THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:58

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 1.

Các đại biểu tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh: Ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", sự tôn vinh và tri ân, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến của người có công với cách mạng. Hiện công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục đặt ra các yêu cầu mới, đòi hòi cần tiếp tục hoàn thiện. Thực tiễn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công đang bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Nhiều cuộc hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho việc hoàn thiện dự thảo và dự thảo Pháp lệnh sửa đổi lần này hiện đang nhận được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 2.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai chủ trì hội thảo.

Chính vì vậy,  hội nghị lần này nhằm mục đích  lấy ý kiến cho dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công sửa đổi một cách toàn diện, nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân. Huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của xã hội, các tổ chức, cá nhân để cùng nhà nước chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công; xác định cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 3.

Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Duy Kiên (đứng), đại diện cơ quan sạn thảo phát biểu ý kiến.

Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết: Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) có nhiều điểm mới, gồm có 6 Chương, 56 Điều. Trong đó, điểm mới được đưa vào là đặt lại tên điều và tên chương. Dự thảo lần này cũng được thiết kế theo hướng quy định cụ thể điều kiện quy định từng diện đối tượng theo các chế độ chính sách. Trong đó, phạm vi điều chỉnh được tập trung vào: Quy định về đối tượng, điều chỉnh một số chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân; công trình ghi công liệt sĩ, quản lý nhà nước, nguồn lực thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi với người có công và thân nhân… Ngoài ra, Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) cũng có thêm một số điều chỉnh về đối tượng áp dụng; đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; việc giải thích từ ngữ; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân; nguyên tắc thực hiện chính sách thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cân nhắc bỏ điều khoản công nhận và chi trả trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng là bệnh binh trong thời bình.

Bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao những nỗ lực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian qua của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong về cơ bản nhất trí với dự thảo. Tuy nhiên, ông đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc về việc bỏ điều khoản công nhận và chi trả trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng là bệnh binh trong thời bình. Theo ông Phong, lực lượng vũ trang dù làm nhiệm vụ trong thời bình nhưng nguy cơ bị phơi nhiễm và mắc bệnh hiểm nghèo trong khi làm nhiệm vụ vẫn còn rất lớn. Ông dẫn chứng về công tác cứu nạn, tẩy độc trong vụ cháy Nhà máy Rạng Đông vừa qua và đề nghị tiếp tục duy trì như quy định cũ.  

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Trung Nhân, Phó Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Trung Nhân, Phó trưởng phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) cùng một số ý kiến của Ban liên lạc Cựu địch bắt tù đày bày tỏ băn khoăn: Nhiều trường hợp Mẹ Việt Nam anh hùng lớn tuổi sau khi được phong tặng thì mất, chưa được hưởng trợ cấp 20 lần đã mất. Nên chăng Nhà nước có chính sách ưu đãi đặc biệt hơn cho những trường hợp này, đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố nên có mô hình nghĩa trang chính sách như thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng là người có công với cách mạng và người bị địch bắt tù đày. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách để giám định lại thương tật cho đối tượng bị địch bắt tù đày có vết thương bị "nội thương", không có vết thương thực thể theo quy định hiện hành...

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 6.

Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự thống nhất cao với dự thảo và phân tích nhiều ý kiến mở rộng cho Pháp lệnh.

Về gợi ý của chủ trì hội nghị về việc nêu quan điểm còn nhiều ý kiến khác nhau về trường hợp được công nhận liệt sĩ đối với người có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân theo quy định tại khoản 10 Điều 14 của dự thảo, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự thống nhất cao với dự thảo và phân tích: Cứu giúp người khác trong tình trạng nguy cấp, bị đe dọa đến tính mạng hay vượt khó khăn cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân là nghĩa vụ của công dân đã được Hiến pháp và Bộ Luật Hình sự 2015 quy định. Do vậy, hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân phải là những trường hợp được tôn vinh, được Nhà nước ghi nhận, biểu dương thông qua hình thức được tặng thưởng Huân, Huy chương để làm căn cứ xem xét công nhận liệt sĩ là phù hợp. Bên cạnh đó, cần giữ nguyên quy định về công nhận liệt sỹ đối với đối tượng là thương binh có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên chết do vết thương tái phát.

"Thực tế, trong số đối tượng này có rất nhiều người thực thể có thương tật nặng hơn nhưng do trong thời kỳ trước đây, điều kiện kỹ thuật y tế của chúng ta còn hạn chế, công tác giám định tỷ lệ thương tật chưa thật chính xác nên dù được ghi nhận tỷ lệ thương tật chưa tới 81% nhưng những vết thương, mảnh đạn còn sót lại trong người các bác, các cô, các chú vẫn đang ngày đêm hành hạ cơ thể họ. Nếu không công nhận liệt sĩ cho số đối tượng này, trường hợp họ chết do ảnh hưởng của vết thương thì sẽ rất thiệt thòi cho họ, chưa nói đến việc chúng ta vốn đã làm việc này trong nhiều năm nay", ông Thắng nói.

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ đóng góp ý kiến

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ việc Nhà nước cần thống nhất tên gọi và định danh Nghĩa trang liệt sĩ; về vấn đề trợ cấp đối với vợ liệt sĩ tái giá, ủy quyền đối với trường hợp thân nhân liệt sĩ, người hưởng trợ cấp vắng mặt tại nơi cư trú và các vấn đề liên quan đến công tác điều dưỡng đối với thương, bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng...

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, hội nghị ghi nhận 18 lượt ý kiến sôi nổi, đa số thống nhất tờ trình Pháp lệnh; nhưng còn nhiều ý kiến cần chỉnh sửa, nhiều địa phương khác cũng có ý kiến tương đồng như vậy. Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo để hoàn thiện và tiếp tục lấy ý kiến nhằm hoàn thiện để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến thông qua theo lộ trình.

Minh Nghĩa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh