THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:41

Tiếp vụ hàng loạt máy tính Đề án 910 ở Thừa Thiên Huế xuống cấp

 

Trụ sở của Công ty TNHH TMDV Lê Cường cũng là địa điểm đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH MTV Sản xuất TMDV Khánh Trâm Anh, 2 trong 3 đơn vị cùng tham gia nộp hồ sơ đề xuất gói thầu “Mua sắm và lắp đặt 56 bộ máy vi tính và 56 bộ UPS”  theo Đề án 910 năm 2015

 

Theo đó, vào năm 2015, khi triển khai thực hiện Quyết định số 1026/QĐ – UBND ngày 4/6/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã năm 2015” (nằm trong Đề án 910 về Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013 – 2015, định hướng 2020), Sở TT&TT Thừa Thiên Huế đã đăng tin mời thầu rộng rãi trong nước gói thầu chào hàng cạnh tranh “Mua sắm và lắp đặt 56 bộ máy vi tính và 56 bộ UPS (bộ lưu trữ điện dự phòng)” trên báo Thừa Thiên Huế. Sau 4 lần được đăng tải vào các ngày 3, 7, 10 và 11/8/2015, đã có 3 công ty đến nhận hồ sơ yêu cầu và có 3 nhà thầu đến nộp hồ sơ đề xuất đấu thầu.

Điều đáng chú ý là cả 3 công ty đến nhận hồ sơ yêu cầu và nộp hồ sơ đề xuất gói thầu “Mua sắm và lắp đặt 56 bộ máy vi tính và 56 bộ UPS” này đều đến từ TP. Huế. Đó là Công ty TNHH TM&DV Lê Cường (sau đây gọi tắt là Công ty Lê Cường, có địa chỉ tại 256 Hùng Vường, P. An Cựu, TP. Huế); Doanh nghiệp tư nhân TMDV Tin học Song Sáng và Công ty TNHH MTV Sản xuất TMDV Khánh Trâm Anh (địa chỉ 256 Hùng Vương, P. An Cựu, TP. Huế).

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề xuất và Tổ chuyên gia đấu thầu (do Sở TT&TT Thừa Thiên Huế thành lập) kiểm tra đánh giá hồ sơ dự thầu, đơn vị trúng thầu gói thầu “Mua sắm và lắp đặt 56 bộ máy vi tính và 56 bộ UPS” là Công ty Lê Cường, do ông Lê Xuân Cường làm Giám đốc. Tổng giá trị hợp đồng của gói thầu này là 530.880.000 đồng. Câu hỏi được đặt ra là, có hay không việc Công ty Lê Cường đã ‘đơn thương độc mã” về đích, mặc dù có đến 3 đơn vị nộp hồ sơ chào thầu?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH MTV Sản xuất TMDV Khánh Trâm Anh được cấp giấy phép kinh doanh và bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2014, do bà Lê Thị Kim Ngân làm người đại diện trước pháp luật và giữ chức vụ Giám đốc Công ty. Ngành nghề chính đăng ký là bán lẻ sách, báo, tạp chí văn phòng phẩm. Địa chỉ chủ sở hữu Công ty ở tại Thôn 2, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế.

Một điều khá trùng hợp là Công ty này và Công ty Lê Cường cùng đăng ký 1 địa điểm kinh doanh tại 256 Hùng Vương, phường An Cựu, TP. Huế. Mặt khác tại Biên bản nghiệm thu kỹ thuật các mặt hàng trong hợp đồng số 220714 – 1/LeCuong co…ltd ký giữa Sở TT&TT Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH TM&DV Lê Cường về việc cung cấp thiết bị văn phòng cho Bưu điện xã Nhâm, thì bà Lê Thị Kim Ngân đã đại diện cho Công ty để ký tên, đóng dấu nghiệm thu với chức danh Phó Giám đốc. Một sự trùng hợp khác, đó là theo người dân địa phương cho biết, vợ của ông Lê Xuân Cường, Giám đốc Công ty Lê Cường cũng có tên là Ngân và cũng ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy.

Về Doanh nghiệp tư nhân TMDV Tin học Song Sáng, trong các biên bản tiếp nhận hồ sơ của Sở TT&TT Thừa Thiên Huế, khi thì ghi là DNTN TMDV tin học Song Sáng, lúc thì ghi Sông Sáng, khi thì lại ghi là Công ty TNHH TM&DV và Tin học Song Sáng. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì, trên địa bàn TP. Huế chỉ có 1 Doanh nghiệp tư nhân TM&DV Tin học Sông Sáng (có địa chỉ tại 22 An Dương Vương, phường An Cựu, TP. Huế) được thành lập và hoạt động vào khoảng năm 2007. Trong khi đó, theo một nguồn tin riêng của chúng tôi, thì đơn vị này đã ngừng hoạt động từ tháng 12/2010. Tại địa chỉ số 22 An Dương Vương hiện nay là một quán cơm bình dân. Ông chủ nhà này cho biết, trước đây chính vợ chồng ông Lê Xuân Cường đã thuê nhà của ông để mở 1 công ty, sau đó mới chuyển lên điạ chỉ số 256 Hùng Vương như hiện nay.

 

Nơi DNTN TMDV Tin học Sông Sáng từng đóng trụ sở hiện nay là quán cơm bình dân

 

Liên quan đến cách thực hiện các gói thầu của chủ đầu tư và chất lượng máy tính, như trong bài “Thừa Thiên Huế: Hàng loạt bộ máy vi tính thuộc Đề án 910 xuống cấp mạnh”, chúng tôi đã nêu 2 điểm trong Kết luận Thanh tra của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế. Đó là việc mua sắm màn hình máy vi tính không đúng chủng loại theo Chứng thư thẩm định giá và phần lớn các điểm Bưu điện văn hóa xã đều có máy vi tính bị hư hỏng. Theo đó, tại hợp đồng kinh tế số 220815 – 1/LeCuong co…ltd về việc mua sắm thiết bị văn phòng ký giữa Sở TT&TT Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH TM&DV Lê Cường không thể hiện thương hiệu máy tính, chỉ ghi xuất xứ Việt Nam. Sau đó, Công ty Lê Cường đã mua và lắp đặt 56 bộ máy vi tính cho các điểm Bưu điện văn hóa xã theo Đề án 910, trong đó có 56 màn hình vi tính không đúng chủng loại theo Chứng thư thẩm định giá. Thay vào đó là 56 màn hình thương hiệu HKC xuất xứ Hồng Kông (Trung Quốc) và bộ phận CPU cũng không rõ có phải hàng Việt Nam hay không. Điều này là không đúng theo quy định tại Điều 5, Thông tư 01/2014/TT – BTTTT Quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ Công nghệ thông tin sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Trước đó, tháng 5/014 Sở TT&TT Thừa Thiên Huế khi ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Huetronics cung cấp và lắp đặt 20 bộ máy vi tính thương hiệu VietCom E29 (Máy tính thương hiệu Việt Nam đạt chuẩn ISO 9001:2008; TCVN 7189:2002, phù hợp tiêu chuẩn do Bộ TT&TT quy định) với giá 7.814.000 đồng/bộ cho 5 điểm bưu điện thuộc Đề án 910 theo gói thầu số 1. Đến tháng 6/2014, UBND tỉnh Thừa Thiên có Công văn số 3192/UBND – VH về việc triển khai bổ sung thêm điểm Bưu điện văn hóa xã năm 2014. Địa điểm cuối cùng được lựa chọn để bổ sung là Bưu điện văn hóa xã (huyện A Lưới). Sở TT&TT Thừa Thiên Huế sau đó đã ký hợp đồng với Công ty Lê Cường để mua sắm và lắp đặt 4 bộ bộ máy vi tính cùng một số thiết bị khác cho Bưu điện xã Nhâm. Hợp đồng được thực hiện vào tháng 8/2014, nhưng trong hợp đồng cũng không ghi thương hiệu máy tính là gì, với đơn giá 8.690.000 đồng/bộ. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 3 tháng trời, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế đã ký 2 hợp đồng kinh tế với 2 đơn vị khác nhau để mua tổng cộng 24 bộ máy vi tính, với giá chênh lệch lên đến 876 nghìn đồng/bộ. Trong khi đó, 20 bộ mua với Huetronics là thương hiệu Việt rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn do Bộ TT&TT quy định và rẻ hơn gần 1 triệu đồng/bộ, thì 4 bộ sau đã đắt hơn và lại không rõ thương hiệu máy.

 

Điều 5. Tiêu chí chung xác định sản phẩm, dịch vụ trong nước (Thông tư số 01/2014/TT – BTTTT)

Sản phẩm, dịch vụ trong nước có các tiêu chí chung như sau:

1. Được sản xuất tại Việt Nam, bởi doanh nghiệp mà trong đó các pháp nhân và thể nhân Việt Nam nắm quyền kiểm soát chi phối và nắm giữ cổ phần chi phối (đối với công ty cổ phần) hoặc nắm giữ phần vốn góp chi phối (đối với các loại hình doanh nghiệp khác);

2. Đã được đăng ký thương hiệu và được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam, hoặc đã đăng ký và hoàn tất các yêu cầu, điều kiện để cung cấp sản phẩm, dịch vụ (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam;

3. Có tài liệu kỹ thuật hoặc tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt;

4. Có thông báo rõ ràng các điều khoản cam kết về bảo hành, trách nhiệm của nhà cung cấp, chính sách hậu mãi và chính sách liên quan khác.

NHÓM PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh