THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:08

Tình yêu - không thể dùng sức mạnh để cương tỏa

 

Tiểu thuyết được nhà văn quân đội Đỗ Bích Thúy lấy cảm hứng từ truyền thuyết về chúa đất Sùng Chúa Đà, ở vùng Đường Thượng (huyện Yên Minh, Hà Giang), tác giả đưa người đọc trở về khung cảnh Hà Giang với đời sống tủi nhục của người phụ nữ dân tộc Mông cách đây 200 năm.

Dân gian kể rằng Sùng Chúa Đà là một thổ ty người Mông hung ác, sống cách nay khoảng 200 năm. Cuộc đời ông gắn liền với sự tích cây cột đá hành quyết, cao tới 1,9 m, chuyên để treo đến chết những ai trêu ghẹo vợ chúa, và vi phạm luật lệ do ông đặt ra. Nhân vật chính của câu chuyện là chúa đất có quyền sinh sát trong tay. Sùng Chúa Đà thích những cô gái đẹp, nhưng sự bạo tàn hung ác không mang lại hạnh phúc cho ông ta.

Bên cạnh Chúa đất là những người phụ nữ quanh ông: Đó là bà cả luôn yêu Chúa đất hết mực, luôn nghĩ cho ông trước bản thân mình. Là bà tư Vàng Chở, một người phụ nữ bản lĩnh, dám sống và đấu tranh cho tình yêu, dù cuối cùng phải chịu cái chết treo trên cột đá. Là cô gái Sùng Pà Xính xinh đẹp, tiếng hát như họa mi rộn ràng cũng nhất định không sống cam chịu... Và như lời tác giả tâm sự, tiểu thuyết này chị viết về đàn bà với niềm thương yêu vô tận. Đàn bà trong Chúa đất sinh ra không phải để đàn ông hành hạ, lấy làm trò vui. Họ có ước mơ, sẵn sàng chết để đánh đổi lấy cái gọi là hạnh phúc, dù cho nó chỉ đến trong chớp mắt.

“Lần đầu tiên mình vào Đường Thượng, mảnh đất của Sùng Chúa Đà, mình thật sự kinh ngạc về vẻ đẹp mê hồn của cái thung lũng ấy. Và cây cột đá thì bị dân chúng đẩy đổ từ bao giờ như đẩy đổ một quá khứ kinh hoàng của 200 năm trước. Khi đó Đường Thượng còn đang là vùng “nóng” về trồng cây anh túc. Cụ Sùng Đại Dùng, lúc ấy là chủ tịch UBMT Tổ quốc tỉnh là người kiên quyết đưa cây cải dầu lên Đường Thượng để thay thế cây thuốc phiện. Số phận của cải dầu và dầu cải cho đến nay không ai kết luận, cũng chả ai nhớ nữa vì có vẻ như nó thất bại về mặt kinh tế nhưng lại thành công về mặt xóa sổ cây anh túc ở Đường Thượng. Vì vậy, hôm nay, ai muốn hình dung vẻ đẹp bí ẩn cực kì quyến rũ của anh túc ở thung lũng Đường Thượng thì hãy tìm đọc Chúa đất - nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người đã đọc Chúa đất ngay khi còn ở dạng bản thảo cho biết, Chúa đất gợi ra những vấn đề về bản ngã của con người trong một xã hội lạc hậu đầy sự áp bức. Qua đó, người đọc nhận ra rằng, tình yêu là thứ không thể đoạt được bằng quyền lực, không thể dùng sức mạnh để cương tỏa nó. So với nhiều tác phẩm trước của nhà văn Đỗ Bích Thúy, cuốn này về tâm lý dày dặn hơn, mạch truyện phức tạp hơn với nhiều tầng nấc hơn. Sự nhuần nhuyễn trong văn phong của tác giả khiến câu chuyện trở nên rất hấp dẫn và đa diện. Bên cạnh đó, với thế mạnh về đề tài miền núi, Đỗ Bích Thúy đã diễn tả những phong tục tập quán và văn hóa vùng miễn trong tác phẩm rất sâu sắc, tạo nên chiều dày nhất định trong thi pháp tiểu thuyết. Tư tưởng của truyện được che lấp khá kỹ càng nên khi đọc cuốn sách này, đòi hỏi độc giả phải suy ngẫm mới có thể nhận ra thông điệp mà tác giả đưa ra.

NGUYỆT HÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh