THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:20

Sử dụng ODA hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo

 

Thúc đẩy tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo  

Nguồn vốn ODA 20 năm qua, đã giúp Việt Nam đạt được những kết quả phát triển ấn tượng, không chỉ về hạ tầng, mà còn về đào tạo, nhân lực, xóa đói giảm nghèo; đóng góp cho sự thành công của một số Chương trình Quốc gia có ý nghĩa sâu rộng như Chương trình dân số và phát triển, tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng trẻ em...Các dự án của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đạt tỷ lệ thành công 82,1%, cao hơn tỷ lệ của một số nước như Ấn Độ (65,2%), Indonesia (63,2%), Philippines (45,5%)...

Theo số liệu công bố của Bộ KH&ĐT, trong vòng 20 năm, lũy kế từ năm 1993- 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam lên đến 89,5 tỉ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỉ USD, bình quân 3,5 tỉ USD/năm; vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỉ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết. Tuy nhiên, tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu vẫn còn chậm hơn so với tiến độ đã cam kết. PGS-TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội nhận định: “Nước ta phải phát triển các thể chế tài chính có khả năng thu hút nguồn vốn dài hạn cho đầu tư phát triển và giảm nghèo. Vấn đề quan trọng trong bối cảnh mới là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi”.

Lễ ký kết các Hiệp định vốn vay ODA với tổng mức đạt 66 tỷ 86 triệu yên Nhật cho 5 dự án giữa Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với Chính phủ Việt Nam vào ngày 4/7/2015, với mục tiêu hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực công nghiệp.

Ngoài các nhà tài trợ hỗ trợ phát triển chính thức, còn phải kể tới các tổ chức phi chính phủ có mặt ở Việt Nam từ trước năm 1993, và đến nay có tới hơn 600 các tổ chức này, hàng năm cung cấp khoảng 150- 200 triệu USD để hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục và đào tạo, tạo lập sinh kế... trực tiếp cho người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thông qua các dự án ODA, nước ta có thể nâng cao trình độ KHCN và trình độ nhân lực bằng những hoạt động của các nhà tài trợ. Tăng cường cơ hội và đa dạng hoá phương thức đầu tư, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và thu nhập của đông đảo người dân.

Trong lĩnh vực công nghiệp hay dịch vụ, nguồn vốn ODA góp phần to lớn trong việc sử dụng nhiều lao động, từ đó giúp nguồn lao động dư thừa của nước ta có việc làm, mang lại thu nhập ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, tổng thu nhập quốc dân tăng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các dự án ODA chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật, phát triển nhân lực... tạo điều kiện cho việc cân đối giữa các ngành trong cả nước. 

ODA không phải là kênh huy động vốn rẻ cho xã hội

Khai thác và sử dụng nguồn vốn ODA còn nhiều hạn chế do thiếu định hướng dài hạn, dự án thiếu tính cạnh tranh. Cụ thể, thiết kế một số chương trình, dự án ODA chưa sát với thực tế, phân bổ nguồn vốn ODA còn dàn trải, việc lồng ghép dự án ODA với một số chương trình Mục tiêu quốc gia còn trùng lặp. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhận xét, năng lực hấp thụ vốn còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân ODA mới đạt khoảng 63%. Hiệu quả sử dụng còn thấp. Những hạn chế này đã tạo nên nỗi lo cho tính bền vững và an toàn của nợ công. Đấy là chưa kể, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, vì vậy, trong vòng 10 năm tới, nguồn vốn ODA khó có thể tăng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Viện trợ không hoàn lại và những hình thức ưu đãi của nhà tài trợ sẽ trở nên khan hiếm. Do đó, Việt Nam phải chuyển từ nguồn vốn vay ưu đãi sang nguồn vốn có lãi suất cao hơn, dựa vào thị trường tài chính tư nhân nhiều hơn.

Thực tế là hiện nay, số lượng vốn mà các nhà tài trợ cam kết cho vay còn cao hơn nhiều so với lượng vốn đã ký kết và giải ngân. Do vốn dễ tiếp cận mà trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh tham nhũng, hối lộ giữa nhà thầu và bên đại diện dự án. Các vụ hối lộ như ở dự án đường sắt của Nhật, dự án PMU 18 liên quan đến nguồn vốn WB... là những ví dụ minh họa chấn động cho hệ lụy này. Nếu việc vay vốn ODA tiếp tục để thất thoát như trên, không chỉ ảnh hưởng tới uy tín quốc gia mà còn làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ công vốn đã và đang ở mức báo động. Các hành vi tiêu cực này sẽ được hạch toán vào chi phí thực hiện khiến cho chi phí công trình bị đội lên rất cao. Nhưng do là vay nợ ODA nên cuối cùng gánh nặng nợ được chi trả bằng tiền thuế mà người dân đóng góp. Xã hội bị mất không một khoản thuế do không quản lý dự án hiệu quả và tham nhũng, hối lộ.

Ông Vương Đình Huệ khẳng định: “Có thể thấy rằng, tuy rất cần thiết cho Việt Nam nhưng ODA không phải là một kênh huy động vốn rẻ cho xã hội. Nếu không được quản lý minh bạch, giám sát chi phí chặt chẽ thì ODA hoàn toàn có thể gây ra những chi phí phụ đắt đỏ hơn so với các kênh huy động vốn khác, như phát hành trái phiếu Chính phủ và vay nợ nước ngoài. Do đó việc tăng huy động vốn ODA không nên coi là một thành tích hoặc một mục tiêu phải nhất quyết đạt được”. Hiệu quả của nguồn vốn ODA đối với nền kinh tế là không thể phủ định, nhưng sử dụng vốn ODA đang là một thách thức.

Để huy động và sử dụng hiệu quả vốn ODA cùng các nguồn vốn khác tại Việt Nam, phục vụ phát triển KTXH giai đoạn 2016- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, theo các chuyên gia nên sử dụng ODA thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống KTXH, nhất là người dân nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Theo TS Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính): “Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn này. Vốn ODA cần tập trung cho cân đối NSNN để tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư vào hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội, các dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và là đối tượng chi của NSNN. Vốn ODA vay kém ưu đãi sẽ tập trung đầu tư cho các chương trình, dự án tầm cỡ quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ”.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh