Tìm lại đồng đội trên chiến trường Lào
- Người có công
- 14:11 - 26/05/2017
Bài 1: Những nắm xương chôn vội trong bom đạn
Pha Thí – điểm cao bi tráng
Theo chân Đội công tác đặc biệt (Quân khu 4), điểm đến đầu tiên của chúng tôi là ngọn núi Pha Thí – huyện Sầm Nưa - tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Pha Thí nằm cách trung tâm huyện Sầm Nưa 80km. Khu vực này như tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài, xung quanh chỉ có rừng, núi…
Chúng tôi đến Pha Thí khi nơi này đang ngổn ngang đất cát. Đội công tác đặc biệt đang tiến hành tìm kiếm hài cốt liệt sỹ khu vực gần chân núi. Vài phút lại có một miếng xương, một viên đạn, một chiếc lược... được đưa lên mặt đất. Anh Trịnh Xuân Cả - Trung đội trưởng phụ trách đội tìm kiếm khu vực Pha Thí cho biết: “Từ thông tin do bạn cung cấp, chúng tôi đã đến đây tìm các bác. Có 5 bác đã được đưa về nơi tập kết, chúng tôi đang tiếp tục khai quật khu vực này, dự kiến sẽ còn nhiều trường hợp khác vì qua khảo sát, chúng tôi còn thấy rất nhiều xương”.
Anh Cả cũng cho biết, đặc điểm chung của các hài cốt liệt sĩ ở Pha Thí là đều không còn nguyên vẹn. Họ được chôn lấp vội vàng trong bom đạn nên không được quấn bằng tăng, bạt, dù, võng… như ở nhiều nơi khác. Chính vì thế, sau hơn 40 năm, nhiều hài cốt đã bị phân hủy gần hết. Hơn nữa, Pha Thí là nơi từng bị giặc Mỹ quần thảo và ném bom nhiều ngày đêm, có những chiến sỹ của ta khi mới hy sinh cũng đã không thể nhận dạng. Có những liệt sĩ, khi được khai quật, các di vật còn nguyên nhưng chỉ còn lại đôi ba mảnh xương nhỏ.
Pha Thí đến giờ vẫn là một địa thế hiểm trở. Rừng nguyên sinh vẫn còn bao quanh chân núi khá rậm rạp. Trước kia, để đến được nơi này, các chiến sỹ của ta đều chỉ có một cách duy nhất là hành quân cả ngày đường. Để lên được đỉnh núi Pha Thí – nơi đặt trạm không lưu, chỉ có một đường mòn nhỏ leo theo vách núi. Tại đây, có nhiều chỗ phải đặt cầu thang sắt để leo lên. Theo các cựu chiến binh từng chiến đấu ở nơi này, Pha Thí giờ còn rậm rạp hơn thời chiến tranh. Chính vì thế, công tác tìm kiếm các liệt sĩ hy sinh tại đây cũng không dễ dàng. Hơn nữa, Pha Thí là điểm còn rất nhiều bom, mìn còn sót lại. Điều này được chúng tôi trực tiếp chứng kiến trong những ngày ở Pha Thí. Ngày nào đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cũng đào được vài quả đạn còn nguyên thuốc…
Bữa cơm đạm bạc của Đội công tác đặc biệt (Quân khu 4).
Mỗi ngày từng bị hàng trăm trận bom oanh tạc
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm trận địa Pha Thí, Thượng tá Hoàng Văn Trân – đội trưởng đội công tác đặc biệt Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa vừa nói về địa danh bi tráng này. Đỉnh Pha Thí cao 1780m so với mặt nước biển. Nơi đây, đế quốc Mỹ từng đặt trạm kiểm soát không lưu để điều động máy bay từ Thái Lan sang oanh tạc 3 nước Đông Dương. Ở điểm cao này, đã có khoảng 1000 chiến sĩ của ta đã ngã xuống trong quá trình đánh chiếm và bảo vệ Pha Thí.
Cựu chiến binh Dương Mạnh Việt – 67 tuổi – nguyên là chiến sỹ đại đội 62, tiểu đoàn 923, trung đoàn 766- Bộ tư lệnh quân tình nguyện 959 – người từng trực tiếp chiến đấu ở điểm cao Pha Thí đi cùng đoàn chúng tôi trong dịp này. Ông trầm ngâm nhớ lại những ngày đau thương trên mảnh đất Pha Thí: “Ngày 12/1/1968, không quân Việt Nam đánh bom vào Pha Thí, đến tháng 3/1968, ta giải phóng được Pha Thí và đánh tan 5 tiểu đoàn tại đây. Đến tháng 11/1968, địch dùng 11 tiểu đoàn đánh ra vùng Mường Son, Huội Mạ, Khăm Mun… và 11 tiểu đoàn khác đánh các hướng khác. Địch bao vây toàn bộ Pha Thí từ tháng 11/ 1968 nhưng đến đầu tháng 2/1969 địch mới chính thức mở cuộc tấn công tại đây. Đó là những ngày ác liệt nhất, mỗi ngày khoảng 100 lượt máy bay ném bom xuống Pha Thí. Địch cũng dùng 11 tiểu đoàn bao vây xung quanh, vòng vây càng ngày càng siết chặt. Lúc ấy chúng tôi có 1 đại đội chốt trên đỉnh và 1 đại đội chốt toàn bộ mặt tiền cầu thang, sở chỉ huy được đặt ngay dưới chân cầu thang. Lúc đó đồng chí Đỗ Ngọc Động là tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Thóc là chính trị viên tiểu đoàn. Khi ấy, cứ thấy máy bay là anh em bắn pháo lên, toàn bộ núi Pha Thí trắng toát không còn cây cối vì bom đánh, trên trời thì máy bay dội bom đạn xuống, dưới thì bắn lên, rền rã suốt 35 ngày đêm. Tôi nhớ nhất ngày 30, đồng chí Thóc điện về Bộ tư lệnh cấp sẵn mỗi đồng chí 1 bộ vải liệm vì anh em hy sinh hết cả, không có gì chôn cất. Sau cuộc điện đó, liên lạc bị cắt đứt. Đến ngày 35, Trung đoàn bảo vệ Thủ đô sang giải vây, anh em chúng tôi mới sống sót, cả tiểu đoàn khi ấy chỉ còn lại 35 người”.
Theo cựu chiến binh Dương Mạnh Việt, Pha Thí trong ông không chỉ là những ngày bị bom đạn oanh tạc mà đó còn là những ngày gian khó khôn tả của lực lượng tình nguyện đóng chốt tại đây. Pha Thí là điểm cao gần như không có nước. Ở đây chỉ có 1 mó nước nhỏ nằm gần chân núi. Mó nước nhỏ này có mạch nước ngầm chảy ra nhưng cũng chỉ luôn có chừng hơn 1 khối nước. Đây cũng chính là một “cái mỏ” duy nhất có nước ở Pha Thí, hai bên chiến tuyến luôn phải tìm cách giành giữ. Ta thường xuyên cử một tiểu đoàn canh giữ mó nước này. Có những lần, địch bắn phá, cả tiểu đội hy sinh…
Kể về 35 ngày đêm mà phần chết nhiều hơn sống ấy, cựu chiến binh Dương Mạnh Việt vẫn không khỏi nghẹn ngào. Trong lúc bom đạn kề cận, các chiến sỹ của ta phải chốt trong hang đá lưng chừng núi Pha Thí, những ngày đầu còn lương khô và nước uống nhưng càng về sau bom đạn càng ác liệt, lương khô cạn dần, nước không còn giọt nào. Mỗi ngày, một người được 1 miếng lương khô bằng nửa ngón tay, nhai gạo sống. Còn để có nước thì các chiến sỹ thường xuyên phải dùng túi nilon hứng sương đêm để nhấm lấy sức. Thậm chí, để không bị chết vì khô kiệt, đôi khi phải bắt thạch sùng, thằn lằn, chuột để ăn sống. Tuy nhiên, nguồn thực phẩm “tươi” này cũng không có nhiều nên cũng đã có nhiều người phải …uống nước giải của chính mình để bảo toàn mạng sống và giữ sức cầm cự, chiến đấu…
Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở đồi Pha Thí
Người “đưa đò” đặc biệt
Trong chuyến đi này, người gây ấn tượng sâu sắc với chúng tôi đó chính là cựu chiến binh Dương Mạnh Việt. Ông chính là một đầu mối “mở” ra rất nhiều thông tin cho công tác tìm kiếm liệt sĩ tại Lào. Ngay tại Pha Thí, khi các chiến sỹ trong đội công tác đặc biệt đưa cho ông Việt xem một chiếc khay nhôm với nhiều dụng cụ y tế, trong đó có một lọ thuốc khắc chữ “Bác sỹ Tiến”, ông Việt bật khóc: “Đây là dụng cụ của y tá Phin và y tá Sơn hay dùng. Cả đại đội ở đây không có bác sỹ, chỉ có 2 y tá thôi”. Ông Việt lặng người đi. Cả chúng tôi, cả những chiến sỹ trong đội quy tập cũng đứng lặng nhìn vào chiếc khay nhôm.
Trước đó, đội quy tập đã băn khoăn về lọ thuốc có dòng chữ “Bác sỹ Tiến” vì ngỡ người nằm dưới kia là một bác sỹ tên là Tiến nào đó. Hóa ra, đó là một loại thuốc có tên hiệu là Bác sỹ Tiến mà 2 y tá hay dùng. Cuộc khai quật đến giờ vẫn tiếp diễn, cho dù chưa thể xác định ngay là người nằm dưới mộ là y tá Phin hay y tá Sơn nhưng đó là những manh mối quan trọng trong công tác xác định danh tính sau này đối với hài cốt khai quật được.
Trở lại Pha Thí lần này, dù cây cối đã mọc um tùm nhưng người cựu binh Dương Mạnh Việt vẫn nhớ rất rõ từng vị trí. Vừa cùng đoàn chúng tôi leo lên đỉnh Pha Thí, ông vừa chỉ từng cái hang, từng bậc cầu thang… đã có ai ẩn nấp, ai hy sinh… Ông cho biết, vì trận Pha Thí quá khốc liệt, người hy sinh nhiều vô kể nên việc chôn lấp các chiến sỹ thường là tạm bợ, những người sống sót chỉ kịp lấy đất cát vùi lên người đồng đội mình tại chỗ chứ cũng không có thời gian và không có phương tiện để quấn, bọc hay đánh dấu. Cứ thế, cả nghìn chiến sỹ của ta đã nằm lại nơi này.
Sau chiến tranh, Việt Nam đã quy tập được hơn 700 hài cốt liệt sỹ đã hy sinh tại Pha Thí. Số còn lại vẫn nằm trong lòng đất và đang tiếp tục được tìm kiếm.
19 tuổi, vào chiến trường, ông Việt được đưa ngay sang Pha Thí. Không ngờ, ông đến đây vào thời điểm ác liệt nhất. Khi Pha Thí được giải vây và chiến thắng, ông lại tiếp tục được điều đến nhiều nơi khác ở tỉnh Hủa Phăn và các khu vực phía Bắc Lào. Là người từng bị bom vùi, đạn nã, ông Việt cũng đã “chết đi, sống lại” nhiều lần; ông cũng là người được chứng kiến không biết bao nhiêu đồng đội đã hy sinh cũng lại là người trải qua hàng loạt các điểm nóng, thuộc lòng từng km, từng tọa độ nên ngay sau thời điểm nóng bỏng nhất của chiến tranh, ông Việt đã được giao nhiệm vụ tham gia vào công tác quy tập hài cốt đồng đội hy sinh tại Lào về Việt Nam.
Kỷ niệm khiến ông không bao giờ quên, đó là vào năm 1974, ông cùng nhiều anh em chiến sỹ đến hang đá Nậm Păng (khu vực giáp ranh 3 tỉnh Xiêng Khoảng – Hủa Phăn và Luông Pha Băng) – nơi có 46 ngôi mộ đều là người cùng đại đội cũ của ông. Ông nhớ nhất hình ảnh một ngôi mộ được khai quật lên, ông nhận ra ngay đó là Đại đội trưởng Phạm Mang. Ông kể: “ Khi rạch phần vải bọc và nilon ra, Đại đội trưởng thân thương của tôi hiện ra, vẫn khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt nhắm nghiền, trán anh dính đầy bụi đất… Tôi vuốt tóc và nói: “Thủ trưởng chịu đau một chút nhé, để em tắm giặt cho anh rồi em đưa anh về quê anh! Khi tôi dứt lời, các chiến sỹ đi cùng khóc nấc lên nghẹn ngào, có chiến sỹ không chịu được còn ngất ngay tại chỗ. Lúc ấy, ngay lập tức tôi phải trấn an anh em: Đây là đồng chí Mang, nguyên đại đội trưởng của đơn vị ta. Anh Mang cùng nhiều chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Nhiệm vụ của chúng ta là đưa hài cốt các liệt sỹ về tổ quốc, ai cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!”.
Cứ như thế, chỉ hơn 1 năm sau những ngày chiến tranh ác liệt nhất, ông Việt cùng các chiến sỹ của ta đi hết các nghĩa trang này đến nghĩa trang khác, từ Nậm Păng, Bông Hay, Mường Hiềm, Nậm Tạt, Phu Lao đến Na Khằng, Na Mon, Thẩm Lạ…, ông và các chiến sỹ đã quy tập được 1800 hài cốt liệt sĩ chưa biết tên và 450 liệt sĩ đầy đủ danh tính về Việt Nam. Vì từng tham gia nhiều chiến trường ở Lào, ông Việt trở thành một nhân chứng quan trọng không chỉ xác định vị trí, tọa độ mà còn trực tiếp nhận diện các di vật, đặc điểm của nhiều hài cốt liệt sĩ Việt Nam mà trường hợp của liệt sĩ Phạm Mang là một ví dụ điển hình.
Những năm gần đây, khi đã về hưu, ông cùng một số đồng đội của mình thành lập Đội tình nguyện tìm mộ liệt sĩ hy sinh tại Lào. Ông Việt và đội tình nguyện đã cung cấp hồ sơ trên 1000 liệt sĩ và trực tiếp tham gia quy tập khoảng 150 liệt sĩ. Bản thân ông Việt đã có hơn 10 chuyến đi sang Lào, cùng lội suối, băng rừng, trèo núi, đối mặt với bao gian khó để cùng các đội quy tập liệt sĩ tìm từng mảnh xương, từng di vật của những đồng đội cũ. Ông bảo: “Khi nào tôi còn đi được, còn nhìn được thì tôi cũng sẽ vẫn còn tham gia tìm lại đồng đội mình. Tôi chỉ mong anh em không còn cảnh lạnh lẽo, cô đơn ở xứ sở khác mà về được quê hương, được nằm trên mảnh đất tổ quốc mình”.