CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:12

Thừa Thiên Huế: Hàng loạt bộ máy vi tính thuộc Đề án 910 xuống cấp mạnh

Cả 4 bộ máy vi tính theo Đề án 910 tại điểm Bưu điện văn hóa xã Quảng Thọ (Quảng Điền) đã lâu ngày không hoạt động do xuống cấp, hư hỏng

 

Đề án 910 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt từ tháng 5/2013. Đây là Đề án nhằm phục vụ cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí được đầu tư từ ngân sách địa phương cho Đề án trong hai năm 2014 và 2015 là 1,6 tỷ đồng. Trong đó, số kinh phí được duyệt để triển khai cho 6 điểm Bưu điện Văn hóa xã năm 2014 là 600 triệu đồng, năm 2015 được nâng lên 1,1 tỷ đồng cho 14 điểm Bưu điện Văn hóa xã.

Nguồn kinh phí này dùng để trang bị cho mỗi điểm 4 bộ máy tính để bàn, 1 bộ bàn ghế đọc sách và 1 giá sách, lắp đặt đường truyền ADSL. Hỗ trợ các đầu sách về hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, dân số, kế hoạch hóa gia đình, y tế, giáo dục. Tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng Internet cho lãnh đạo xã, cán bộ văn hóa thông tin và nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đó cũng dùng để mua một số báo nhằm cung cấp thông tin cho người dân.

Giai đoạn 1 của Đề án 910 đã kết thúc và theo chúng tôi được biết, hiện nay Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án, với nguồn kinh phí dự kiến là 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết các bộ máy vi tính được lặp đặt tại các điểm Bưu điện văn hóa xã trong giai đoạn 1 đến nay đã bị hư hỏng và phải sửa chữa nhiều lần, nhiều bộ phận phải thay mới; thậm chí nhiều bộ máy vi tính hư hỏng lâu ngày không được sửa chữa, phủ đầy bụi bặm và “vứt không”.

Tại điểm Bưu điện văn hóa xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), khi chúng tôi đến thực tế tại đây, 4 bộ máy vi tính theo Đề án 910 được phủ khăn vải kín mít. Bàn, ghế, bàn phím máy tính phủ đầy bụi bặm. Nữ nhân viên ở đây cho biết, chị mới về làm việc tại điểm Bưu điện này được 4 tháng, trong 4 tháng đó, những bộ máy vi tính này không một lần hoạt động vì đã bị hư hỏng nhiều bộ phận. Nhân viên này cũng cho biết là những bộ máy vi tính đó đã hư hỏng từ thời nhân viên làm trước chị.

 

Bàn ghế, máy móc phủ đầy bụi bặm do lâu ngày không có người đụng đến

 

Nhân viên tên Toàn làm việc tại Bưu điện văn hóa xã Quảng Thành cũng cho biết tình trạng tương tự. 4 bộ máy vi tính được lắp đặt theo Đề án 910 vào năm 2015, đến nay chỉ còn 2 bộ hoạt động, nhưng cũng hỏng lên hỏng xuống liên tục. Những bộ máy vi tính ở các điểm Bưu điện văn hóa xã khác thuộc huyện Quảng Điền, như: Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Phú cũng rơi vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng, và gần như chỉ để cho có. Thậm chí, những bộ máy vi tính ở xã Quảng Vinh lắp đặt vào năm 2015 do Công ty TNHH TM – DV Lê Cường (đơn vị được Sở TT&TT Thừa Thiên Huế kí hợp đồng) lắp đặt lại ghi những số hiệu khó hiểu ở trên bộ phận case (thùng CPU): “Foxconn G41MX, HDD16Gbm, CPU 650 (2,93Mhz*2), Ram 1Gb, Ngày sd: 04/01/2011”, gây hiểu nhầm là máy đã hết thời hạn từ trước khi được lắp đặt.

 

Dòng thông tin gây hiểu lầm trên thùng CPU ở bộ máy vi tính của điểm Bưu điện văn hóa xã Quảng Vinh (Quảng Điền)

 

Không chỉ các bộ máy tính được lắp đặt trong giai đoạn 1 của Đề án mà ngay cả những bộ máy lắp vào giai đoạn 2 cũng đã xuống cấp, hư hỏng. Chị Võ Thị Thu Hà, nhân viên Bưu điện văn hóa xã Quảng Ngạn cho biết, điểm bưu điện này được lắp 4 bộ máy vi tính theo Đề án 910 vào đầu năm 2017. Nhưng đến nay, hầu hết các bộ máy này đã nhiều lần hư hỏng và phải gọi thợ về bảo hành, sửa chữa cũng như đã phải mang sang Bưu điện huyện Quảng Điền khoảng 3 đến 4 lần để sửa chữa. Ngày chúng tôi đến thực tế, có 2 bộ máy vi tính ở đây đã được gửi đi sửa chữa tại Bưu điện Quảng Điền, 1 bộ khởi động không được, còn 1 bộ chạy chập chờn. Cũng theo chị Hà, kể từ ngày 4 bộ máy vi tính được lắp tại Bưu điện Quảng Ngạn, hầu như chẳng có ai đến sử dụng và chỉ để không, rất lãng phí.

Trao đổi với chúng tôi, Ông Hồ Ngọc Thạch, Giám đốc Bưu điện huyện Quảng Điền cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Quảng Điền đã có 6 xã được lắp đặt các bộ máy vi tính theo Đề án 910, trong đó có 5 xã giai đoạn 1 gồm: Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Lợi, Quảng Phú, Quảng Vinh và 1 xã giai đoạn 2 là xã Quảng Ngạn. Cũng theo ông Thạch thì do đã lắp đặt 2 – 3 năm nên hầu hết các bộ máy vi tính thuộc Đề án trong giai đoạn 1 trên địa bàn Quảng Điền đến nay đã xuống cấp, hư hỏng.

Đến điểm Bưu điện văn hóa xã Phú Thanh (huyện Phú Vang), chúng tôi cũng nhận được những phản ánh tương tự về các bộ máy vi tính ở đây. Cuốn nhật ký làm việc của nhân viên tại điểm Bưu điện này ghi chép chi chít lỗi, hỏng của các bộ phận những dàn máy vi tính như: chập mát nguồn, hỏng main, hỏng bàn phím, thay case mới,…

Tình trạng xuống cấp, hư hỏng nhiều bộ phận cũng xảy ra đối với các bộ máy vi tính trong Đề án 910 được lắp đặt tại các điểm Bưu điện văn hóa xã thuộc huyện miền núi Nam Đông. Nhân viên tại điểm Bưu điện văn hóa xã Thượng Nhật cho biết, 4 bộ máy vi tính được lắp đặt tại đây chỉ sau khoảng 2 tháng sử dụng đã xảy ra lỗi, hỏng hóc. Cũng theo nhân viên này thì số lượng người đến truy cập Internet bằng những bộ máy vi tính của bưu điện chỉ từ 5 – 10 lượt/ngày, thậm chí có ngày chẳng có ai.

Vậy, câu hỏi được đặt ra là, chất lượng của những bộ máy vi tính thuộc Đề án 910 như nói trên như thế nào? Tính hiệu quả của Đề án đến đâu? Khi mà điểm chung của tất cả các bộ máy vi tính tại các điểm Bưu điện văn hóa xã được đầu tư theo Đề án là có tần suất sử dụng không nhiều. Theo Kết luận Thanh tra số 634/KL – TTr về Việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở TT&TT Thừa Thiên Huế và các đơn vị trực thuộc do Thanh Tra tỉnh này thực hiện vào tháng 7/2017 cho thấy:

Đối với Đề án 910, “việc mua sắm màn hình máy vi tính không đúng chủng loại theo Chứng thư thẩm định giá số 1531/CTTĐG – CNHUẾ ngày 13/7/2015 của Chi nhánh Công ty CP Tư vấn dịch vụ về tài sản – bất động sản DATC. Theo Chứng thư thẩm định giá thẩm định Màn hình máy vi tính 18.5” LCD SAMSUNG Model: S19C170 nhưng Sở ký Hợp đồng với Công ty TNHH TM – DV Lê Cường không thể hiện nhãn hiệu và mã số của màn hình, dẫn đến Công ty TNHH TM – DV Lê Cường đã cung cấp màn hình hiệu HKC Model: N1816 với tổng số 56 cái.

 

Màn hình vi tính lắp đặt không theo Chứng thư thẩm định giá ban đầu

 

Một số xã có người dân đến sử dụng máy vi tính như xã Nhâm, Hương Phong thuộc huyện A Lưới, xã Thượng Quảng thuộc huyện Nam Đông, xã Phú Thanh thuộc huyện Phú Vang. Thiết bị máy vi tính tại 2 xã Nhâm và Hương Phong được bảo trì, bảo dưỡng khá tốt phục vụ được nhu cầu cần thiết của người dân. Bên cạnh đó, phần lớn các điểm Bưu điện văn hóa xã đều có máy vi tính bị hư hỏng, một số máy đã được nhân viên Bưu điện huyện sửa chữa, thay thế linh kiện để máy tiếp tục hoạt động phục vụ người dân.”

Theo phụ lục của bản Kết luận Thanh tra thì có 20 bộ máy vi tính hư hỏng không sử dụng được. Còn lại phần lớn được thay mới các bộ phận để tiếp tục hoạt động.

Sẽ là một sự lãng phí rất lớn nếu như Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm Bưu điện Văn hóa xã” không được điều chỉnh, siết chặt việc kiểm tra chất lượng các bộ máy vi tính cũng như việc bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cần có đánh giá lại tính thiết thực của Đề án và cách triển khai thực hiện của đơn vị được phân công vai trò chủ quản.

NHÓM PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh