THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:31

Viết để được trở về

Núi rừng cho tôi nhiều thứ

Việc Đỗ Bích Thúy đoạt giải, tôi không bất ngờ, bởi chị vốn là người có duyên với những giải thưởng. Gặt hái thành công từ khá sớm, với truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999.

Đến nay Đỗ Bích Thúy đã có một gia tài kha khá với 13 tập sách gồm đủ các thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn. Tuy nhiên, vốn có thế mạnh với những đề tài miền núi, nên việc chị đoạt giải thưởng với một tập tiểu thuyết viết về Hà Nội lại là điều khá đặc biệt. Thúy từng bảo, chị muốn “sục sạo vào Hà Nội bằng con mắt của một cô thợ giặt là”. Và chị đã thành công. Chẳng thế mà có người ví, “Cửa hiệu giặt là” là tấm "hộ khẩu văn chương" của Đỗ Bích Thúy trên miền đất mới...

Tuy nhiên, bạn đọc biết đến Đỗ Bích Thúy trước hết vẫn là những tác phẩm viết về miền núi. “Bóng của cây sồi", "Cánh chim kiêu hãnh",  “Sau những mùa trăng”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Những người đàn bà miền núi”... là những tiểu thuyết,  tập truyện ngắn mở ra không gian bao la của núi rừng và cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng người Mông, Tày, Dao ở vùng cao núi đá Hà Giang.

Chị từng nói: Núi rừng cho tôi nhiều thứ mà đô thị không có, đồng bằng Bắc bộ không có, đặc biệt là đối với công việc sáng tác. Núi rừng là cảm hứng, là vốn sống, là tư liệu, là không khí, hơi thở... để tôi có thể viết về nó. Và Đỗ Bích Thúy đã viết, viết bằng ký ức của một người con xa quê.

“Tôi sẽ mang tất cả những gì có thể về Hà Nội, nhưng có một thứ tôi biết mình không thể mang được, đó là nỗi nhớ”-Đỗ Bích Thúy đã viết như thế trong một tập tản văn. Nhưng thực tế, dường như chính nỗi nhớ núi rừng mới là thứ duy nhất mà Thúy mang về Hà Nội.

Nỗi nhớ ấy đưa chị quay lại “cái thung lũng có diện tích gần ba nghìn mét vuông, ba phía núi, một phía đường, con suối nhỏ trong vắt chảy qua, cỏ cây xanh tốt um tùm, buổi sáng khướu hót, xẩm chiều bìm bịp kêu, đêm về tắc kè khắc khoải tính ngày tính tháng...”, nơi đó có căn gác áp mái với chiếc hòm tôn cũ đựng những cuốn truyện thiếu nhi sờn cũ đã đưa chị vào ngưỡng cửa văn chương.

Như chính chị từng viết: “Có thể ai đó đang cho rằng tôi rỗi hơi, tôi vớ vẩn. Nhưng tôi biết, không chỉ riêng tôi mà tất cả những người đã rời xa Hà Giang, đã phải vật vã sống một cuộc sống gấp gáp của đô thị, đều thảng thốt mỗi khi nhìn thấy một hình ảnh nào đó lướt qua  trước mắt mình, dù đó chỉ là một chiếc xe mang biển số 23.

Hình ảnh ấy như một tiếng gọi từ đâu đó vọng về, níu giữ bước chân những đứa con xa xứ, vì những ước muốn thường nhật và giản dị mà phải ra đi”. Đỗ Bích Thúy đã mang Hà Giang về Hà Nội. Và ngay ở chốn thị thành, nỗi nhớ ấy giúp chị đã cho ra đời những tác phẩm của mình...

Đàn bà, không có tình yêu thì sống làm sao?

Có lần Đỗ Bích Thúy tâm sự: “Hầu như nhân vật nữ nào của tôi cũng có một số phận, một gương mặt buồn bã và họ cứ phải chật vật, vất vả mãi để đi tìm những mảnh sáng hiếm hoi cho cuộc đời mình. Tôi thường nghĩ, phụ nữ ở ta ít khi được sống cho mình, mà toàn sống cho người khác, lấy niềm vui của người khác làm lẽ sống cho mình. Phụ nữ miền núi càng thiệt thòi hơn.

Mười mấy tuổi, như bông hoa vừa mới hé thì đã làm vợ, làm mẹ rồi. Cuộc đời từ đấy là cam chịu, nhẫn nhịn, hy sinh. Tôi thích kiểu phụ nữ dám làm tất cả để giành lấy tình yêu của mình. Đàn bà ấy, không có tình yêu thì sống làm sao, không làm mẹ thì sống làm sao? Cho nên ở nhiều nhân vật, tôi luôn để họ cố gắng vượt qua tất cả trở ngại, kể cả cái chết, để giành lấy tình yêu của mình, dù không phải sự cố gắng nào cũng thành công”.

Riêng việc “dám làm tất cả để dành lấy tình yêu” thì dường như những nhân vật đó có một phần của Đỗ Bích Thúy. Ngoài đời, nếu gặp Thúy người ta khó có thể nhận ra ở chị vẻ đẹp của một cô gái miền sơn cước mà đó là cái đẹp dịu dàng, nền nã của một cô gái Hà Nội xưa. Tuy nhiên, ai đó, nếu biết câu chuyện tình yêu của chị, sẽ nhận ra đằng sau vẻ dịu dàng, mềm mại là sự quyết liệt đến không ngờ. Biết được những chặng đường khó khăn mà chị đã trải qua, để giành được hạnh phúc sẽ hiểu tại sao dù rất bận bịu với công việc viết văn và quản lý một tờ báo, nhưng chị vẫn giành khá nhiều thời gian để chăm chút cho gia đình nhỏ của mình.

Đỗ Bích Thúy bảo, chị làm việc chủ yếu viết tại cơ quan, còn khi về nhà là thời gian dành cho gia đình. Hàng ngày đưa đón hai cô con gái nhỏ Nhi và Bống đến trường, tối về dạy con học, thỉnh thoảng vẫn tự tay may vá cho con. Có dạo thấy chị đưa lên FB tấm thảm, những tấm đệm ngồi chị tự tay làm cho con ghép từ những mảnh vải vụn. Đẹp và cầu kỳ đến nỗi người ta cứ ngỡ đó là sản phẩm của một nghệ nhân, chứ không phải của một nhà văn suốt ngày cành cạch bên bàn phím với những con chữ...

Đỗ Bích Thúy có một niềm đam mê đặc biệt với hoa. Phòng làm việc của chị ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn có một chiếc nia nhỏ đựng đầy hoa đại. Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị cũng có một vườn treo  babilon tuyệt đẹp, ở đó có những chậu hoa đầy màu sắc.

“Vườn treo babilon” trong gia đình Đỗ Bích Thúy ở Hà Nội.

Không chỉ là những chậu hoa mua ngoài chợ, Thúy thích tự mình gieo hạt, trồng hoa, Có dạo thấy chị hì hụi ươm giống hoa Lavender, loài hoa vốn chỉ thích hợp với khí hậu lạnh ở châu Âu, nếu ở Việt Nam thường thì khí hậu Đà Lạt mới thích hợp để trồng. Chả biết Thúy có thành công hay không nhưng gần đây lại thấy chị trồng dâu tây, mà ra trái hẳn hoi, chín mọng chả khác gì dâu mang từ trời tây về.

Trên FB chị viết: “Mình luôn ước có một mảnh vườn nhỏ, không, một ô đất nhỏ, rất nhỏ thôi. Và mình sẽ trồng ở đó một ít hoa, một ít rau thơm, một cây chanh nhỏ. Và giống như người Mông ở trên núi, phải gùi đất từ dưới thung lũng lên đổ vào hốc đá để trồng ngô, mình mang đất lên ban công, đổ vào chậu nhựa để trồng cây.

Cây như người, cần được chăm sóc, cần được quan tâm, cần được yêu thương, và đôi lúc dỗi hờn, đôi lúc mệt mỏi. Mỗi sáng, rón rén trốn con lẻn ra khỏi phòng, chuẩn bị đi làm, việc đầu tiên là ra ban công để thăm cây... Mỗi ngày về nhà, mệt mỏi, bực tức, cáu giận, chán ngán... đều có thể tiêu tan khi nhìn thấy nụ cười của bạn Nhi bên cái ban công đầy hoa...”

Phụ nữ viết văn đã vất vả, lại làm quản lý thì càng vất vả hơn, nhưng với Đỗ Bích Thúy, gia đình mới là thứ quan trọng nhất. Bởi như chị từng viết, ở gia đình, có lúc nào đó mệt mỏi, nhìn vào những đứa con người ta có thể vịn vào đó để thấy những mệt mỏi ấy là nhỏ bé, để có lý do vịn vào cuộc đời mà đi tiếp...

* “Mỗi khi ngồi trước màn hình máy tính, viết những câu văn về miền núi, tôi lại có cảm giác như vừa được trở về nhà, uống nước ở suối ấy, hít hơi gió thổi ra từ trong khe núi ấy, ngồi trên cái hiên nhà ấy, với con chó nhỏ ấy… quen thuộc vô cùng. Tôi thực sự cũng muốn có được cảm giác này khi gõ những phím chữ về Hà Nội. Tôi yêu Hà Nội và tôi sẽ viết về nó với tình yêu ấy, với nỗi xúc động đến run rẩy khi nghĩ về nó, như khi người đàn ông đem lòng yêu một cô gái, anh ta nhất định phải tìm cách để thổ lộ..”

* Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.Những tác phẩm đã xuất bản:

- Tiểu thuyết: “Bóng của cây sồi”; “Cánh chim kiêu hãnh”; “Cửa hiệu giặt là”.

- Truyện ngắn: “Sau những mùa trăng”; “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”; “Những buổi chiều ngang qua cuộc đời”; “Ký ức đôi guốc đỏ”; “Mèo đen”; “Đàn bà đẹp”.

- Tản văn: “Trên căn gác áp mái”; “Đến độ hoa vàng”.

- Truyện vừa: “Người đàn bà miền núi”.

- Truyện thiếu nhi: “Em Béo và Hội cầu vồng”.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh