Tín dụng đen 'bủa vây' công nhân
- Dược liệu
- 16:31 - 07/11/2018
Vay dễ - trả khó
Có mặt tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, tp. Hà Nội), nơi có số lượng hàng chục nghìn công nhân đang lưu trú và làm việc, bất cứ ngóc ngách nào cũng có thể nhìn thấy các tờ rơi mời chào vay vốn được dán trên cột điện, tường nhà. Các tổ chức cho vay tín dụng đen thường núp bóng dưới các hình thức huy như: hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp, cho vay tiền thủ tục nhanh - gọn, bốc bát họ…
Liên hệ với các số điện thoại ghi trên tờ rơi, chúng tôi được các đối tượng cho vay nặng lãi tư vấn về cách thức thực hiện giao dịch một cách nhanh chóng dễ dàng. Với những trường hợp vay có thế chấp như: cầm cố xe máy, máy tính, điện thoại… Thì lãi suất thường dao động từ 1.500 đồng – 2.000 đồng/ngày/triệu nhưng không được vay quá 10 triệu đồng. Với trường hợp vay không thế chấp, lãi suất sẽ cao hơn, dao động từ 5.000 đồng - 7.000đồng/1 triệu đồng/ngày. Khi đó các chủ cho vay tín dụng đen sẽ yêu cầu người vay cung cấp những thông tin cần thiết như CMND, địa chỉ quê quán, nơi làm việc… Sau đó xác minh và sẽ chủ động liên lạc lại để cho vay. Đó được coi là hình thức để những kẻ cho vay “nắm thóp” con nợ trong trường hợp có ý định bỏ trốn.
Các tờ rơi mời chào vay vốn được dán trên cột điện, tường nhà dưới các hình thức huy động vốn, hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp, cho vay tiền thủ tục nhanh - gọn, bốc bát họ…
Một trong những hình thức cho vay nặng lãi khác mà nhiều người vẫn thường bị nhầm lẫn với kiểu tiết kiệm theo nhóm có tên là chơi họ (còn gọi là chơi phường, hội, hụi...) đó là cho vay “Bốc bát họ”. Thực chất nó đơn giản là hình thức cho vay lãi trả dần theo ngày.
Giữa tháng 9/2018 anh Viết Long (quê Thái Nguyên), công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long gọi theo số điện thoại trên tờ quảng cáo dán trên cột điện, thì được một người đàn ông xác nhận là người cho vay tiền với thủ tục đơn giản. Khi đến địa điểm giao dịch, không chỉ Long mà còn có năm sáu người đang viết giấy nợ và đếm tiền.
Một bát họ 20 triệu thì người vay chỉ thực nhận được 16 triệu, 4 triệu tiền lãi đã được trừ thẳng vào số tiền vay của con nợ. Trong 50 ngày tiếp theo, mỗi ngày người vay phải trả đủ 400 nghìn đồng để hoàn trả đủ 20 triệu ban đầu. Ai có sổ hộ khẩu gốc Hà Nội mới được vay 30 triệu, còn không chỉ được khoảng 10-20 triệu đồng, đó là luật ngầm mà mỗi con nợ đều phải biết.
Các mẩu tin được chào mời người vay với thủ tục nhanh gọn
Người cho vay tiền nói với khách hàng chỉ cần xuất trình chứng minh thư, sổ hộ khẩu bản gốc và hợp đồng lao động mà không cần tài sản thế chấp. Sau thỏa thuận ban đầu, tiệm sẽ cho người đến chỗ ở và nơi làm việc để xác minh. “Thủ tục khá đơn giản nhưng anh đã nắm mọi thông tin của em nên đừng nghĩ chuyện chạy trốn”, người chủ họ dằn mặt các con nợ.
Đều đặn mỗi ngày con nợ sẽ phải đến cửa hàng để trả góp hoặc trả qua hình thức chuyển khoản. Trường hợp bất khả kháng, chủ nợ sẽ cử người đến tận nơi thu tiền. Tính theo cách này, khách phải chấp nhận lãi suất gần 20%/tháng, tương đương gần 240%/năm. Trong khi các tổ chức tín dụng hiện cho vay 10-14%/năm. Các con nợ cứ thế bước vào những ngày tháng oằn mình trả lãi.
Đặc điểm chung của tín dụng đen là lãi suất cao "cắt cổ" từ vài chục % thậm chí tới hàng trăm % mỗi năm, gấp nhiều lần so với lãi suất vay thông thường từ ngân hàng. Nhưng sở dĩ vẫn rất nhiều người tìm đến dịch vụ trên là bởi tính cơ động, thủ tục vay rất đơn giản, linh hoạt có thể là có thể cầm cố từ chiếc ti vi, tủ lạnh đến sổ đỏ… đặc biệt có thể gia hạn nếu người vay có nhu cầu.
Bằng hình thức này, các tổ chức “tín dụng đen” hay những người cho vay nặng lãi sẽ dễ dàng tiếp cận những người công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, từ đó biến công nhân trở thành con nợ không lối thoát với lãi suất “cắt cổ”.
Hậu quả khôn lường
Từng vướng vào hình thức tín dụng đen, do không đủ khả năng trả lãi đều đặn, anhThắng (quê Phú Thọ), công nhân gần KCN Bắc Thăng Long đã nếm trải những tháng ngày sống trong nỗi lo âu sợ hãi vì liên tục nhận những lời đe dọa từ chủ nợ. Trao đổi với chúng tôi, anh Thắng cho biết, năm 2016 khi mới từ quê xuống Hà Nội làm công nhân với số tiền lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống, mình đã tìm đến một cơ sở tín dụng đen tại thôn Bầu, xã Kim Chung vay số tiền 25 triệu triệu với lãi suất 20%/tháng.
Thời gian đầu mỗi tháng đến ngày nhận lương, anh đều trả tiền lãi đều đặn nhưng chỉ nửa năm sau, số tiền nợ gốc ban đầu lên cao. Không đủ tiền chi trả anh Thắng liên tục bị đe dọa, khiến tâm lý luôn trong tình trạng bất an, công việc và cuộc sống vì vậy mà bị đảo lộn. Phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân và gia đình để trả dứt điểm số nợ. Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại, anh Thắng lại cảm thấy rùng mình.
Tại KCN Bắc Thăng Long, có không ít các trường hợp các công nhân đã vướng vào hoạt động “tín dụng đen” để rồi phải trả một cái giá đắt. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đông (tên nhân vật đã được thay đổi) chủ một khu trọ dành cho công nhân trên địa bàn xã Kim Chung (Đông Anh) cho biết, hơn chục năm cho công nhân thuê trọ đến nay, ông đã phải chứng kiến không ít lần công nhân do điều kiện kinh tế khó khăn, đã vướng vào tín dụng đen để rồi bị các đối tượng cho vay nặng lãi đến tận phòng đe dọa. Nhiều trường hợp đã phải chuyển đi nơi khác để mong được yên thân.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng công an xã Kim Chung cho biết, nhiều người lao động do còn hạn chế về kiến thức pháp luật, đồng thời với nguồn thu nhập eo hẹp, khi cần tiền để trang trải cho công việc, cuộc sống, không ít công nhân đã tìm đến các tổ chức “tín dụng đen” chấp nhận mức lãi suất trên trời để vay được khoản tiền nhanh chóng. Để rồi, sau đó lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ tăng nhanh chóng mặt, không đủ khả năng chi trả. Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra đa số người vay đều cắn rắn chịu đựng chứ không đến trình báo với cơ quan chức năng.
Điều kiện kinh tế eo hẹp khiến không ít các công nhân sập bẫy tín dụng đen, trở thành những con nợ
Trong khi đó theo, điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, trong giao dịch dân sự, người nào cho vay với lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (hiện là 20%/năm), thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng... sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.
Trường hợp phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Trường hợp việc cho vay lãi nặng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 5 đến 15 triệu đồng.
Pháp luật không đặt ra trách nhiệm pháp lý đối với người đi vay trong các giao dịch dân sự cho vay lãi nặng. Ngược lại, họ được pháp luật bảo vệ trong các giao dịch dân sự này. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, người đi vay có đủ bằng chứng chứng minh vay tiền của lãi nặng thì sẽ chỉ phải trả số tiền gốc cùng với số tiền lãi tính theo lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo ông Sơn, các hoạt động tín dụng đen đều là các giao dịch ngầm mang tính dân sự giữ người 2 bên, nên gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thu thập căn cứ để xử lý. Trong thời gian qua các cơ quan chức năng địa phường đang tăng cường kiểm tra xử lý, đồng thời cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật đến từng khu trọ. Kêu gọi người dân chấp hành các quy định của pháp luật, sớm trình báo với các cơ quan chức năng, không để các hoạt động tín dụng đen gây phức tạp đến tình hình trị an trên địa bàn.
Vừa qua, Công an TP Hà Nội đã có Văn bản số 3200/CAHN-PV11 gửi thủ trưởng các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã, về việc chấn chỉnh và thực hiện nghiêm Kế hoạch 231/KH-CAHN-PV11 ban hành năm 2016, để chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, đề ra biện pháp, giải pháp cụ thể về phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính. Theo đó, trưởng phòng cảnh sát hình sự, trưởng công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, rà soát toàn bộ các cửa hàng cầm đồ, cửa hàng tư vấn tài chính, ổ nhóm, cá nhân kinh doanh tài chính có phép hoặc không phép hiện đang hoạt động trên địa bàn; rà soát, thống kê toàn bộ số điện thoại quảng cáo, rao vặt về cho vay không thế chấp, cho vay tài chính... Trưởng công an các quận, huyện, thị xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể tổ chức đồng loạt ra quân xóa quảng cáo rao vặt, thông báo số điện thoại cho vay tài chính. Thông tin công khai các cơ sở kinh doanh hoạt động không phép đến toàn người dân trên địa bàn để hỗ trợ giám sát, phòng ngừa, thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan công an thông qua đường dây nóng. |