THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:14

Bán nhà ra miếu ở vẫn không yên thân vì vay nặng lãi

Ông bất ngờ ngân hàng và “xã hội đen” đồng loạt đến nhà đòi nợ cô con dâu với khoản tiền 4 – 5 tỷ đồng, ông “tá hỏa”, bán gấp căn nhà trả nợ để bảo toàn mạng sống cho đứa con trai duy nhất trước những lời hăm dọa “đao to búa lớn” của giới “xã hội đen”, nhưng khoản nợ vẫn còn dày. Vợ chồng con trai ông đi bặt tăm để trốn nợ, 2 vợ chồng già dắt díu vào miếu thờ tá túc qua ngày, trồng rau nuôi 4 đứa cháu cha mẹ chúng bỏ lại…

Ngôi miếu vợ chồng ông Khanh đang tá túc sau khi bán nhà trả nợ cho con

Đó là thảm cảnh của gia đình ông Đỗ Ngọc Khanh (72 tuổi) ở tổ 5 khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định).  

"Bom" nổ giữa nhà

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến ngôi miếu Kim Đông nằm bên bờ sông Kôn, bên này cầu Trường Thi, để gặp người tuổi đã xế chiều mà cuộc đời còn lâm vào bi cảnh đẫm nước mắt, ông Đỗ Ngọc Khanh.

Ông Khanh kể chuyện nhà mình bằng giọng nấc nghẹn. Vợ chồng ông ở với vợ chồng đứa con trai duy nhất. Hàng ngày, con trai ông mổ heo, con dâu chở thịt đi chợ bán, tiêu thụ mỗi ngày 2 – 3 tạ thịt, kiếm cả triệu đồng. Thấy con cái chí thú làm ăn, ông làm giấy chuyển quyền sử dụng ngôi nhà đang ở cho vợ chồng con trai, để sau này thay ông thờ cúng tổ tiên. Cuộc sống của gia đình đang diễn ra êm ấm, no đủ, thì bỗng dưng cán bộ ngân hàng lên nhà tuyên bố đến ngày 8/9, nếu không thanh toán nợ quá hạn sẽ niêm phong căn nhà. Khi biết từ năm 2014, con dâu ông đã vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng mãi đến nay chưa trả, ông Khanh như chết điếng, nói không nên lời.

Ông Khanh còn “tá hỏa” hơn khi giới “tín dụng đen” lên nhà ông đòi khoản nợ con dâu ông đã vay đến 3 – 4 tỷ đồng. Ông Khanh nghẹn ngào kể: “Con dâu chơi “tiền ảo” ở đâu dưới chợ, cả chồng nó cũng không biết. Nó bàn bạc với chồng cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng để lấy vốn làm ăn, con trai tôi tưởng thật nên đồng ý. Không chỉ vậy, nó còn lén lút vay nặng lãi bên ngoài 3 – 4 tỷ nữa. Cách đây nửa tháng, lúc vợ chồng tôi đang trồng rau trong miếu thì đứa cháu gọi điện nói có “xã hội đen” đến nhà đòi nợ con dâu. Nghe tin, vợ tôi xỉu ngay đám rau, tôi chạy về thì thấy trong nhà mình có 8 thanh niên mặc mày bặm trợn, mình mẩy xăm đen thui, bên ngoài còn có 2 đứa khác đứng phục. Tôi phải gọi điện báo Công an phường Bình Định lên giải cứu”.

Ngay lập tức, ông Khanh phải kêu bán đổ bán tháo căn nhà được hơn 2 tỷ đồng, trả nợ cho ngân hàng 1,2 tỷ, số còn lại trả cho những người cho vay tín dụng đen. Tuy nhiên, giới tín dụng đen đưa ra giấy xác nhận của con dâu ông vay đến 3 – 4 tỷ. Do đó, vợ chồng con trai ông phải bỏ nhà đi để trốn số nợ còn lại. Trắng tay, nhưng vợ chồng ông Khanh còn phải nuôi 4 đứa cháu do vợ chồng con trai ông để lại.

Hàng ngày ông Khanh cuốc đất trồng rau kiếm tiền mua gạo mua mắm nuôi cháu

Lo cho chúng ăn đã đành, vợ chồng ông Khanh còn phải cáng đáng chi phí tiền học. Gánh nặng chồng chất lên lưng 2 ông bà.  

Giấc ngủ cũng không yên

Bán căn nhà, vợ chồng ông Khanh vào tá túc trong miếu Kim Đông. Để tạo kế sinh nhai, ông Khanh cuốc khoảnh đất bãi bồi bên cạnh dòng sông Kôn để trồng rau, ngày ngày vợ ông cắt rau đi bán kiếm dăm ba chục ngàn mua mắm mua gạo nuôi mấy đứa cháu. Từ ngày bán căn nhà, vợ ông, bà Hồ Thị Tánh Chị (69 tuổi) suy sụp hẳn, đau yếu liên miên, ông lại phải lo thuốc thang chữa bệnh cho vợ.

Đã vậy, ông vẫn chưa được yên, ngôi miếu vốn tĩnh lặng nay thường xuyên bị những người cho con dâu ông vay nặng lãi “viếng thăm”. “Bữa trước, khi chưa bàn giao căn nhà cho người mua, tôi làm giỗ ông lần cuối trong căn nhà do tổ tiên để lại. Ấy vậy mà cũng không yên, nhà đang đám giỗ thì bọn “xã hội đen” đến quậy phá, đòi nợ. Nghĩ mà ngậm ngùi, con cháu làm mà cha mẹ ông bà phải chịu”, ông Khanh than thở.

Vợ chồng ông Khanh tá túc trong gian phòng che tạm bên cạnh miếu Kim Đông, mái lợp tôn, vách làm bằng những thanh tre. Trước những lời đe dọa của giới “xã hội đen”, ông Khanh cắt đứt sẵn 1 khoảnh vách bằng tre để chuẩn bị cho mình lối thoát thân, phòng lúc nửa đêm chúng đến hành hung đòi nợ. “Tui sợ nửa đêm nửa hôm chúng đến làm càn, chứ chúng đến vào ban ngày tui sẽ gọi Công an trợ giúp”, ông Khanh bộc bạch.

Nơi tá túc của vợ chồng ông Khanh tại miếu Kim Đông

Theo bà Mai Thị Thanh, Bí thư Chi bộ khu vực Kim Châu (phường Bình Định), bà thường xuyên được an ninh khu vực báo cáo tình hình “xã hội đen” đến nhà người dân trong khu vực đòi nợ với những hình thức rất manh động. “Giới cho vay nặng lãi có đủ kiểu đòi nợ “rùng mình” để buộc con nợ phải trả. Chúng tạt sơn đỏ lên cửa nhà, ném giấy vàng mã vào nhà. Có trường hợp chúng tạt xăng vào nhà đốt dọa. Tình hình này tôi thường xuyên báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý”, bà Thanh nói.

Bà Thanh cho biết, tình trạng cho vay nặng lãi đã xảy ra tại địa phương đã lâu, tuy nhiên chỉ lén lút và không ảnh hưởng đến cộng đồng như hiện nay. Từ khi hoạt động này “nổ” ra công khai với nhiều hình thức và được quảng bá rộng rãi, ngày càng có nhiều người lâm nợ hơn với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đáng quan ngại nhất là hình thức đòi nợ của giới “xã hội đen” đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, gây hoang mang cho xã hội.

“Hệ lụy của nạn tín dụng đen không chỉ khiến nhiều hộ dân mất nhà mất cửa, nhiều gia đình ly tán, mà xã hội còn phải chia sẻ những gánh nặng cho người bị nạn. Ví như trường hợp gia đình ông Đỗ Ngọc Khanh ở tổ 5, hai vợ chồng con trai ông bỏ nhà đi trốn nợ, để lại 4 cháu nhỏ nheo nhóc. Hai ông bà già dù cố đến mấy cũng chỉ có thể nuôi chúng ăn, chứ lấy tiền đâu lo cho chúng ăn học. Đối với hoàn cảnh này, địa phương sẽ xem xét đưa gia đình ông Khanh vào diện hộ nghèo, để mấy đứa cháu nội của ông được học hành miễn phí, nếu không chúng sẽ thất học mất”, bà Thanh bộc bạch.

“Hoạt động cho vay nặng lãi thường nấp dưới hình thức mở công ty hoặc làm dịch vụ, thế nhưng khi ai có nhu cầu vay tiền, họ sẵn sàng bung tiền ra, lấy trước tiền lãi, nhưng trên giấy tờ thể hiện không phải là cho vay tiền, mà “lách” sang 1 hình thức khác, ví như mua nợ 1 món đồ gì đó có giá trị tương xứng với số tiền vay. Trên thực tế, chính quyền địa phương và ngành chức năng chỉ có thể kiểm soát hoạt động này về thủ tục đăng ký kinh doanh có hợp pháp không, chứ xử lý hoạt động “cho vay ngầm” là rất khó, bởi chúng rất giỏi lách luật”, Thiếu tá Nguyễn Trung Hậu, đội phó Đội Điều tra tổng hợp Công an Thị xã An Nhơn, cho biết.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh