danh sách những người "sập bẫy" vẫn không ngừng tăng lên.
Chị Nguyễn Thanh đăng ký vay 3 triệu trong vòng 14 ngày trên một app vay tiền có tên iDong. Khi đăng ký, chị Thanh cứ ngỡ được vay tiền với mức lãi thấp chỉ 23.000 đồng, thế nhưng đến lúc nhận được tiền, chị Thanh mới "ngã ngửa": "App không đề cập đến phí gì cả nhưng khi giải ngân thì chỉ nhận được 2,3 triệu đồng, hỏi ra mới biết phải đóng phí 700.000 đồng (tương đương 30% trên số tiền vay). Như vậy, thực chất chị Thanh chỉ vay được 2,3 triệu đồng, không những thế, chị Thanh còn phải trả lãi cho số tiền 3 triệu đồng là 23.000 đồng/ngày. “Cảm giác lúc đó bị lừa rất đau nhưng tiền đã vào tài khoản rồi, đành chịu thôi" - chị Thanh nhớ lại.
Đằng sau những tiện lợi là “cái bẫy” nguy hiểm bởi đa phần người cho vay online sẽ báo lãi suất rất thấp nhưng khi trả thì sẽ phát sinh ra tiền phạt chậm trả với lãi suất có khi lên đến 600 - 700%/năm. Hơn nữa, đây là hình thức cho vay không giấy tờ và chỉ thỏa thuận bằng miệng.
Khi đáo nợ, người cho vay cứ "vô tư" đưa ra lãi suất trên trời mà người vay phải đành chịu. Nếu không trả, người cho vay thường dùng hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen như gọi điện thoại hù dọa, đến nhà đòi nợ và thậm chí dùng vũ lực để buộc người vay phải trả tiền. Thậm chí còn áp dụng cách thức đòi nợ kiểu “khủng bố” tinh thần của người vay tiền online thông qua các app đang gây nên những hậu quả khôn lường.
Một ngày trước khi hết thời gian trả nợ, chị Mai Hương ở Đông Anh liên tục nhận được điện thoại của "nhân viên tín dụng" truy đòi nợ. Sau đó các nhân viên này gửi cho chị Hương các đường link cho vay qua mạng khác và gợi ý chị tham gia vay, lấy tiền trả nợ. Cứ thế, với chiêu thức trừ tiền quản lý, các loại phí... (thực chất là lãi suất "cắt cổ" của các app), để có đủ tiền trả khoản nợ vay cho app cũ, chị Hương phải vay tiền trên 2 hoặc 3 app mới.
Thông qua ứng dụng trên điện thoại di động của chị Hương, các đối tượng cho vay nắm bắt được mọi thông tin như danh bạ điện thoại, tên tuổi, số chứng minh nhân dân, vị trí,... kể cả nội dung tin nhắn. Không chỉ gọi hàng trăm cuộc mỗi ngày cho chị, các đối tượng còn gọi điện thoại, nhắn tin cho bạn bè, gia đình chị ở quê đe dọa, yêu cầu trả nợ thay chị.
Khốn đốn vì "trả mãi không hết" là tình trạng của không ít người dân khi vay tiền thông qua các ứng dụng App trên thiết bị thông minh. Theo khuyến cáo của các chuyên gia trong ngành ngân hàng, người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị thêm kiến thức để hiểu rằng khi vay tiền qua các ứng dụng trên các mạng xã hội, mặc dù thủ tục có đơn giản nhưng vẫn cần phải có những ràng buộc để nhân viên tín dụng thu hồi nợ. Người dân không nên tin vào những quảng cáo cho vay tiền mà không cần điều kiện; đồng thời, tuyên truyền rộng rãi đến người thân trong gia đình về các phương thức, thủ đoạn biến tướng của các loại hình “tín dụng đen” hiện nay để biết mà phòng tránh, không tham gia vay mượn.
Khi cần tiền, người dân nên vay những nơi có địa chỉ rõ ràng. Khi nhận tiền phải có người giao nhận và đối chiếu giấy tờ để nếu gặp chuyện gì có thể yêu cầu pháp luật can thiệp. Điều quan trọng là phải có hợp đồng vay và có những thỏa thuận cụ thể về lãi suất; tuyệt đối không cung cấp tất cả số điện thoại của người thân dẫn đến nhiều sự phiền toái.
Siết chặt để tránh biến tướng
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có trên 75% số người dân không được tiếp cận với các kênh dịch vụ tài chính chính thức, dù có nhu cầu rất lớn về vay vốn. Vì vậy, trào lưu cho vay trực tuyến nở rộ. Dẫu vậy, việc cho vay bị lợi dụng và biến tướng như một hình thức cho vay nặng lãi.
Theo luật sư Trần Mai Hạnh (Công ty Luật DC Counsel), quy định, tổ chức hoạt động tín dụng phải có một số điều kiện như được sự đồng ý của NHNN, số vốn tối thiểu, cách thức cho vay... Như vậy, tổ chức cho vay qua app không tuân thủ quy định trên là vi phạm pháp luật. Luật không cấm cá nhân cho cá nhân vay, nhưng tổ chức hay cá nhân cho vay lãi suất quá mức quy định cho phép thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi.
Để điều chỉnh quan hệ vay dân sự, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, các bên thỏa thuận về lãi suất không được vượt quá 20%/năm khoản tiền vay. Thêm vào đó, Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định lãi suất cho vay gấp 5 lần mức lãi suất mà Luật Dân sự 2015 quy định thì bên cho vay đã cấu thành tội cho vay nặng lãi và sẽ bị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự.Trong khi đó, các ứng dụng cho vay trực tuyến
ghi lãi suất trên hợp đồng khoảng 18 - 20%/năm, nhưng phí rất cao, quy ra lãi suất thấp nhất có thể lên đến 70 - 80%/năm. Nếu tính cả tiền phạt chậm trả với lãi suất có khi lên đến 600 - 700%/năm.
Trước sự nở rộ của các công ty cho vay trực tuyến, yêu cầu kiểm soát là điều cần thiết. Theo đó, các chuyên gia cho rằng phải kiểm soát và quản lý bên cung cấp nền tảng công nghệ, cũng như bên cho vay phải làm đúng quy định pháp luật mới được phép cho vay. Giải pháp để kiểm soát là thanh tra, kiểm tra xem họ có làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo giấy phép được cấp, lãi suất thật là bao nhiêu...
Theo ước tính của WB, thị trường fintech tổng thể của Việt Nam có thể xử lí 7,8 tỷ USD giao dịch vào năm 2020. Các công ty cho vay ngang hàng ở Việt Nam đang phát triển khá nhanh thời gian qua, khi đáp ứng nhanh được một phần nhu cầu vốn mà các NHTM, công ty tài chính chưa đáp ứng kịp. Tuy nhiên, vì không chịu sự quản lý của NHNN nên khách hàng vay tại các công ty này sẽ gặp nhiều rủi ro.
Về góc độ cạnh tranh, các công ty tài chính và NHTM cũng đã đề xuất cơ quan quản lý cần sớm có cơ chế, chính sách về pháp lý, quy định rõ ràng về loại hình này, đồng thời tuyên truyền thông tin để nâng cao nhận thức người dùng.
Phát huy kênh tín dụng chính thống
"Khoảng 70% người có nhu cầu vay tiền tại Việt Nam chưa tiếp cận được các kênh tín dụng chính thống, nên các dịch vụ vay online ngày càng bùng nổ. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nhìn ra khoảng trống thị trường để cho ra sản phẩm phù hợp." - TS Cấn Văn Lực
Xây dựng cơ chế quản lý
"NHNN đang cùng với các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ xây dựng cơ chế quản lý với lĩnh vực này. NHNN xác định P2P Lending là một trong những loại hình phải có điều kiện kinh doanh. Nếu đơn vị nào đứng ra để tổ chức hoạt động này, kết nối giữa người đi vay và người cho vay, phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện." - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Các hoạt động công nghệ tài chính chưa được quy định
"Ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán, các hoạt động Fintech (công nghệ tài chính) chưa được quy định và điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý, như hoạt động vay ngang hàng, trong khi theo thống kê của NHNN đang có hơn 40 công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Về cơ bản quản lý ứng dụng cũng tương đối khó khăn vì phụ thuộc vào các kho ứng dụng trực tuyến (App Store và Google Play), không phụ thuộc nhiều vào tên miền hay thậm chí máy chủ không cần đặt tại Việt Nam. D
ù khó khăn chúng ta cũng nên nghiên cứu và có cơ chế quản lý tốt hơn các ứng dụng để vừa hỗ trợ cho nhà phát triển những ứng dụng tốt, vừa có căn cứ để xử lý các ứng dụng vi phạm. Nếu chúng ta có cơ chế tốt, không chỉ tạo điều kiện cho nhà phát triển mà còn giúp thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam trên nền tảng di động. " - TS Nguyễn Trí Hiếu
Sự phát triển của các hoạt động cho vay ứng dụng công nghệ cao như cho vay ngang hàng là một xu thế khó tránh khỏi nhưng nó cũng tạo ra nhiều rủi ro cho người dùng và thách thức giám sát đối với các cơ quan quản lý.