Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 00:33 - 26/02/2016
Đó là khẳng định của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp” diễn ra vào sáng 25/2, tại Hà Nội, do Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Tham dự Tọa đàm về phía Bộ LĐ-TB&XH có: Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền; Thứ trưởng Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng; Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta cùng đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Vai trò quan trọng của báo chí trong thay đổi nhận thức giới
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết, Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm xuất bản Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu nhằm làm rõ mức độ mất cân bằng giữa nam và nữ trên toàn thế giới. Báo cáo năm 2014 đã xếp hạng 142 quốc gia. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 76/142 quốc gia xếp hạng. Nếu tính riêng từng lĩnh vực thì Việt Nam đứng thứ 44 trong lĩnh vực kinh tế, 87 trong lĩnh vực tăng quyền trong chính trị, 97 trong lĩnh vực giáo dục, 137 trong lĩnh vực y tế và sự sống còn.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Tọa đàm
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, dù Việt Nam được đánh giá là nước có chỉ số phát triển giới tốt trong khu vực, nhưng với một quốc gia có văn hóa còn đậm nét truyền thống Á Đông như Việt Nam, các thách thức trong thu hẹp khoảng cách giới vẫn đang tồn tại, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị. Vai trò của phụ nữ trong tham gia lĩnh vực chính trị nói chung và trong cơ quan dân cử nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức.
“Để góp phần đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc quốc gia về bình đẳng giới đặt ra, việc tuyên truyền của các cơ quan báo chí đóng vai trò rất quan trọng nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ trong tham gia quản lý, lãnh đạo” – Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.
Tại Tọa đàm, bà Trương Thị Mai cho biết, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa XIII tỷ lệ này là 24,4%, song nhìn vào biểu đồ tỷ lệ nữ ĐBQH qua các thời kỳ cho thấy Việt Nam cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ 2016 -2020.
Theo bà Trương Thị Mai, sự hạn chế của phụ nữ trong tham gia vào các cơ quan dân cử không hẳn do không đủ năng lực mà còn do các yếu tố thuộc về nhận thức giới và các yếu tố khách quan khác. Trong quá trình khắc phục hạn chế này, các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng đối việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, thúc đẩy tích cực sự ủng hộ của phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị.
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại Tọa đàm
Bà Trương Thị Mai đề xuất: “Tôi mong muốn các cơ quan truyền thông sẽ làm tốt vai trò đồng hành, ủng hộ sự tham gia của phụ nữ trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tới đây bằng những tuyên truyền cụ thể, thiết thực. Đó là: các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; các quy định của Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong đó có quy định có ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; tích cực tuyên truyền nhằm giảm thiểu các định kiến giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ”.
Công chúng ít biết đến các nữ ứng cử viên tiềm năng
Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động chính trị do một số ứng cử viên nữ tiềm năng lại không được công chúng biết đến.
Một nghiên cứu truyền thông toàn cầu được tiến hành vào năm 2015 tại Việt Nam đã cho thấy rằng chỉ có 22% các tin tức được đưa ra trên các trang báo, truyền hình và đài phát thanh nói về phụ nữ và các vấn đề của phụ nữ. Tỷ lệ này chỉ chiếm 18% các tin tức trên mạng thông tin điện tử. Vì vậy, truyền thông có thể đóng một vai trò to lớn trong việc làm nổi bật hình ảnh của những lãnh đạo nữ.
Phương tiện truyền thông là một lực lượng mạnh mẽ tạo ra sự thay đổi. Truyền thông có sức mạnh để định hình các giá trị xã hội, các chuẩn mực giới và các ý tưởng, là những công cụ quan trọng nhất đem lại sự thay đổi tích cực và phá vỡ những khuôn mẫu. Truyền hình, báo chí... cần phải giúp làm hiện rõ sự đóng góp của phụ nữ trong những vấn đề chung trước công chúng và đảm bảo độ bao phủ về truyền thông, cơ hội xuất hiện bình đẳng của cả hai giới trong cả quá trình bầu cử.
Các đại biểu tham dự cuộc Tọa đàm
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị, các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; đặc biệt là nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021 đạt từ 35% trở lên; Những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước và những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong công tác lãnh đạo, quản lý; Tuyên truyền nhằm xóa bỏ tư tưởng trọng nam, khinh nữ và các định kiến giới; Thông tin về nỗ lực của các ngành, các cấp nhằm đảm bảo chỉ tiêu phụ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị các cơ quan báo chí tích cực đưa tin về các hoạt động chuẩn bị bầu cử và có các thông điệp phù hợp để cổ vũ cho những phụ nữ ưu tú tham gia ứng cử lần này”