CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:07

Tiếng đàn Chót groong của người Ve

 

Già Pháo chơi đàn Chót groong.

 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn, trên tường có treo nhiều nhạc cụ của người Ve như: Đinh buôl, Đinh koi, Đinh chul, Đinh tiêl, Pa băm, Chót groong, Đức đưl… Đó là các loại nhạc cụ rất độc đáo, gắn liền với truyền thống văn hóa bao đời của đồng bào dân tộc Ve. Già Nguyễn Văn Pháo cho hay, hiện nay trong kho nhạc cụ khá đa dạng của dân tộc Ve có nhiều nhạc cụ.

Vừa kéo đàn Chót groong vừa kể chuyện đời xưa bằng giọng khàn khàn: “Ngày xưa, thuở núi rừng Trường Sơn thâm u tịch mịch. Ở một buôn làng người Ve nọ, có chàng trai sống với bà mẹ già, hằng ngày đi săn bắt thú ở những khu rừng hẻo lánh, nơi có dòng thác đổ với suối nước trong xanh, hai bên bờ có hoa thơm, cỏ lạ; bướm lượn chập chờn và thường có các Tiên nữ trên trời xuống tắm. Một hôm, chàng trai người Ve  đang theo dấu chân con nai thì bỗng nghe tiếng kêu thất thanh của một cô gái bên bờ suối. Chàng trai chạy đến, thấy con đại bàng cắp lấy đôi cánh của một Tiên nữ bay lên. Chàng trai dương cung lên bắn rớt con đại bàng và lấy lại đôi cánh trao lại cho nàng Tiên nữ. Tiên nữ cảm kích tấm lòng của chàng trai người Ve tài ba và tốt bụng. Từ đó, hai người quý mến nhau và nảy nở tình yêu và thề với Sơn thần, Thổ địa chứng giám, chỉ có cái chết mới chia lìa. Nhưng một ngày kia, Vua cha của Tiên nữ trên Trời biết được, sai Thiên sứ xuống bắt nàng tiên về Trời, không cho nàng xuống lại Trần gian. Chàng trai và nàng Tiên nữ chia lìa trong nuối tiếc, nước mắt chảy thành suối nước đỏ như máu. Trước khi họ về trời, Tiên nữ chỉ kịp rút chiếc trâm cài tóc, đưa lên miệng thổi khúc nhạc biệt ly. Bỗng nhiên, chiếc trâm cài biến thành cây đàn Chót Grong một dây và tiên nữ tặng cho chàng kỷ niệm một mối tình. Quá nhớ thương người yêu, chàng trai người Ve không tha thiết đến ăn uống, ngày đêm ôm đàn Chót Grong kéo lên những khúc nhạc buồn da diết, não nề làm rung động núi rừng…”. 

Già  Đinh văn Pháo cho chúng tôi xem cây đàn Chót groong có thân là ống trãy nhỏ, dài gần một mét. Thoạt nhìn, đàn Chót groong  giống đàn cò (nhị) của người Kinh. Thân đàn là một ống trãy già dài khoảng 80cm, đường kính độ 2cm. Một đầu ống lồ ô gắn vào một ống tre có bịt da thú như kỳ đà, trăn. Có một sợi dây đàn nối từ cần đàn chạy song song với thân đàn và bắt qua mặt bịt bằng da của ống tre. Đàn được tấu bằng cách dùng tay trái  giữ thân đàn, tay phải nắm cây cần bằng tre hay nứa kéo qua lại chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và cạnh ống tre, đồng thời các ngón tay của bàn tay trái bấm dây đàn, âm thanh phát ra như não nề, ai oán…

 

 

Già Đinh Văn Pháo cho biết: "Đây là cây đàn để trai trong làng thổ lộ với bạn gái tình yêu, nỗi nhớ của mình, khi không thể ngỏ bằng lời. Ngày trước, đa số trai gái người Ve nên duyên chồng vợ đều nhờ cây đàn độc đáo này. Ngày nay, tuy tuổi đã cao, nhưng thỉnh thoảng già Đinh Văn Pháo mang đàn Chót groong ra ngồi trên trước hiênm nhà để đàn và hát hát nhằm ôn lại những kỹ niệm ngọt ngào thời trai trẻ trên dãy Trường Sơn. Mỗi lần chơi đàn, già Đinh Văn Pháo với đôi mắt mơ màng ngó về dãy núi mờ xa màu lam sương khói, nơi có huyền thoại  về mối tình bất diệt giữa chàng trai người Ve với Tiên nữ trên Trời.

“Khi tiếng của các nhạc cụ nầy cất lên, lúc đầu ai nghe cũng cảm thấy buồn man mác, nhưng rồi sau đó lòng lại trở nên nhẹ nhõm, êm ả lạ thường. Bây giờ ít người biết làm, ít người chơi đàn nầy lắm. Mà người biết làm và biết chơi toàn là người già thôi, còn thanh niên hầu như không thiết tha gì đến nhạc cụ truyền thống của người Ve nữa. Trong tương lai, âm thanh từ các nhạc cụ của người Ve cũng mất dần trong không gian Trường Sơn hùng vĩ bởi những người già  như chúng tôi đã về “bên kia thế giới”-  Ông Pháo buồn rầu tâm sự. 

Ông Trần Dư, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nam Giang cho hay, già Nguyễn Văn Pháo là người cao tuổi có uy tín trong thôn làng; một nghệ nhân biết làm và biểu diễn được nhiều nhạc cụ truyền thống, biết nhiều phong tục tập quán của người dân địa phương; một người tích cực hoạt động văn hóa, có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của người Ve trên địa bàn Nam Giang nói riêng, của các dân tộc ở địa phương nói chung.

TIÊN SA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh