THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:03

Tiền Giang: Đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả

Nhiều chính sách đi vào cuộc sống

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2010 - 2015 đặt ra “chỉ tiêu cao nhất của mọi hoạt động kinh tế” là tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 còn 4,5 - 5%. Theo kết quả rà soát, hiện Tiền Giang chỉ còn 22.644 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,98% so tổng số hộ toàn tỉnh (454.366 hộ).  Hỗ trợ dạy nghề cho 2.000 lao động thuộc diện hộ nghèo; gắn với giải quyết việc làm cho trên 1.600 lao động nghèo.

Theo ông Hồ Thanh Sơn PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cho biết: Tỉnh ưu tiên triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, tạo cơ hội để các hộ nghèo và cận nghèo có việc làm ổn định, đa dạng hóa ngành nghề, khai thác có hiệu quả các tiềm năng về đất đai, lao động để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; trong đó chú trọng việc dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, lao động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh giúp hộ nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý cho người nghèo; bảo vệ phụ nữ và trẻ em nghèo.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật địa bàn khó khăn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn công tác giảm nghèo với các chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án, các doanh nghiệp để hỗ trợ hộ nghèo. Ngoài ra, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, có phương án sản xuất, kinh doanh cũng được giải quyết vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội…

 

Mô hình trồng cây mãng cầu xiêm của huyện Tân Phú Đông


Hiện nay, đa số các  hộ cận nghèo đã vận dụng đồng vốn vay có hiệu quả, cải thiện đáng kể kinh tế cho gia đình. Điển hình là hộ gia đình ông Cao Văn Hiếu, ông Nguyễn Văn Chín, ông Phạm Văn Quang, bà Phạm Thị Đầm là các hộ cận nghèo (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho), mỗi hộ vay 50 triệu đồng để chăn nuôi bò. "Nhờ 50 triệu đồng tiền vay, gia đình tôi mua thêm được 2 con bò, nâng tổng số bò của gia đình lên 4 con. Sau thời gian nuôi, vừa rồi thương lái đến trả giá 4 con bò với giá 145 triệu đồng, nhưng gia đình chưa muốn bán. Gia đình chỉ mong tín dụng chính sách cho hộ cận nghèo còn tiếp tục duy trì, với mức cho vay cao hơn để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống"

Còn theo ông Cao Văn Trung, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) ấp Mỹ Hòa, hiện tổ đang theo dõi 25 hộ vay theo nguồn vốn chính sách, trong đó có 4 hộ được vay đến 50 triệu đồng, với tổng dư nợ đến nay là trên 463 triệu đồng. Đa số các hộ tiếp cận được nguồn vốn vay chính sách đều sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, có điều kiện cải thiện được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Có được những kết quả tích cực đó là nhờ ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Tiền Giang đã chủ động tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các xã, thị trấn về đối tượng, quy trình, thủ tục, thời hạn cho vay. Các hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn sẽ được bình xét công khai tại các Tổ TK&VV và lập danh sách gửi về Ban Xóa đói giảm nghèo ở xã thông qua sự quản lý của các hội, đoàn thể. Việc phê duyệt hồ sơ, danh sách các hộ được vay vốn được công khai, dân chủ. Nhờ đó, tất cả các hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi một cách nhanh nhất.

Mô hình nuôi dê 

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hiệu quả các Dự án Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Cụ thể huyện Tân Phú Đông là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, được đầu tư theo Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2014, đã thi công và đưa vào sử dụng 04 công trình với tổng số tiền vốn là 30,944 tỷ đồng. Nhìn chung các công trình giao thông nông thôn được đầu tư theo dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển đã đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt và phát triển sản xuất của nhân dân, đẩy nhanh thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn thuộc vùng dự án.

Tiếp tục nhân rộng các mô hình khuyến nông – lâm – ngư ở các vùng đặc thù; hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho lao động nghèo, tạo điều kiện cho vùng nghèo phát triển sản xuất, tăng nhanh thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Cụ thể, từ sự lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Tân Phú Đông Ban chỉ đạo huyện đã mạnh dạn khuyến khích người  dân chuyển đổi trồng từ cây lúa sang cây sả; trồng lúa nước xen canh tôm ở xã Phú Tân; trồng dừa, mãng cầu xiêm ở xã Tân Phú, Tân Thạnh, Tân Thới. Được sự hỗ trợ kinh phí dự án thích ứng biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trọng tâm, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện 19 mô hình sản xuất, chăn nuôi ( 05 mô hình sản xuất lúa, 13 mô hình nuôi dê an toàn sinh học, 01 mô hình nuôi gà an toàn sinh học ) có 424 hộ tham gia, trong đó có 191 hộ nghèo, với tổng kinh phí thực hiện : 2.338 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội, đoàn thể các cấp đã đẩy mạnh công tác vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ kinh phí hỗ trợ người nghèo, đã nhận được sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 31 tỷ đồng. Xây dựng và bàn giao 911 căn nhà đại đoàn kết, mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa…cho người nghèo, kinh phí 30,613 tỷ đồng.

Ngọc Tánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh